Vụ lái xe Camry tông chết 3 người: Hình phạt cao nhất 15 năm tù

Đỗ Việt| 02/03/2016 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người lái xe Camry gây tai nạn làm 3 người tử vong ở Long Biên, Hà Nội phải đối mặt với hình phạt từ 7-15 năm tù. Tuy nhiên, người này còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì đã đầu thú.

Sau quá trình điều tra, xác minh thu thập lời khai nhân chứng và trích xuất camera vụ tai nạn giao thông xảy ra trên phố Ái Mộ, phường Bồ Đề  quận Long Biên, khiến 3 người tử vong vào sáng ngày 29/2, Công an quận Long Biên xác định người điều khiển xe Camry gây tai nạn là Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, trú tại tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội).

Ngày 1/3, Viện kiểm sát nhân dân quận Long Biên đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Vinh về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS.

Vụ lái xe Camry tông chết 3 người: Hình phạt cao nhất 15 năm tù

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ xe ô tô Camry tông liên hoàn làm 3 người chết

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty Luật Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội ) nhận định, việc tài xế Nguyễn Quang Vình điều khiển phương tiện không có bằng lái, có hơi men gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS.

PV: Thưa luật sư, người điều khiển xe ô tô Camry gây ra vụ tai nạn làm chết 3 người sẽ bị truy tố về tội gì?

Luật sư Trần Anh Dũng: Hành vi điều khiển xe ô tô gây tai nạn khiến 3 người tử vong của người lái xe sẽ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với tội danh này, người điều khiển xe gây tai nạn phải đối mặt với mức hình phạt từ 7 - 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS.

PV: Sau khi gây tai nạn nghiêm trọng, tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường sau đó mới đến cơ quan Công an trình diện. Hành vi bỏ trốn của tài xế có phải là tình tiết tăng nặng không, xử phạt như thế nào?

Luật sư Trần Anh Dũng: Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, cho phép người điều khiển phương tiện gây tai nạn vì lý do lo sợ bị đe dọa tính mạng thì có thể rời khỏi hiện trường vụ tai nạn, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất.

Trong trường hợp này, sau khi gây tai nạn, người lái xe đã rời khỏi hiện trường và sau đó đã đến cơ quan Công an để tự thú. Như vậy, theo tôi, hiện tại chưa có đủ cơ sở kết luận người lái xe có ý định bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

Để xác định hành vi bỏ đi khỏi hiện trường của người lái xe có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không thì cơ quan chức năng cần phải tiếp tục điều tra, lấy lời khai của những người liên quan, người làm chứng và căn cứ vào hành vi ứng xử sau đó của người lái xe và người thân của người lái xe để có kết luận đúng người, đúng tội.

PV: Việc tài xế sử dụng xe ô tô của khách khi đến rửa xe sau đó lái xe và gây tai nạn nghiêm trọng thì chủ phương tiện có bị liên đới trách nhiệm không thưa luật sư? Ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn nói trên?

Luật sư Trần Anh Dũng: Pháp luật không phân biệt người vi phạm điều khiển xe của họ hay xe của người khác. Người điều khiển phương tiện cứ vi phạm là bị xử lý theo quy định.

Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải điều tra làm rõ nội dung lời khai trên của tài xế Vinh, đồng thời cũng phải xác định rõ chủ phương tiện khi vào rửa xe có cho phép Vinh được lái xe và điều khiển xe đi sửa chữa sự cố của xe hay không.

Trường hợp mà tài xế Nguyễn Quang Vinh không được chủ sở hữu cho phép hoặc đề nghị được lái xe đi sửa thì Vinh đã sử dụng trái phép xe ô tô. Thiệt hại xảy ra, Vinh phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu phương tiện và các nạn nhân.

Còn trong trường hợp chủ xe đã biết người mượn xe của mình không có bằng lái mà vẫn cho mượn xe thì chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. Còn nếu người mượn xe đã có bằng lái hợp pháp thì người đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn, chủ xe sẽ không bị liên đới trách nhiệm. 

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An  (Đoàn luật sư Hà Nội):  Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự thì ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ. Khoản 4 Điều này quy định, trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, với quy định nói trên thì người điều khiển phải bồi thường cho những người bị hại. Đối với chủ xe, nếu họ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp này, cơ quan chức năng cần điều tra, lấy lời khai của những người có liên quan thì mới có đủ cơ sở để xác định trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ lái xe Camry tông chết 3 người: Hình phạt cao nhất 15 năm tù