Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 thì tiền lương cho cán bộ công chức sẽ không phụ thuộc vào ngân sách mà tiền lương trả cho cán bộ sẽ phải được lấy từ các nguồn khác.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, để giải quyết vấn đề tiền lương, thời gian tới phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau ngoài ngân sách. Theo đó, phải đổi mới cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện cho các đơn vị này tăng nguồn thu để chi trả cho cán bộ của mình. Các đơn vị sự nghiệp có cơ chế thông thoáng để tự phát triển, có nguồn thu nhập cao để trả lương cho cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị. Như thế, gánh nặng nhà nước cũng bớt đi và sẽ có thêm nguồn để trả lương cho các đối tượng khác.
Thời gian tới, Nhà nước sẽ khoán quỹ lương tới tận đơn vị sử dụng cán bộ công chức. Trong phương án trả lương, sẽ phải cơ cấu lại vấn đề chi ngân sách, đảm bảo tạo nguồn một cách tích cực cho đề án cải cách chính sách tiền lương. Một phương án nữa để tạo nguồn cải cách tiền lương mà Bộ Nội vụ đang tính toán đến là sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước; sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách. Đối với địa phương có số thu cao, tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng nguồn dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, khi các phương án này được triển khai thực hiện thì tiền lương đạt được mục tiêu đề ra là đảm bảo mức sống tối thiểu và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động mà không tạo nên một sức ép quá lớn cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, theo ý tưởng của Đề án thì sẽ không có nguồn lương chủ động cho cán bộ công chức, như vậy khá là “chênh vênh”. Nên chăng, thay vì “xã hội hóa” nguồn lương công chức thì nên chia sẻ những công việc mà bộ máy nhà nước không nhất thiết phải “ôm” cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Như vậy sẽ giảm được biên chế và có nguồn để tăng lương cho những người trong bộ máy nhà nước.
Trung Nguyễn