Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cả nước có trên 30 triệu người thuộc diện đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) nhưng hiện mới chỉ có trên 50.000 người tham gia. Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thống kê của cơ quan BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 3-2012, toàn tỉnh mới chỉ có 2.693 người tham gia BHXHTN, chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo Luật BHXH, từ ngày 1-1-2008, BHXHTN có hiệu lực thi hành. Đây là cơ hội cho những người lao động trong mọi thành phần kinh tế không có điều kiện tham gia đóng BHXH bắt buộc được tham gia đóng BHXHTN để được hưởng lương hưu và chế độ tử tuất. BHXHTN tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện tự lo nguồn thu nhập ổn định cho mình khi hết tuổi lao động. Tính ưu việt của chính sách BHXHTN là rất rõ và thủ tục tham gia khá đơn giản. Vậy nhưng trên thực tế, số người tham gia BHXHTN trong 4 năm qua rất ít.

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012

Theo thống kê, cả nước có trên 30 triệu người thuộc diện đối tượng BHXHTN nhưng hiện mới chỉ có trên 50.000 người tham gia. Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 3-2012, toàn tỉnh mới chỉ có 2.693 người tham gia BHXHTN, chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong đó đại đa số những người tham gia lại là cán bộ chuyên trách xã, phường hoặc những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nay muốn đủ điều kiện hưởng lương hưu, nên tiếp tục tham gia BHXHTN, hầu như không có người lao động tự do tham gia loại hình này.

Lý giải cho vấn đề này, cơ quan BHXH tỉnh cho rằng, nguyên nhân là do đây là loại hình bảo hiểm mới, khâu tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa đến được với người dân, nhiều người không biết hoặc biết không đầy đủ về BHXHTN nên họ không tham gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do theo quy định của Luật BHXH, mức đóng hằng tháng với BHXHTN bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng BHXH, từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

BHXH tự nguyện: mức đóng có quá cao?

Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXH được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Đây là mức đóng quá cao đối với những người nông dân, người lao động có thu nhập thấp và không ổn định, trong khi BHXHTN yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ. Do đó, đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc tham gia BHXH để về già có một khoản thu nhập đảm bảo cuộc sống vẫn còn là một ước mơ xa vời…

Mức đóng BHXHTN được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Trên cơ sở này, người tham gia BHXHTN được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Về quyền lợi, người tham gia BHXHTN được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXHTN được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH. Người tham gia BHXHTN được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Bên cạnh đó, quy định về đối tượng tham gia cũng chưa hợp lý, cụ thể lứa tuổi tham gia BHXHTN đối với nữ được quy định là từ 15-55; đối với nam là từ 15-60 và để hưởng chế độ hưu trí thì người tham gia BHXHTN khi đủ 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam phải có ít nhất 20 năm tham gia BHXH, do vậy có nhiều đối tượng muốn tham gia để sau này được hưởng chế độ hưu trí nhưng không đủ điều kiện.

Một nguyên nhân nữa đó là cách thức tổ chức triển khai BHXHTN chưa hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay việc triển khai BHXHTN mới chỉ giao đến cơ quan BHXH quận huyện, thị, khi tham gia, người dân phải tự mình đi đến tận cơ quan BHXH quận, huyện, thị mới đăng ký và đóng được. Do gặp nhiều phiền phức khi tìm hiểu thông tin, đi đăng ký và đóng tiền BHXHTN nên người dân không mặn mà tham gia loại hình này.

Hiện cả nước hiện có khoảng 50 triệu lao động, nhưng chỉ có 1/5 số đó nằm trong diện BHXH bắt buộc, số còn lại là nông dân, người lao động tự do nằm ngoài chế độ phúc lợi và BHXH. BHXHTN ra đời là nhằm khắc phục khoảng trống đó. Để BHXHTN thực sự phát huy được tính ưu việt, cơ quan BHXH cần phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến mọi tầng lớp nhân dân về Luật BHXH, để người dân biết cái lợi lâu dài của việc tham gia BHXH, ngoài ra cần điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thực tế.

Ông Đặng Hồng Tuấn cho rằng, mức đóng 20% lương tối thiểu thì có vẻ như quá sức với phần lớn lao động nông thôn và người lao động nghèo, đây là rào cản lớn nhất khiến người nông dân chưa thể tự nguyện tham gia BHXH. Nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ, chắc chắn người dân sẽ tham gia nhiều hơn.

Lương Lan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện