Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC: Nhiều biện pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết 49

Gia Thành| 30/01/2014 21:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2/6/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được ban hành, ngay sau đó, lãnh đạo TANDTC đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện.

Sau hơn 8 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC đã có những đóng góp không nhỏ cho thành công nói chung của ngành TAND…

 

"Vật chất của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới”

 

Đó là trăn trở của ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán TANDTC, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính TANDTC. Theo ông Hùng, cải cách tư pháp là nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2020. Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị Ban chấp hành TW Đảng đã xác định mục tiêu của cải cách tư pháp là: “Xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Mục tiêu chiến lược mà Bộ chính trị đề ra là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của một xã hội đang thực hiện đường lối đổi mới một cách toàn diện, phù hợp với thể chế của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nghị quyết 49 cũng xác định trong cải cách tư pháp, Toà án là trung tâm, hoạt động xét xử là trọng tâm.  

 

Nghị quyết 49 đã xác định vị trí ngành Tòa án như thế nên với chức năng, nhiệm vụ là tổng hợp và lập kế hoạch tài chính cho toàn ngành TAND; giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm của ngành TAND để lập kế hoạch quản lý, sử dụng kinh phí cho các TAND địa phương… nên Vụ Kế hoạch - Tài chính hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của ngành. Nói về phương tiện giao thông, mặc dù đã có nhiều chuyển biến từ khi có Nghị quyết 49 nhưng đến nay, toàn ngành hiện có 258 chiếc xe ô tô và mới được trang bị cho Tòa án cấp tỉnh và tại cơ quan TANDTC. Không những thế, trên 50% số xe ô tô hiện có đã sử dụng trên 20 năm, thậm chí trên 20 năm mà chưa được thay thế vì từ 2011 đến nay ngành Tòa án không được giao kinh phí mua xe ô tô do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Về xe gắn máy: toàn ngành hiện có 1.910 xe máy trong đó có 642 xe đã sử dụng trên 10 năm (chiếm 33,6%), số còn lại trang bị từ năm 2003 đến nay. Trong tổng số xe hiện có, khoảng 20% cần phải thanh lý vì đã xuống cấp và hết khấu hao sử dụng.

 

Toàn ngành hiện có 1.250 bộ bàn ghế xét xử, do chưa thống nhất được mẫu thiết kế bàn ghế xét xử nên hiện nay có nhiều mẫu mã kiểu dáng khác nhau, có loại bằng gỗ tự nhiên, có loại bằng gỗ công nghiệp; ghế cho người tham dự phiên tòa có loại ghế băng, có loại ghế tựa; theo thiết kế khác nhau của các loại hội trường xét xử nên bàn ghế không đồng nhất. 

 

Không những vậy, ngành TAND hiện có tổng số 12.190 bộ máy tính. Trong đó, có 9.766 bộ sử dụng được (chiếm 80 %) và số không sử dụng được cần thanh lý năm 2013 là 2.424 bộ. So với định mức quy định thì còn thiếu khoảng 3.000 bộ (do khi xây dựng định mức trang cấp giai đoạn 2, từ năm 2008 đến năm 2013, biên chế trên 12.000 CBCC, nay biên chế tăng lên trên 15.000 CBCC). Hơn nữa, do tính chất loại thiết bị tin học khấu hao nhanh, công nghệ thay đổi liên tục nên cấu hình cũ (trang bị sau 3-5 năm) đã lạc hậu và đến lúc phải thay thế… 

 

Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC: Nhiều biện pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết 49

 

Trụ sở TAND tỉnh Quảng Bình mới được xây dựng khang trang

 

Thiết thực thực hiện Nghị quyết 49 gắn với ngành TAND

 

Cũng theo ông Ngô Tiến Hùng, để tạo chuyển biến căn bản trong cải cách tư pháp, phải nghiên cứu tìm giải pháp đột phá về vấn đề này, đó là phải tiến hành cải cách ở khâu then chốt nhất: cải cách tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án. Bởi lẽ, chất lượng phán quyết, các bản án và quyết định của Tòa án là kết quả cuối cùng của cả chuỗi hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử). Một bản án được Tòa án tuyên công bằng, khách quan, đúng pháp luật luôn tạo ra sức mạnh, tính chân lý của cả hệ thống cơ quan tư pháp mới được người dân tin tưởng “tâm phục, khẩu phục”. Thông qua hoạt động của tòa án, các cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án cũng phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của mình để đảm bảo tính đồng bộ, trách nhiệm. 

 

Ông Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết số 49 đã chỉ rõ “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa Thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; TANDTC  có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy có thể thấy, yêu cầu đầu tiên, cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo tính độc lập của Tòa án. Đồng thời, cải cách tư pháp là phải đặt ra mục tiêu góp phần làm cho hoạt động xét xử đảm bảo “công bằng, liêm khiết”, cán bộ tòa án phải “vừa hồng, vừa chuyên” như lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh trong ngày đầu mới thành lập ngành Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, chế độ lương, phụ cấp, đặc biệt là điều kiện làm việc của CB, CC ngành TAND hiện vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu của cải cách tư pháp. Vì thế, Vụ Kế hoạch-Tài chính TANDTC đã từng bước tham mưu cho lãnh đạo ngành xây dựng những quyết sách lớn.

