Bấy lâu nay, sự dối trá trong ngành giáo dục vẫn đang được làm ngơ. Nhiều người vì thành tích cá nhân, thành tích của trường mà đã “nhắm mắt cho qua” những tiêu cực trong trường học.
Vụ học sinh bị gãy chân trong trường tiểu học Nam Trung Yên lại một lần nữa khiến dư luận bức xúc vì cách hành xử quanh co, thoái thác trách nhiệm của bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc.
Sự việc này xảy ra khi hết giờ ra chơi, em Trần Chí Kiên, lớp 2A4, cùng các bạn chạy vào lớp học. Trong lúc chạy về lớp của mình, em có va chạm với một chiếc taxi màu xanh khiến Kiên bị ngã và bị gãy chân. Qua lời kể của Kiên, lúc đó em nhìn thấy trên xe có cô Hiệu trường của trường là bà Tạ Thị Bích Ngọc. Tuy nhiên, thay vì nhận trách nhiệm về mình, bà Ngọc lại “chối bay chối biến” tất cả, bà cho rằng cháu Kiên gãy chân là do nô nghịch và tự ngã. Ngoài ra, bà còn tự ngụy biện cho mình bằng cách tổ chức một cuộc khảo sát lấy ý kiến của toàn bộ giáo viên và học sinh của trường. Trong phiếu khảo sát này, toàn bộ trường Tiểu học Nam Trung Yên đều khẳng định, hôm đó (1/12/2016) không hề có bất kì một chiếc taxi nào ra vào trường. Chỉ bằng trò phát phiếu khảo sát đơn giản, bà Hiệu trưởng đã có thể phủi tay trách nhiệm, đổi có thành không. Sau những lời nói dối vòng vo và tận cùng của sự vô lương tâm, người đứng đầu trường Tiểu học Nam Trung Yên mới “chợt nhớ ra” một vài chi tiết.
Vụ việc này lại một lần nữa rấy lên câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tâm của nhà giáo. Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nhà giáo luôn được tôn trọng như người cha người mẹ thứ hai của học sinh. Ấy vậy mà lương tâm và đạo đức của người làm thầy này ở đâu khi có thể trắng trợn rũ bỏ trách nhiệm do chính mình gây nên?
Nhân đây chúng ta mới lật lại “thành tích đen” của bà Hiệu trưởng. Thật ngỡ ngàng khi quá khứ bà đã từng ăn bớt tiền ăn của học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (2006). Ngỡ ngàng hơn, sau khi sự việc được phơi bày, bà bị kỉ luật và bị thuyên chuyển công tác, rồi hơn 10 năm sau mà lại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng một trường tiểu học danh giá khác.
Lấy phiếu khảo sát là việc mà người lớn hay dùng để đối phó với nhau khi muốn thanh trừng, lật đổ hay trưng cầu sự tín nhiệm. Thì nay, một người đứng đầu một trường giáo dục lại dùng nó để đối phó với một em học sinh lớp 2. Không có một không gian nào có thể dung túng cho sự cẩu thả trong trách nhiệm và đạo đức của người giáo viên này.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Phiếu khảo sát lại nói rằng để chuẩn bị đón đoàn thanh tra về kiểm tra an toàn trong nhà trường nên toàn trường tiến hành làm khảo sát. Một sự dối trá được bao bọc bởi sự dối trá khác. Thật không hiểu được những bài học về đạo đức, về trách nhiệm và sự dũng cảm nhận và sửa lỗi khi mình mắc khuyết điểm mà các thầy cô luôn truyền đạt, giảng dạy cho các em nay đã đi đâu hết rồi, hay chỉ là lý thuyết suông?
Có thể nói vụ việc tại trường Tiểu học Nam Trung Yên là sự gian dối có quy mô tập thể! Điều nguy hiểm nhất đó là chính các em-lứa tuổi còn ngây thơ, ví như một tờ giấy trắng lại được học sự gian dối ngay chính trong môi trường học tập của các em. Các em sẽ có suy nghĩ gì trong đầu khi chứng kiến người thầy của mình không chỉ nói dối trắng trợn, phủi trách nhiệm không chỉ trước toàn trường mà còn trên nhiều mặt báo khi bà được phỏng vấn?.
Theo lẽ thông thường, các em luôn được dạy bảo rằng, trên đường đi nếu gặp một người bị nạn thì các em phải ra tay giúp đỡ. Nhưng bà Hiệu trưởng lại bình thản trở về phòng làm việc của mình như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Liệu các em sẽ học được gì từ môi trường giáo dục mà người đứng đầu nhà trường lại vô trách nhiệm, vô cảm đến lạnh lùng như vậy? Các em sẽ có suy nghĩ gì khi chứng kiến các vụ việc bất công, máu lạnh nếu nó vẫn còn được dung túng? Đó sẽ là liều thuốc độc giết chết niềm tin của các em vào người làm thầy, vào sự công minh và những điều lương thiện.
Lâu nay vì thành tích cá nhân, thành tích của trường nhà dường như sự dối trá đang “lên ngôi”. Chạy theo thành tích mà thầy cô sẵn sàng làm ngơ cho các em lên lớp dù trong đầu chúng không có một kiến thức căn bản nào. Vì thành tích mà các em được giáo dục theo hình thức “dập khuôn” với những lời văn vẻ mĩ miều từ chính người thầy dạy các em chứ không phải xuất phát từ suy nghĩ của chúng. Chính những việc làm này đã thui chột khả năng sáng tạo và sự tự tin của các em sau này khi chúng trưởng thành. Chạy theo thành tích một môi trường giáo dục “bé khoẻ, bé ngoan”, các em là nạn nhân của các cuộc bạo hành. Bữa ăn vui vẻ của các em bị thay thế bằng “ngân ngấn” nước mắt ngắn dài khi các cô doạ nạt, ép thức ăn vào mồm các em? Đến trường học với các em đã trở thành nỗi ám ảnh, sự sợ hãi khi các em mắc khuyết điểm dù nhỏ thôi nhưng cũng bị các cô giáo doạ nạt, bạo lực.
Dẫu biết đây chỉ là những “ung nhọt cá biệt” trong môi trường giáo dục nhưng cũng là cái vỗ vai thật mạnh khiến mỗi cá nhân, đặc biệt là người làm thầy phải bừng tỉnh để suy nghĩ.