Bảo tàng báo chí: Sưu tầm hiện vật gốc, thời gian không đợi

Minh Phan| 20/06/2014 16:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội Nhà báo Việt Nam thông báo thành lập bảo tàng báo chí (BTBC) của Hội, tự nhiên tôi nhớ ngay đến hai “cây đa, cây đề” trong làng báo nước ta, Hoàng Tùng và Hồng Hà, những đại thụ đã vĩnh biệt đồng nghiệp để về cõi vĩnh hằng cách đây không lâu.

Trong đời làm báo của mình, tôi có may mắn được gặp làm việc với cả hai ông. Có thể gọi đây là hai “pho sử sống” về báo chí cách mạng Việt Nam. Cả hai ông vừa là nhà báo vừa là chính khách. Từ nay, chúng ta sẽ không bao giờ được gặp, phỏng vấn hay ghi hình sống động của các ông nữa. Hội NBVN giờ có muốn mời các ông đến hỏi ý kiến  về lập BTBC, hoặc làm phóng sự về các ông đưa vào bảo tàng, cũng chịu. Với riêng tôi, mọi dự định đặt bài, phỏng vấn các cụ ấy, sẽ không bao giờ thực hiện được! Nói thế, vì rằng việc sưu tầm hiện vật gốc cho bảo tàng báo chí, nếu chậm, thời gian sẽ không đợi, các nhà báo cao tuổi lần lượt ra đi, hiện vật gốc quý giá cũng có nguy cơ mất đi vĩnh viễn, không bao giờ lấy lại được!

 

Riêng tôi, tuy không có nhiệm vụ sưu tầm tài liệu, hiện vật cho BTBC, nhưng do công việc làm báo, tôi “tình cờ” có được một số tư liệu của các bậc đàn anh làng báo, là những tài liệu quý giá với mình. Đó là bản gốc bìa số báo tết Tiểu thuyết thứ bảy năm Nhâm Ngọ -1942, cách đây đã hơn bảy thập kỷ. Nhà báo, nhà văn Thanh Châu cho tôi cái này 20 năm trước trong một lần tôi gặp gỡ, hỏi chuyện làm báo của ông tại phố Trần Quốc Toản (Hà Nội). Nhà văn, nhà báo Thanh Châu mất đã gần 10 năm, để lại cho tôi một kỷ vật vô giá. 

 

Bảo tàng báo chí: Sưu tầm hiện vật gốc, thời gian không đợi

Bìa báo Tết năm 1942 của tờ Tiểu thuyết thứ bảy

 

Một tư liệu nữa, thuộc về NSNA-NB Nguyễn Bá Khoản. Xét về góc độ hiện vật gốc, nó chứa đựng một sự thật lịch sử về một nhà báo đã có nhiều đóng góp cho cách mạng: Bức thư đánh máy (ti-pô) trên giấy pơ-luya đã ố vàng của ông. Ông gửi bức thư này cho ông Hà Xuân Trường, khi đó, năm 1983, là Trưởng ban Tư tưởng trung ương. NSNA-NB Nguyễn Bá Khoản trình bày nỗi oan khuất bị thu hồi tấm Huân chương Kháng chiến do định kiến của vị lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội, đề nghị Trưởng ban Tư tưởng trung ương giải oan. Nguyễn Bá Khoản và ông Hà Xuân Trường hiện nay không còn nữa, để lại cho những người làm lịch sử báo chí một thứ như là “tồn nghi” cần được làm sáng tỏ. Năm 2013 tôi đã làm một cuộc điều tra và tìm ra sự thật trên cơ sở kết luận của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương khẳng định: Việc thu hồi tấm Huân chương kháng chiến của NSNA-NB Nguyễn Bá Khoản là có thật và không đúng của Sở Văn hóa Hà Nội khi đó. 

 

Một tư liệu nữa, tôi có được, tưởng như bình thường, nhưng với chức năng,tính chất của bảo tàng báo chí, nó cũng có ý nghĩa nhất định. Đó là một số trang bản thảo viết tay trên giấy học trò kẻ dòng, nét chữ run run, của cố nhà báo Hoàng Tùng gửi tạp chí Người làm báo. Đây có thế là những trang viết cuối cùng của nhà báo lớn, nguyên Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Hội NBVN,TBT báo Nhân Dân.

 

Đưa ra mấy ví dụ trên đây, tôi không có ý định quan trọng hóa những gì vừa đề cập, mà chỉ muốn chia sẻ với đồng nghiệp rằng: những thứ như mấy trang bản thảo, một đơn thư kêu oan, hay một số báo cũ… người làm báo nhiều khi thấy bình thường. Đến một lúc nào đó, chúng lại trở nên có ý nghĩa, khiến ta không thể loại bỏ mà phải giữ lại. Và, bảo tàng báo chí là nơi giữ lại, “gạn đục khơi trong” những thứ đó, xác định giá trị để đưa đến với công chúng.

 

Xin nhắc lại: Thời gian không đợi ai, nhất là những người sưu tầm tài liệu hiện vật BTBC.Thời gian luôn tạo cơ hội cho người sưu tầm biết quý trọng thời gian, ý thức về sự mất đi vĩnh viến của nó. Mặt khác, bàn tay của thời gian cũng rất “tàn bạo” trong việc hủy hoại âm thầm mà khủng khiếp tài liệu, hiện vật, và cả con người. Do vậy, người sưu tầm phải chạy đua với thời gian, “tận dụng” từng khoảnh khắc quý giá để có tài liệu gốc, hiện vật gốc. Đã có ý kiến nhà báo đề nghị Hội NBVN phát động đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật báo chí trên cả nước. 

 

Trong các phòng trưng bày BTBC Hội NBVN tới đây, người xem hẳn sẽ rất hứng thú khi nhìn thấy nhiều tài liệu gốc, hiện vật gốc, vì chúng đưa ra những “thông điệp”, chúng là linh hồn của bảo tàng. Họ cũng chẳng thích thú, và sẽ cảm thấy nhàm chán khi trước mặt mình, ở các gian trưng bày, đa phần hiện vật là bản sao, bản phục chế. Báo chí đồng nghĩa với phong phú, sống động, giàu sức chiến đấu, phẩm chất đó cần được thể hiện ở từng gian trưng bày, từng tài liệu, hiện vật ở BTBC Hội Nhà báo VN tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng báo chí: Sưu tầm hiện vật gốc, thời gian không đợi