 

Cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc TANDTC xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách ngành TAND” theo hướng “ngân sách do Quốc hội phân bổ và giao cho các cơ quan tư pháp; địa phương quản lý, sử dụng có sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan tư pháp trung ương…từng bước xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp khang trang, hiện đại, đầy đủ, tiện nghi…”. Đồng thời, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án “Trang bị phương tiện làm việc của ngành TAND giai đoạn III (2014-2018)” với tổng kinh phí là 2.064.268 triệu đồng. Trong đó, Vụ đã xây dựng định mức xe ô tô chuyên dùng cho TAND cấp huyện mỗi đơn vị 1 chiếc (đơn vị có số lượng án trên 2.000 định mức 2 chiếc); trang bị máy tính xách tay cho Thẩm phán TANDTC, TAND  cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện; Thẩm tra viên cao cấp, lãnh đạo cấp Vụ, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc TANDTC; TAND cấp tỉnh và Thẩm phán Tòa án quân sự; máy điều hòa nhiệt độ, tăng âm loa đài với cấu hình theo diện tích phòng làm việc, phòng họp, phòng xử án…Máy photo (máy thường và siêu tốc), máy quét tài liệu có tiêu chuẩn cấu hình cao…

 

Ngoài ra, Vụ Kế hoạch - Tài chính cho rằng, cần tiến hành sơ kết Quyết định số 1730/2007/QĐ-TCCB ngày 29/11/2007 của Chánh án TANDTC về “Phân cấp, ủy quyền đầu tư, công tác quản lý đầu tư” trong đó sơ kết đánh giá toàn diện về công tác đầu tư xây dựng cơ bản như trình tự, thủ tục đầu tư, năng lực của đơn vị được giao chủ đầu tư; vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư (nhóm C)…và về công tác chi thường xuyên. Đơn vị đã tham mưu để ban hành định mức về diện tích sử dụng tại trụ sở làm việc của lãnh đạo, công chức, viên chức ngành TAND để làm cơ sở phê duyệt diện tích xây dựng TAND các cấp, tiến tới xây dựng trụ sở mẫu, phòng xử án mẫu (có tính đến diện tích đặc thù).

 

Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC đã hướng dẫn các chủ đầu tư quản lý tổng mức đầu tư như: Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật phải cụ thể từng hạng mục chi tiết từ kết cấu, kiến trúc, hoàn thiện và chi phí xây dựng từng hạng mục, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng và chi phí khác; Xây dựng suất đầu tư (giá tiền/ 1m2 sàn) để làm căn cứ tính toán, phê duyệt tổng mức đầu tư cho phù hợp với thời điểm phê duyệt.

 

Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo TANDTC đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định, Quy định về tiêu chuẩn (vật chất) trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành TAND, cho Thẩm phán và các chức danh khác thuộc ngành Tòa án. Xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống trụ sở Tòa án tại từng địa phương trên cơ sở dự kiến (đặt) TAND Sơ thẩm khu vực. 

 

Về phân bổ ngân sách hàng năm, Vụ Kế hoạch - Tài chính sẽ xây dựng định mức cơ chế phân bổ ngân sách, trong đó hàng năm sẽ tiến hành thảo luận về dự toán ngân sách dự kiến giao với Tòa án địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và những đặc thù, những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất tại những vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về hỗ trợ vùng huyện đảo), hỗ trợ vùng (Tây Nguyên, Tây Bắc, Nam Bộ, kết nghĩa giúp đỡ buôn làng, 5 cùng...) cửa khẩu giáp biên giới; hỗ trợ đơn vị có ít biên chế. 

 

Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC đã đánh giá, đề xuất về việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định 09/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhất là trụ sở không sử dụng nhằm đề xuất tiếp tục quản lý, chuyển đổi, bán đấu giá để tái đầu tư. Xác định những địa phương không thể tuyển dụng cán bộ theo biên chế được phân bổ để có kế hoạch xây dựng Nhà công vụ cũng như tham mưu đề xuất về kế hoạch tổng thể về việc sửa chữa, trùng tu đối với trụ sở đã đến thời hạn sửa chữa và theo đề nghị của địa phương.

 

Như vậy, có thể thấy, sau 8 năm thi hành Nghị quyết 49, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, sát sao của lãnh đạo TANDTC, công tác xét xử trong toàn ngành Tòa án đã đạt kết quả cao, chất lượng xét xử đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò không hề nhỏ của Vụ Kế hoạch – Tài chính TANDTC.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC: Nhiều biện pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết 49