Sáng 11/4, ông Diệp Khắc Cường – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP đầu tư và phát triển Mạng lưới Hữu Nghị (FNC), người bị tố cầm đầu nhóm iFan lừa 15.000 tỉ đã tổ chức họp báo để làm rõ thông tin về mối liên hệ giữa ông này và tổ chức lừa đảo iFan.
Theo đó, ông Cường cho biết, từ giữa tháng 9/2017, một nhóm người, trong đó đứng đầu là Vũ Hữu Lợi (được cho là một trong những lãnh đạo của iFan), tiếp cận công ty đặt vấn đề và mang ê kíp đến hợp tác, phát triển mạng lưới.
Ông Cường cho biết, vào tháng 10/2017, ông đã làm clip cảnh báo các nhà đầu tư nên dừng lại việc “rót tiền” vào iFan.
Khi ông Lợi đặt vấn đề hợp tác, phía ông Cường muốn tạo ứng dụng thư viện số, để cung cấp cho fan hâm mộ nền tảng giải trí, bán nội dung giải trí. Các ứng dụng của ca sỹ (chẳng hạn "Mr. Đàm ông hoàng nhạc Việt") sẽ là nơi để tiêu thụ đồng tiền số iFan bằng cách mua nội dung do ông Lợi cung cấp.
Do không biết Công ty iFan có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017, ông Cường có tham dự hai buổi nói chuyện giới thiệu về công ty FNC theo lời mời của công ty iFan.
Tuy nhiên, sau đó, ông Cường phát hiện phía iFan dùng tên tuổi những người ca sĩ không liên quan đưa lên để phát triển mạng lưới, chiêu dụ thêm nhà đầu tư. Nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, không đúng với bản chất sự việc nên vào tháng 10/2017, dù đang công tác tại Mỹ nhưng ông Cường vẫn chủ động quay video clip cảnh báo những nhà đầu tư đang bị lợi dụng biết sự việc, để dừng lại kịp thời. Ngay sau đó, ông đã đăng lên clip này lên kênh You Tube và chia sẻ qua mạng xã hội Facebook với hi vọng có thể ngăn chặn việc “kẻ xấu” lợi dụng hình ảnh công ty FNC để huy động tiền.
Theo ông Cường, ngày 26 – 27/10/2017, ông Cường đã nhắn tin đề nghị ông Lợi đến làm việc nhưng không được ông Lợi hồi âm.
Không chỉ vậy, trong 2 ngày 26-27/10/2017, ông Cường cũng có nhắn tin cho ông Lợi, đề nghị người này đến làm việc cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và những người có liên quan, để làm rõ vấn đề sử dụng hình ảnh và uy tín của Tổng giám đốc Công ty FNC và Mr. Đàm để huy động bằng tiền điện tử iFan. Thế nhưng, ông Cường không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ ông Lợi.
Cũng tại buổi họp báo, ông Cường cho biết chưa ký kết hợp tác với iFan. Trong các buổi nói chuyện tại Vũng Tàu, ông chỉ giới thiệu về công nghệ mà công ty ông phát triển. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FNC cũng cho rằng, ông bị “biến” thành công cụ và nạn nhân nặng nhất trong sự vụ này. Ngoài ra, theo ông Cường, ông không hề vô trách nhiệm khi biết sự việc nhưng chỉ làm livestream. Thay vào đó, ông đã về nước triệu tập các cuộc gặp 2 lần nhưng kết quả không như mong đợi.
Không chỉ vậy, ông Cường cũng khẳng định mình không liên quan đến 32.000 người đầu tư cũng như số tiền 15.000 tỷ bị tố lừa đảo. “Tôi khẳng định việc hợp tác chỉ dừng ở thỏa thuận miệng và chúng tôi đã dừng từ rất sớm bằng phương thức online cũng như gặp gỡ.Chúng tôi có đầy đủ các bằng chứng đó, không liên quan, không cổ súy hay phát hành các đồng tiền đó”, ông Cường nói.
Nhà đầu tư Ngô Quang Khanh chia sẻ tại buổi họp báo
Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Ngô Quang Khanh (một nhà đầu tư của iFan) cũng cho hay, do bị “hấp dẫn” bởi “những lời có cánh” của nhóm ông Lợi mà người này đã quyết định đầu tư 25.000 USD vào iFan. Tuy nhiên, số tiền này đã “không cánh mà bay”. Cho nên, theo ông Khanh, trước “chiêu thức” tinh vi và màn thuyết trình “tinh tế” của nhóm ông Lợi trong các buổi hội thảo thì không chỉ ông, mà việc nhiều người khác bị “dính bẫy” cũng không có gì là lạ.
Được biết, liên quan tới vụ việc này, hiện tại ông Cường đã gửi đơn tố cáo đến PC46 Công an TPHCM để nhờ cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Theo đó, ông Cường mong rằng cơ quan công an sớm có kết luận điều tra, để đưa những kẻ sai phạm ra chịu tội trước pháp luật.