Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo

Trang Nhi| 20/06/2019 09:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm mục đích tập hợp, lưu giữ, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hiện vật về lịch sử và thành tựu báo chí nước nhà trong hơn 150 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đang được triển khai xây dựng.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống Bảo tàng quốc gia và trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, dự kiến sẽ mở cửa đón khách tham quan vào Quý I/2020. Hoạt động của Bảo tàng nhằm tôn vinh các thế hệ nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền Báo chí Việt Nam, đặc biệt là các nhà báo cách mạng, các nhà báo - chiến sỹ đã có những cống hiến xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Thông qua các bộ sưu tập, tài liệu hiện vật, bảo tàng giới thiệu có hệ thống về lịch sử báo chí Việt Nam đặc biệt là báo chí Cách mạng, về sự phát triển phong phú đa dạng các loại hình báo chí, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, giảng dạy và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Hiện tại, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã lưu giữ hơn 14.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như: Sưu tập báo chí cách mạng 1925 - 1975; sưu tập nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; sưu tập thiết bị, dụng cụ tác nghiệp và đồ dùng nhà báo; sưu tập báo chí Việt Nam giao lưu và hội nhập…

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo

Phối cảnh một góc Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Để tiếp nhận hiện vật, từng bước hoàn thiện bảo tàng, những người làm công tác Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực đến mọi miền Tổ quốc và luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu, tấm lòng của người làm báo. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày.

Đến với Lễ hiến tặng, Đài PTTH Ninh Bình hiến tặng Bảo tàng 01 máy ghi âm Marantz, 01 camera Panasonic M9000 sử dụng từ 1992 và đầu đọc băng cối. Đài PTTH Ninh Bình thành lập từ tháng 01/1956 với cơ sở ban đầu là một đài truyền thanh đặt tại thị trấn Phát Diệm. Trải qua hơn 60 năm trưởng thành và phát triển, Đài đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và hiện đã phủ sóng qua vệ tinh, qua truyền hình cáp, truyền hình internet cùng các hình thức truyền dẫn khác. Đài PTTH Ninh Bình rất ủng hộ các hoạt động kêu gọi hiến tặng của Bảo tàng trong suốt thời gian qua.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo

Phóng viên VTV tác nghiệp tại kho Bảo tàng 

Đài PTTH Bắc Giang đã hiến tặng Bảo tàng một camera Panasonic AJ D200 sử dụng từ 1999-2012 và một monitor Sony dùng trong trường quay của đài. Đài PTTH Bắc Giang thành lập ngày 1/10/1977. Đài được đánh giá là có đội ngũ những người làm báo PT, TH luôn nêu cao tinh thần yêu nghề, trách nhiệm với công việc, nỗ lực tiếp cận công nghệ mới để sản xuất nhiều sản phẩm truyền thông chất lượng. Khi biết Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, Đài PTTH Bắc Giang đã rất nhiệt tình tham gia ủng hộ hiện vật cho Bảo tàng.

Nhà báo Mai Chí Vũ trong chuyến đi sưu tầm hiện vật tại tỉnh Cao Bằng cho biết, nhà báo Bùi Đình Trung - Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PTTH Cao Bằng cùng cán bộ nhân viên đã chuẩn bị một số hiện vật quý cho Bảo tàng như chiếc camera M3000, đầu thu phát hình Sharp và một số băng cối, băng VHS… Nhà báo Đình Trung tâm sự: “Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng là trách nhiệm của những nhà báo, của các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương nhằm làm giàu thêm những hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái cố nhà báo Xuân Thủy hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tại Lạng Sơn, đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được các đơn vị, cá nhân hiến tặng nhiều hiện vật quý như: máy ảnh, băng đĩa, thiết bị máy móc, các văn bản liên quan đến việc thành lập Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn… Đặc biệt, nhà báo La Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Lạng Sơn đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam chiếc máy soi (rửa) ảnh của Liên Xô sản xuất được anh sử dụng vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước trong quãng đời làm báo của mình…

Xúc động hơn nữa khi Bảo tàng nhận được nhiều tài liệu, hiện vật từ gia đình của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu hiến tặng, trong đó có 01 bức ảnh trụ sở Báo Độc lập năm 1948, 04 máy ảnh hiệu Hacoflex, Kodak và Pheinmetall được ông sử dụng từ 1945-1954, máy chữ hiệu Hermes Baby và sưu tập báo nước ngoài… đây là những kỷ vật quý gắn liền với quá trình công tác của ông.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo

Cán bộ Bảo tàng tiếp nhận hiện vật của gia đình cố nhà báo, liệt sỹ Đặng Loan tại Thanh Chương, Nghệ An

Gia đình nhà báo Nguyễn Minh Vỹ đã hiến tặng Bảo tàng tờ báo Thống Nhất, số 55 ra ngày 28/8/1970, số kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 01 đài Sony được ông sử dụng sau năm 1975 và rất nhiều tư liệu báo chí khác. Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914, ở Huế. Là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, ông tham gia và có nhiều đóng góp cho cách mạng từ năm 1928. Trên lĩnh vực báo chí, ông viết cho các báo: Tràng An, Tiếng Dân, Nhành lúa, tham gia làm báo Sự thật Liên khu V, Chủ nhiệm báo Thống Nhất.

Đáng mừng là bạn đọc cả nước khi biết thông tin về các cuộc vận động kêu gọi hiến tặng hiện vật qua kênh facebook của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, rất nhiều người chủ động liên lạc, như ông Phạm Văn Nhàn đã gửi chuyển phát tờ báo L' Entente xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 2481 ra ngày 19/6/1953 tới Bảo tàng…

Những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực để quy hoạch về mặt nội dung và tìm ra những hiện vật, tư liệu tiêu biểu để giúp Bảo tàng có thể “kể” về từng giai đoạn một cách chính xác, tiêu biểu và ấn tượng, hấp dẫn nhất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ lịch sử vẻ vang của những người làm báo