“Xã hội chết”

Lý Hay Chuyện| 16/07/2016 07:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ việc bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương chặn đầu xe cứu thương không cho ra cổng, trong khi trên xe có một bệnh nhi hết khả năng cứu chữa được gia đình xin về để trút hơi thở cuối cùng tại nhà, khiến cộng đồng mạng và xã hội phẫn nộ.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì hôm 8/7, một phụ nữ ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã có hành động dại dột, gây bức xúc khi ép 2 con nhỏ uống thuốc trừ sâu để cùng tự vẫn chỉ vì… buồn chuyện gia đình.

Hai câu chuyện trên xảy ra ở 2 địa phương khác nhau, trong 2 ngữ cảnh khác nhau nhưng lại giống nhau ở điểm những người trong cuộc có lối hành xử rất vô cảm, thiếu tình người.

Ở câu chuyện thứ nhất, vì một chút lợi nhuận từ việc “cò” xe, nhóm bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhẫn tâm cướp đi ước nguyện nhỏ nhoi cuối cùng của bệnh nhi vắn số là được thanh thản ra đi tại nhà. Trong câu chuyện thứ hai, chưa hẳn người phụ nữ kia không thương con nhưng hành động buộc 2 con cùng chết đã thể hiện sự ích kỷ, hẹp hòi của tình mẫu tử vốn dĩ rất thiêng liêng.

Người Việt Nam vốn có câu “Thương người như thể thương thân”. Thế nhưng, trong cuộc sống xã hội hôm nay, bên cạnh nét đẹp về lòng nhân ái, bao dung của những con người luôn biết đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô cảm, thậm chí mất đạo đức. Cơn lốc của nền kinh tế hội nhập toàn cầu đã vô hình chung tạo nên lối sống hưởng thụ, thực dụng ở một bộ phận không nhỏ người Việt. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh cướp giật trên đường phố hay dửng dưng trước một đám đông ức hiếp, làm nhục người cô thế…, thậm chí còn xem những vụ việc như vậy là một màn kịch nên lấy điện thoại ra quay rồi tung clip lên mạng để “câu view”.

Xét trên bình diện chung, sự vô cảm ở một bộ phận đời sống dân sinh đã phản ánh sự suy giảm đạo đức của xã hội. Khi sự gắn kết giữa người với người bị rạn nứt, khiến người ta thiếu lòng tin vào điều thiện, không dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Do vậy, ở những hoàn cảnh nhất định, cái thiện, cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác lấn lướt; lẽ phải bị triệt tiêu và công lý trở nên vô nghĩa.

Trở lại 2 câu chuyện trên và còn nhiều nữa những vụ việc tương tự như: sự tắc trách của nhân viên y tế dẫn đến những cái chết oan uổng của bệnh nhân; tình trạng bảo mẫu ngược đãi, hành hạ trẻ thơ tại một số cơ sở mẫu giáo, mầm non… để thấy rằng những hành vi vô cảm không chỉ đơn thuần làm hủy hoại nhân cách, xói mòn nền tảng đạo đức mà còn gây rối loạn trật tự xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Cuộc sống luôn tiến về phía trước với những cung nhịp sôi động, bon chen nhưng có lẽ chúng ta nên “chững” lại một chút để day dứt trước câu hỏi: Tại sao cái thiện trong tâm hồn mỗi người lại ngày càng phai nhạt như vậy, mà lẽ ra nó phải được thổi bùng để trở thành ngọn lửa nhân ái lan tỏa, sưởi ấm cho cuộc sống? Ngọn lửa ấy chính là tiêu chí hàng đầu của một xã hội văn minh, đạo đức.

Một xã hội với những tâm hồn không thiện sẽ là một “xã hội chết” - cái chết trước hết từ trong tâm hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xã hội chết”