Báo chí với quyền riêng tư của trẻ em

Lan Hương| 19/06/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyền riêng tư là một trong những quyền dân sự cơ bản và là quyền quan trọng đối với trẻ em, với đặc điểm là nhóm yếu thế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin.

Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em dang được đặt ra khi sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.

Quyền riêng tư của trẻ em được quy định rõ ràng trong luật pháp quốc tế như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989. Mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam quy định chưa đầy đủ về quyền riêng tư và thiếu vắng các quy định về quyền riêng tư của trẻ em.

Chế định quyền bí mật đời tư, theo Bộ luật Dân sự, thể hiện rõ ràng các nội dung quyền riêng tư của công dân. Trong khi đó, Điều 10 Luật báo chí 1989 sửa đổi 1999 quy định về “những điều không được thông tin trên báo chí” chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế, xét trong mối quan hệ giữa hoạt động báo chí với quyền riêng tư.

Báo chí với quyền riêng tư của trẻ em

Việc đăng thông tin, hình ảnh trên báo chí cần đảm bảo quyền riêng tư của trẻ em

Trong tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với người chưa thành niên liên quan đến quyền riêng tư của trẻ em ghi nhận tại đoạn 2, Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, về xét xử: “Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín”.

Sau những thành tựu thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hiện nay, nhà nước đang xây dựng Luật Trẻ em để thay thế. Theo Dự thảo Luật Trẻ em, quyền riêng tư của trẻ em được thiết kế tại khoản 6 điều 81 (lĩnh vực tư pháp): “Trẻ em cần được bảo vệ quyền riêng tư, nghiêm cấm công khai thông tin không phù hợp trong quá trình tố tụng”.

Đây là một bước tiến nội luật hóa các quy định về quyền riêng tư của trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn một khoảng trống lớn trong bảo vệ trẻ em, khi chưa được cấu trúc một chế định bảo vệ quyền riêng tư nói chung và quyền riêng tư của trẻ em với báo chí nói riêng.

Khi internet bùng nổ, các tiện ích thông tin và truyền thông khiến các thông tin về đời tư của cá nhân khó được bảo vệ hơn. Mặt khác, báo chí với tình trạng các quy định chưa đầy đủ về bảo vệ quyền riêng tư, đặc biệt là quyền riêng tư của trẻ em, sẽ dễ dàng trở thành một kênh tiết lộ thông tin cá nhân nhanh nhất. Bên cạnh đó là cách mà thông tin được lan truyền trên các mạng xã hội: thiếu chuẩn mực chung, không thể kiểm soát và không biên giới. Tất cả trở thành những thách thức đến sự an toàn cá nhân.

Trên các báo, nhất là báo điện tử tại Việt Nam, người đọc rất dễ để tìm được các bài báo mà nhờ vào nội dung của nó, người ta có thể biết nhân vật trong bài viết là ai, trong tình trạng nào và có thể tìm thấy họ theo địa chỉ. Những thông tin như vậy lại tập trung vào những nhân vật là nạn nhân của các hành vi phạm pháp luật, hay đối tượng của hoạt động nhân đạo và dễ bị tổn thương. Trong đó, rất nhiều bài báo viết về trẻ em là nạn nhân của các hành vi trái pháp luật, cần được hỗ trợ nhân đạo mà báo chí mô tả quá chi tiết thông tin, tình trạng cá nhân.

Theo kết quả điều tra của của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes): Chủ đề xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ bài viết cao nhất  tiếp đó là các chủ đề bạo hành, bạo lực. Đáng chú ý, các em nữ là đối tượng chủ yếu trong các bài báo này. Nhiều bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, cùng với gia đình hoặc nhà cửa, trường học.

Sự “vô tình” của báo chí dẫn đến các hệ lụy và những đe dọa cho sự an toàn của trẻ. Ví như cách đưa tin về trường hợp bé gái B trong vụ giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang với hình ảnh bé vừa phẫu thuật xong với nhiều mũi kim khâu trên mặt, hay việc mô tả chi tiết việc một bé gái 13 tuổi ở miền Trung phải rời xa quê hương của mình sau khi vượt qua cái chết và mất đi đứa con sơ sinh và trường hợp cô bé lớp sáu ở miền Nam suýt bị lừa bắt cóc ở bệnh viện, bởi người xấu cũng tìm thấy được em nhờ vào thông tin trên báo.

Trong các trường hợp này, báo chí vô tình đã xâm phạm thêm một lần nữa (xâm phạm kép) nạn nhân của những hành vi trái pháp luật (giết người, bạo hành, hiếp dâm, bắt cóc, buôn bán người…) bằng cách đưa tin không bảo vệ sự riêng tư của trẻ em.

Theo các chuyên gia, việc hoàn chỉnh các quy định pháp lý về quyền riêng tư nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng là việc cần làm bằng cách sửa sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Bộ luật Tố tụng hình sự và cấu trúc một chế định đầy đủ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trong Luật Trẻ em (đang dự thảo).

Giải pháp về mặt chính sách là nội luật hóa một cách đầy đủ các quy định và tinh thần của các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Cần bổ sung vào điều luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trong Dự thảo Luật trẻ em.

Đồng thời, sửa đổi Luật Báo chí theo hướng quy định chặt chẽ quy trình, thủ tục thu thập, xử lý và đăng tải thông tin thuộc quyền riêng tư. Khuyến nghị quy định việc đăng tải các bài báo mô tả trẻ em (là nạn nhân của hành vi trái pháp luật, trẻ em là người làm trái pháp luật) không trở thành căn cứ để nhận diện trẻ em đó là ai trên thực tế.

Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cần có quy định đặc thù cho nhà báo tác nghiệp với trẻ em là phải có kiến thức về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là nâng cao năng lực về quyền trẻ em trong đội ngũ nhà báo, xây dựng môi trường báo chí thân thiện với trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí với quyền riêng tư của trẻ em