Vụ Cty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Bị cáo cung cấp thêm tài liệu chứng minh lô gỗ có nguồn gốc hợp pháp

Mạnh Cường| 04/08/2017 19:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Báo Công lý đã thông tin, từ ngày 2/8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử vụ án Công ty TNHH Ngọc Hưng (Khóm Trung Chín, TT Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị, gọi tắt Cty Ngọc Hưng) buôn lậu hơn hơn 500m3 gỗ trắc.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1958) Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng và bị cáo Trần Thị Dung- Giám đốc Cty Ngọc Hưng (SN 1961, cùng trú trú khóm Trung Chín, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) bị truy tố về tội “Buôn lậu”, các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành và Đỗ Danh Thắng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Đỗ Danh Thắng - công chức Hải quan thuộc CCHQ Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP Đà Nẵng. Theo trình bày của bị cáo Thắng trước tòa, cáo trạng nêu bị cáo chỉ ra quyết định khám xét mà không phân công cụ thể việc khám xét, không phân công người chủ trì khám xét, không phổ biến kế hoạch, nội dung mục đích yêu cầu của việc khám xét cho công chức tham gia khám xét là không đúng.

Bởi lẽ, trên thực tế bị cáo đã xây dựng kế hoạch khám xét (mặc dù trong trường hợp này không phải xây dựng kế hoạch theo quy định tại điểm 4.1 phần III, Quyết định 1928), đã phổ biến kế hoạch khám xét nội dung, mục đích, yêu cầu khám xét cho các công chức tham gia khám xét tại cơ quan, tức là tìm hàng hóa vi phạm như CA quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã phát hiện.

Thực tế từng người đã thực hiện nhiệm vụ phân công, kết thúc khám xét đã có biên bản. Bị cáo đặt ra câu hỏi, nếu không phân công, phổ biến nhiệm vụ khám xét thì khám xét cái gì? và tại sao tổ khám xét lại có kết quả ghi trong biên bản với đầy đủ của các chữ ký của các thành viên tham gia?.

Vụ Cty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Bị cáo cung cấp thêm tài liệu chứng minh lô gỗ có nguồn gốc hợp pháp

Các bị cáo tiếp tục kêu oan

Bị cáo cho hay đã phân công cho ông Trịnh Trung Nhứt- Phó Chi cục trưởng chủ trì việc khám xét và ông Nhứt đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo việc khám xét, việc này ông chứng kiến và tất cả các thành viên tổ khám xét và chủ hàng công nhận.

Ngoài ra, bị cáo Thắng cho rằng, nội dung trong cáo trạng thể hiện “sau khi khám xét xong, không tổ chức họp rút kinh nghiệm, không cho chỉ đạo tiếp tục khám số gỗ còn lại trong container, không báo cáo Cục Hải quan TP Đà Nẵng và Cục Điều tra chống buôn lậu về kết quả cũng như lý do không tiếp tục khám xét mà giải quyết cho làm thủ tục xếp lên tàu để xuất cảnh 21 container…” là không đúng. Ở đây, vụ việc đang trong quá trình giải quyết, tập trung triển khai công việc chỉ đạo việc đưa 14/21 container từ tàu xuống cảng, triển khai các công việc để khám toàn bộ lô hàng đã thể hiện trong việc xây dựng kế hoạch khám, ra quyết định khám và tổ chức thực hiện quyết định khám xét. Sau khi khám xét xong toàn bộ lô hàng theo quyết định khám số 01/QĐ-HQCĐN ngày 6/1/2012 do bị cáo ký, tổ khám xét đã họp rút kinh nghiệm chung trong quá trình khám xét toàn bộ lô hàng.

Không chỉ vậy, cáo trạng nêu không chỉ đạo khám tiếp là không đúng. Tổ khám xét đã tự quyết định việc kết thúc việc khám xét, niêm phong seal hải quan, lập biên bản đã ký biên bản, không phải dừng khám xét như bản cáo trạng ghi. Kết quả ghi trong biên bản, số lượng gỗ kiểm tra đúng với loglist số lượng gỗ  khai báo của người khai hải quan, không có hàng hóa vi phạm như CAQ Ngũ Hành Sơn đã phát hiện (thậm chí bị cáo đã chỉ đạo khám lần 2 cũng không có loại hàng này) và đề xuất cho kết thúc việc khám xét, không có ai đề xuất việc khám tiếp. Điều này đúng với mục đích, yêu cầu đã đề ra, đúng với chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hải quan TP  Đà Nẵng tại cuộc họp ngày 28-12-2011. Còn việc báo cáo Cục Hải quan TP  Đà Nẵng và Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ thực hiện khi có vướng mắc mà thôi.

