Mùa xuân rộn ràng đang gõ cửa từng nhà. Những nghĩa cử cao đẹp của chính quyền xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, hướng đến việc chăm lo Tết cho người nghèo, người yếu thế đã thành một thông lệ để yêu thương và chia sẻ suốt 5 năm nay.
Đại Quang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ vừa qua, vì thế những phần quà Tết mà lãnh đạo địa phương trao tận tay người nghèo năm nay như thêm nồng ấm hơn, xúc động hơn. Tết yêu thương - ấm lòng người nghèo vì lẽ đó.
Nụ cười trở lại…
Xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, hơn 5 năm nay năm nào cũng vậy, công tác chăm lo “Tết cho người nghèo” luôn được Đảng ủy, UBND xã Đại Quang đặc biệt là Mặt trận quan tâm thực hiện. Những việc làm đầy ý nghĩa, những lời chúc mừng, thăm hỏi, động viên đã làm ấm lòng những số phận kém may mắn. Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện và phát huy nét đẹp truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, góp phần giúp người nghèo có thêm nguồn động lực vươn lên trong cuộc sống.
Ông Lê Văn Dũng Chủ tịch MTTQVN xã Đại Quang, Trưởng ban vận động Tết vì người nghèo
Năm nay, để người nghèo trên địa bàn xã có một cái Tết cổ truyền đầy ý nghĩa, bằng tấm lòng nhân ái và đầy trách nhiệm, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài địa phương đã không ngần ngại giúp đỡ các hộ nghèo bằng vật chất và tinh thần, góp phần để vơi đi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Có thể thấy sự thành công của Quỹ vì người nghèo, công tác chăm lo “Tết cho người nghèo” chính là từ tấm lòng, sự chia sẻ của lãnh đạo địa phương, của những nhà hảo tâm chính là cầu nối để hiệu quả của cuộc vận động trở nên thiết thực, gần gũi hơn.
Quà Tết được trao tận tay người dân nghèo
Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ngày 20/01/2017 tại Hội trường UBND xã đã tổ chức trao quà Tết với tổng kinh phí phục vụ công tác chăm lo cho các đối tượng diện bảo trợ xã hội và người nghèo trên địa bàn xã là 545.200.000 đồng với 1.900 xuất quà bao gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Hồ Quách Triều Đổng - Phó Chủ tịch xã Đại Quang cho biết: “Lo tết cho người nghèo đã thành truyền thống của địa phương, 5 năm nay lãnh đạo địa phương luôn cố gắng vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp chung tay chăm lo Tết cho người nghèo mỗi khi xuân về. Chính vì vây, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 29,7% năm 2011 đến nay chỉ còn 3,7%, vì thế đã tạo được sự tin tưởng của người dân với chính quyền, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”. Những vòng tay nhân ái của những nhà hảo tâm đã làm cho mùa xuân nơi này thêm rộn ràng, ý nghĩa với các hộ nghèo nơi đây.
Nụ cười đã trở lại với người dân nghèo
Ông Phan Tẩn (70 tuổi, thôn Mỹ An, xã Đại Quang) chia sẻ cảm xúc: Tết về người nghèo chúng tôi vui lắm, được cán bộ trao quà bà con nghèo ai cũng vui. Cám ơn sự chia sẻ của những người hảo tâm vì người nghèo chúng tôi.
Dù còn nhiều lắm những lo toan với những người thân tàn tật trong gia đình, nhưng trên khuôn mặt ông Tẩn nụ cười đã nở để đợi chờ xuân về gõ cửa.
Mầm xanh trên đất lũ
Rời trụ sở UBND xã, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn ra cánh đồng Hòa Thạch xã Đại Quang. Chiếc xe máy nhảy chồm trên con đường trơ lại sỏi đá. Dấu vết đợt lũ đi qua vẫn còn đó, phù sa quánh đặc dưới chân chúng tôi. Lũ đi qua, hơn 143 hecta hoa màu của người dân nhấn chìm trong bể nước, nhấn chìm cả vụ mùa mong đợi nhất trong năm - vụ rau tết. Nhấn chìm cả những hy vọng về một cái tết sung túc và rộn tiếng cười. Tết buồn ngỡ chừng treo đầu ngõ…
Gạt vội những giọt mồ hôi, ông Mười - người dân địa phương cho biết: “Hơn 30 năm rồi mới có trận lụt “thất thường” thế này, bao nhiêu giống má, công sức người dân gởi vào đất nay mất trắng”. Nhưng họ không bỏ ruộng…
Màu xanh trên cánh đồng Hòa Thạch xã Đại Quang
Mọi người lại ra đồng, lật từng hòn đất, vun lại luống rau. Lặng lẽ và cần mẫn. Khắp một dải đất rộng ven sông, đâu đâu cũng thấy dáng người. Mầm giống đã bắt đầu nhú khỏi mặt đất, màu xanh của rau trái đã trở lại trên những hạt phù sa thấm đẫm nước mắt người dân Đại Quang. “Đất ni quanh năm có nghỉ đâu, giờ trồng cũng không kịp Tết nhưng không lẽ để đất không, thả vài hạt bắp, giâm vài luống rau vớt vát lại vụ mùa…” anh Sinh cười không thành tiếng.
Sau bao cố gắng gượng dậy sau lũ, niềm hy vọng lại được nhen nhóm trên những cánh đồng, trong từng ngõ xóm. Bằng sự bền bỉ, chịu thương, chịu khó của người dân quê, bằng niềm tin đón đợi một năm mới an lành.
“Đợt lũ vừa qua cả xã Đại Quang ngập trong nước, bao công sức, của cải người dân bị nước lũ cuốn trôi. Cuộc sống người dân sau lũ gặp nhiều khó khăn, đối với người nghèo lại khó khăn gấp bội. Vì vậy, chính quyền và người dân đã nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả, đảm bảo cho người dân đặc biệt là người nghèo có một cái tết sung túc, ấm no. Những hành động thiết thực này chính là khơi dậy giá trị chân thiện mỹ của con người, làm cho những giá trị này ngày càng được tô thắm.” - ông Đổng chia sẻ.
Tết đang đến rất gần... Thấp thoáng sau lũy tre làng, dù còn nhiều lắm những lo toan, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt an yên của lão nông đang sửa soạn lại cây mai vàng trước sân. Tết mà, buồn đâu có được…