TAND tỉnh Cà Mau vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Ngô Thanh Thủy (con bà Nguyễn Thị Ba đã chết) với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thúy Liên và ông Nguyễn Quốc Lãm. Đây là vụ án đã trải qua thời gian hơn 18 năm và nhiều lần xét xử ở Tòa án các cấp.
Đứng tên giùm thành chủ đất?
Vụ án này đã kéo dài 18 năm, Tòa án địa phương đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhiều lần, Chánh án TANDTC cũng đã hai lần kháng nghị, nên người dân địa phương coi đây là một kỳ án. Bản án sơ thẩm số 36 ngày 2-6-2011 của TAND Tp. Cà Mau mới đây nhất bị kháng cáo.
Như báo chí đã phản ánh nhiều lần: Vào năm 1985, ông Ngô Văn Nhu và Nguyễn Thị Ba, ngụ tại số 74, đường Lý Bôn, thị xã Cà Mau có mua 6 công đất của ông Trần Thiện Đởm tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, thị xã Cà Mau. Do chính sách tại thời điểm này chính quyền không cho xâm canh cho nên ông bà mới nhờ bà Nguyễn Thị Thúy Liên và ông Nguyễn Quốc Lãm (cháu gọi bà Nguyễn Thị Ba bằng cô) có hộ khẩu tại xã Lý Văn Lâm đứng tên giùm trong giấy mua bán.
Đến năm 1993 khi Luật Đất đai cho đăng ký quyền sử dụng đất, bà Ba đến xã để đăng ký thì phát hiện bà Liên và ông Lãm đã đăng ký phần đất này thành 2 thửa và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Gia đình bà Ba phát đơn kiện. UBND xã Lý Văn Lâm đã 2 lần mời 2 bên đến hòa giải nhưng không thành. Trên đất có sẵn 2 hộc mả. Năm 1999, ông Nhu chết và tới 2008, bà Ba qua đời đều an táng tại đây. Nguyên đơn là chị Ngô Thanh Thủy, con bà Ba, yêu cầu bà Liên ông Lãm trả lại 6 công đất mà ba mẹ chị đã mua nhưng theo ý nguyện của mẹ chị, sẽ cho lại bà Liên, ông Lãm một phần đất...
Nghe Tòa tuyên hủy án sơ thẩm
Phía bà Liên thì khai là đất do bà mua của ông Đởm và nhờ ông Nhu đi trả tiền giùm; còn ông Lãm thì khai 3 công đất mà ông đứng tên trong GCNQSDĐ là do cha ông (ông Quận) mua trả bằng 5 chỉ vàng 24K vàng nhưng ghi giấy bằng tiền, ký giấy tại nhà ông Châu, Trưởng Ban nhân dân ấp lúc bấy giờ.
Hủy án để Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm lại
Sau khi xét hỏi kỹ càng, HĐXX nhận định: Về nguồn gốc đất và mối quan hệ trao đổi giữa nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất 6 công đất tọa lạc tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau vốn là của bà Nguyễn Thị Tám và ông Trần Thiện Đởm. Năm 1985 có thực hiện việc mua bán đất. Theo nhiều lời khai của bà Tám có từ năm 1993, khi mới phát sinh tranh chấp và đến nay vẫn xác nhận và có lời khai tại Tòa án vào ngày 4-10-2010 cho thấy bà Tám chỉ bán đất cho ông Ngô Văn Nhu và bà Nguyễn Thị Ba, bà Liên và ông Lãm chỉ là người đứng tên giùm. Rất nhiều nhân chứng khác cũng khẳng định ông Nhu, bà Ba là người sang nhượng đất.
Ông Nguyễn Tấn Quận (cha bà Liên và ông Lãm) cũng có lời khai ông và ông Nhu mua đất, ông Nhu mua 2 hộc mả giá 2 chỉ vàng 24K, ông mua 3 công đất giá 5 chỉ vàng 24K, bà Liên mua 3 công đất giá 5 chỉ vàng 24K. Trong lời khai về trả tiền có nhiều mâu thuẫn. Trong quá trình tố tụng lúc thì bà Liên khai chuyện mua đất lúc thì trả bằng tiền lúc thì khai là trả bằng vàng, lúc lại khai vừa trả bằng tiền và bằng vàng.
Đối với giấy tờ sang nhượng đất, bà Liên thừa nhận giấy thỏa thuận mua đất do chị Thủy viết vì lúc ấy bà sinh con nên nhờ chị Thủy viết dùm. Lời khai này lại mâu thuẫn với lời khai tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-8-2008 là ông Nhu liên hệ với bà Liên kêu bà mua đất tại cơ quan bà.
Qua phân tích trên cho thấy, việc trao đổi mua bán 6 công đất không phải do ông Quận, bà Liên và ông Lãm thực hiện; lời khai ông Quận bà Liên đưa tiền cho ông Nhu nhờ trả tiền đất cho ông Đởm nhưng không có căn cứ. Từ những cơ sở trên có căn cứ khẳng định, ông Nhu và bà Ba mới là người mua đất của ông Đởm và bà Tám, nhưng do quy định của chính quyền thời điểm đó nên mới nhờ bà Liên và ông Lãm là người có hộ khẩu tại địa phương đứng tên giùm.
HĐXX cũng nhận định: Để giải quyết toàn diện vụ án, HĐXX nhận thấy cần hủy án sơ thẩm. Do vụ án này đã xét xử nhiều lần, nên sau khi hủy án sẽ giữ hồ sơ vụ án này lại để TAND tỉnh Cà Mau xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Hoàng Thị Hải Hà đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 36 ngày 2-6-2011 của TAND Tp. Cà Mau để TAND tỉnh xét xử lại theo thủ tục chung.
Những người quan tâm đến vụ án, dự phiên tòa phúc thẩm này cảm thấy chân lý đang được làm sáng tỏ, hy vọng vụ án được khép lại sau 18 năm tranh chấp.
Công Lịch