Vụ nổ tại KĐT Văn Phú: Nguy cơ từ những cơ sở kinh doanh phế liệu

Bảo Nam| 20/03/2016 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ nổ kinh hoàng tại KĐT Văn Phú, Hà Đông khiến 4 người thiệt mạng được xác định nguyên nhân ban đầu là do một người làm nghề thu gom đồng nát đã mang một vật liệu nổ ra vỉa hè và tiến hành cưa.

Trước đó, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng do người dân cưa vật liệu nổ để lấy phế liệu. Thực trạng này cho thấy công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ cần được tăng cường hơn nữa.

Khi người dân liều mình cưa… bom

Ngày 07/12/2015, tại xóm Tân Lập 1 xã Trung Minh (thành phố Hoà Bình) đã xảy ra vụ nổ đạn pháo 105mm làm hai người chết. Theo lời kể của nhiều người dân thì vào khoảng 9h50’ những người xung quanh khu vực xóm Tân Lập 1 bỗng giật mình bởi một tiếng nổ lớn. Hai nạn nhân đã được xác định là Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987) trú tại tổ 3 phố Tân Lập xã Trung Minh (bị thương) và người còn lại đã tử vong tại chỗ ngay sau vụ nổ là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1993) trú tại xóm Trung xã Trung Minh.

Theo thông tin xác minh của lực lượng chức năng Công an thành phố Hoà Bình thì nguyên nhân xảy ra vụ nổ nói trên là do các nạn nhân cưa quả đạn pháo 105mm tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn nên đã gây nổ.

Nổ kinh hoàng tại Hà Nội: Ít nhất 4 người chết, 10 ngôi nhà sập cửa

4 người chết, nhiều người bị thương và 36 căn hộ liền kề bị sụt nứt, hư hỏng do hậu quả vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội diễn ra lúc 15h10 phút ngày 19/3 vừa qua

Hiện trường tan hoang sau vụ nổ lớn tại Khu đô thị Văn Phú-Hà Đông

Ngày 29/7/2015, trong khi ông Ngô Phụng (46 tuổi, TP Đà Nẵng) cưa một quả bom để lấy thuốc nổ thì quả bom bị kích nổ khiến ông Phụng bị thương rất nặng. Ngay sau đó Phòng kỹ thuật – Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Hòa Vang tiến hành thu giữ và đưa đi tiêu hủy hơn 700 kg vật liệu nổ gồm bom, đạn tại cơ sở thu gom phế liệu tại nhà ông Phụng thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Được biết, trong số phế liệu thu giữ được tại cơ sở này có tới 26 đầu đạn lớn 106,7 mm, 18 đầu đạn cối 81 mm và 30 ống thuốc phóng tên lửa (rocket) cùng hàng trăm các loại đạn lớn nhỏ khác…

Cách đó không lâu, vào 6h ngày 28/5/2015 tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) ông Lê Văn Minh (52 tuổi, quê huyện Bến Cát, huyện Bình Dương) mang quả bom tìm được trong quá trình đi thu mua phê liệu ra cưa thì bom phát nổ, khiến ông Minh tử vong tại chỗ.

Ngoài người cưa bom là ông Minh thì quả bom phát nổ cũng khiến chị Nguyễn Thị Châu Phú (27 tuổi, ngụ xã Mỹ Lợi B) đang đứng nấu cơm cách hiện trường khoảng 3m cũng bị thương nặng. Ông Minh là người chuyên làm nghề rà sắt thép để bán phế liệu. Sau một thời gian thu gom, sáng 28/5 ông Minh đem số phế liệu ra phân loại và cưa quả bom thì xảy ra tai nạn này.

Vụ nổ tại KĐT Văn Phú: Nguy cơ từ những cơ sở kinh doanh phế liệu

Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn cưa cắt bom đạn để lấy phế liệu (Ảnh: Lâm Hoài/báo Tiền Phong)

Một vụ tai nạn thương tâm khác từ việc người dân  liều mình cưa bom  gây nổ chết người phải kể đến vụ xảy ra ở tỉnh Gia Lai năm 2015. Trong số 3 nạn nhân, 2 người đã chết ngay tại chỗ, một người đang trong tình trạng nguy kịch. Ba nạn nhân được xác định là Phan Đình Thu (35 tuổi), Nguyễn Văn Thông (36 tuổi) và Lê Tấn Quang (31 tuổi), cùng trú tại thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (Gia Lai).

Trưa 14/10/2015, khi đi tìm phế liệu tại xã Ia Bồ huyện Đức Cơ, 3 người tìm thấy một trái bom nên đã cùng nhau cưa bom để lấy thuốc nổ. Quả bom phát nổ khiến nạn nhân Phạm Đình Thu và Lê Tấn Quang chết tại chỗ, nạn nhân Nguyễn Văn Thông bị thương nặng, vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Năm 2014, ở Đà Nẵng cũng xảy ra vụ người dân cưa đạn bị tử vong. Vào khoảng 10 giờ ngày 20/9/2014, ông Lê Ta (40 tuổi) và ông Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi, cùng trú tổ 34, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) điều khiển 2 xe máy mang theo một quả đạn đến khu vực đồi keo thôn Trường Định rồi cưa quả đạn. Bất ngờ quả đạn phát nổ khiến 2 ông chết tại chỗ.

Cũng trong năm 2014 ở Phú yên đã vụ nổ nghiêm trọng. Ngày 13/8/2014, Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, khoảng 9h sáng cùng ngày, một vụ nổ bom kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội (Sơn Hòa), làm chết tại chỗ 2 người. Nạn nhân là ông Võ Thẳng (41 tuổi, ở khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn, Sơn Hòa) và anh Nguyễn Tấn An (25 tuổi, ở ngay thôn Tân Hội).

Sáng sớm ngày 13/8, ông Thẳng và anh An đào được một quả bom (chưa xác định loại) từ rừng Đá Chát (Sơn Hội), rồi đem ngồi cưa thì bất ngờ bom phát nổ lớn, làm hai người chết tại chỗ.

Nguy cơ từ những cơ sở thu mua phế liệu

Không ít người nghĩ rằng, nếu mình không tàng trữ, sử dụng, sản xuất vật liệu cháy nổ thì khó có thể gặp vấn đề bất trắc với loại vật liệu này. Nhưng thực tế tai nạn do cháy nổ không chỉ xảy ra tại các cơ sở sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vật liệu cháy nổ mà ngay cả ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư hay ngay tại gia đình, cũng khó tránh được.

Thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm thu mua mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ dẫn đến những trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc.

Theo các chuyên gia về vật liệu nổ, có một điều người dân cần đặc biệt lưu tâm là tất cả số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ khi chúng được thả xuống. Nhưng vì một lý do nào đó cơ chế kích nổ gặp trục trặc chưa gây nổ.

Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất. Do vậy, người dân cần phải cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn.

Từ thực tế các vụ tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh cho thấy khi đã xảy ra thì hậu quả thường rất thảm khốc. Về phía cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng cần phải tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm rõ các quy định về việc không cất giữ vũ khí, vật liệu nổ mà cần giao nộp, cho cơ quan chức năng để hạn chế những tai nạn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định số 26/NĐ-CP về “Quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ quy định: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Về thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Điều 8 của Nghị định số 26/NĐ-CP cũng đã nêu rõ: Cơ quan quân sự, công an, UBND cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nổ tại KĐT Văn Phú: Nguy cơ từ những cơ sở kinh doanh phế liệu