70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến: Lời hịch còn mãi với non sông

Nam Hoàng| 19/12/2016 06:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

70 năm đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, thực dân Pháp đã bội ước Hiệp định sơ bộ và Thỏa ước năm 1945, ráo riết tăng cường lực lượng. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Tiếp đó, Người qua Pháp chỉ đạo phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Chính phủ Pháp ở Fontainebleau. Cuộc đàm phán thất bại do lập trường phía Pháp vẫn theo đuổi chính sách thống trị Việt Nam.

Ngày 14/9/1946, sau khi ký Tạm ước ngừng bắn với Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời cảng Toulon (Pháp) trở về nước. Đúng 1 tháng sau, vào ngày 16/10/1946, Người gặp D'Argenlieu ở vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14/9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Sau đó, chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn.

Tại Bắc Bộ, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng ngày 23/11/1946. Tại Hà Nội, những hành động khiêu khích của quân Pháp ngày càng trắng trợn. Dã tâm gây hấn của Pháp ở Thủ đô bộc lộ rõ rệt khi quân đội Pháp gửi tối hậu thư buộc ta phải hạ vũ khí. Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, thể theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Vào hồi 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến: Lời hịch còn mãi với non sông

Ông Bùi Văn Ca: “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông”

Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Đó là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của Thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Tiếp đó, quân và dân cả nước cũng vùng lên. Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Khơi dậy truyền thống anh hùng, bất khuất

70 năm đã trôi qua, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy nay đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, khí thế hừng hực và tinh thần thanh niên cống hiến hết mình cho Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong tim. Với họ, đó là thời gian ý nghĩa nhất khi được cống hiến sức lực, tuổi trẻ để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ông Nguyễn Sỹ Lực, hội viên Hội cựu thanh niên xung phong TP. Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cả chống Mỹ. Lúc bấy giờ, chúng tôi tham gia lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong biết là khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chấp nhận hy sinh để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có được ngày hôm nay nhiều người đã đổ công sức, xương máu nên chúng ta càng phải trân trọng hoà bình và độc lập”.

Còn ông Bùi Văn Ca, một người lính tham gia những trận đánh đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội vào đêm 19/12/1946, nhớ lại: “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ông Ca kể, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến thì ở Hà Nội “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Nhiều tấm gương cảm động về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân Thủ đô những ngày đầu kháng chiến, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, bảo vệ Hà Nội mãi còn ghi dấu trong lòng người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Trước khi nổ ra kháng chiến toàn quốc, việc tổ chức bảo đảm vũ khí cho các tiểu đoàn vệ quốc chiến đấu ở Hà Nội được Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đặc biệt quan tâm. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, bí mật bằng nhiều cách. Nhiều cán bộ của Ủy ban Bảo vệ Thành phố, bộ đội, tự vệ chiến đấu được cử xuống các khu phố vận động nhân dân tích cực mua sắm, sửa chữa vũ khí.

70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến: Lời hịch còn mãi với non sông

Phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến” (ảnh tư liệu)

Nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội cũng hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu. Nhiều chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi đã luồn lách trong các giao thông hào, chướng ngại vật trên đường, vượt qua lửa đạn tới tận chiến hào để tiếp tế đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Các tổ sửa chữa lưu động tăng cường hoạt động làm nhiệm vụ sửa chữa tại chỗ vũ khí hư hỏng. Các công binh xưởng di chuyển ra ngoại thành, vừa ổn định nơi ăn chốn ở đã nhanh chóng sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược cung cấp cho Trung đoàn Thủ đô - một trong những đơn vị chiến đấu chủ lực trong suốt 60 ngày đêm lịch sử ấy.

Sau 60 ngày đêm kiên cường bám trụ, chiến đấu trong vòng vây của địch, Trung đoàn Thủ đô đã cùng với quân dân Hà Nội loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá huỷ hơn 100 xe quân sự, bắn chìm 1 ca nô, bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay của chúng. Chiến công và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã tô đẹp và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội.

Thắng lợi của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, viết thêm thiên anh hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh với kỳ tích chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” trong chiến tranh chống Mỹ, góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Những tấm gương anh hùng của các liệt sỹ, thương bệnh binh, những cống hiến, đóng góp của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong năm xưa sẽ không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân Thủ đô hôm nay mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến: Lời hịch còn mãi với non sông