Liên quan đến việc báo cáo, ngày 29/12/2011, bị cáo có Công văn số 1753/HQCĐN gửi Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt và báo cáo Cục Hải quan TP Đà Nẵng kết quả khám xét lô hàng và giải quyết các công việc tiếp theo cho lô hàng. Bên cạnh đó, khi thực hiện quyết định khám xét, bị cáo đã có nhiều báo cáo gửi Cục Hải quan TP Đà Nẵng, Tổng cục Hải quan và cả Bộ tài chính… nhưng không hiểu vì lý do gì cáo trạng lại kết luận bị cáo không báo cáo. 

Bị cáo Thắng còn trình bày thêm, về việc cáo trạng nêu “… không phát hiện được 21 container gỗ có vi phạm trị giá hơn 61 tỷ đồng và gây thất thoát…” trong đó, bị cáo khẳng định: Lô gỗ xuất khẩu này đã hoàn thành thủ tục Hải quan và thông quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt- Cục Hải quan Quảng Trị, chuyển cửa khẩu đến Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng không phải làm thủ tục gì nữa. Nếu có sai phạm thì Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng không phải chịu trách nhiệm mà đơn vị chịu trách nhiệm là Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo- Quảng Trị. Bị cáo Thắng khẳng định, toàn bộ hàng hóa bị cáo chỉ đạo khám xét, tạm giữ, giám sát, quản lý nguyên trạng từ ngày 26/12/2012 đến ngày bán đấu giá không thất thoát tẩu tán để cơ quan công an điều tra xử lý thì không thể quy cho bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Tại phiên tòa, phần xét hỏi các đơn vị cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu đặc biệt nhận được nhiều “quan tâm” nhất. Các câu hỏi đặt ra từ HĐXX, các Luật sư (LS) và cả bị cáo Trương Huy Liệu, có không ít câu hỏi đại diện này… bỏ lửng. Khi được hỏi căn cứ vào đâu để Cục điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan quyết định khởi tố vụ án? Đại diện đơn vị này cho hay vì hàng giáng hương không có trong tờ khai xuất khẩu. Vậy số gỗ trắc còn lại có vi phạm hay không mà bị thu giữ? Vấn đề này, vị đại diện cho rằng vì số lượng gỗ trắc đó (trừ số gỗ giáng hương) không đúng với số lượng hơn 500m3 gỗ trong tờ khai xuất khẩu… vì vậy kết luận đây là lô gỗ có dấu hiệu vi phạm và đó là căn cứ để khởi tố.

Sau khi nghe đại diện Cục điều tra chống buôn lậu trả lời, bị cáo Liệu đặt ra nhiều câu hỏi và đề nghị được làm rõ. Trong đó, bị cáo nêu: Nếu nói số gỗ giáng hương không có tên trong danh mục khai tờ khai xuất khẩu là sai vậy số gỗ trắc còn lại Cục điều tra chống buôn lậu đã cho kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hay chưa? Đã tiến hành kiểm tra xem số gỗ trắc này có nằm trong tổng số hơn 500m3 gỗ theo tờ khai không hay là nằm ngoài. Trong trường hợp này, nếu nằm trong số hơn 500m3 gỗ theo tờ khai thì không hề vi phạm, ngược lại nếu chứng minh được số này nằm ngoài thì lúc này “may ra” mới có cơ sở để quy kết bị cáo làm sai và có tội hay không. Trong trường hợp đơn vị này chưa kiểm tra, chưa truy xuất nguồn gốc thì không thể kết luận lô gỗ có sai phạm hay không mà như vậy thì không thể thu giữ. Số gỗ hơn 500m3 của bị cáo ở đâu? Bị cáo Liệu tiếp tục “nhờ” HĐXX và các cơ quan chức năng tìm giúp lô gỗ này. Một lần nữa bị cáo Liệu khẳng định, lô gỗ hơn 500m3 mà Cty Ngọc Hưng xuất khẩu là lô gỗ nhập và xuất nguyên đai nguyên kiện và được đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Trở lại vấn đề tang vật vụ án, bị cáo Liệu cho rằng việc tang vật vụ án đã bị đem bán với giá hơn 63 tỷ đồng là một vấn đề hết sức vô lý. Vô lý vì giá này thực chất chỉ là kết luận của việc định giá tài sản theo trưng cầu giám định của Sở Tài chính TP Đà Nẵng. Trong đó, kết luận nêu rõ: “Kết quả định giá tài sản trên đây chỉ có giá trị tại thời điểm định giá (23/5/2013) và nhằm phục vụ điều tra của CQCSĐT, BCA tại Quyết định trưng cầu giám định giá số 18/QĐ-C44 (P4) ngày 14/12/2012, không phục vụ cho mục đích khác”. Vậy nhưng, CQCSĐT-BCA bán lô gỗ cũng chỉ với giá này mà không hề định giá lại, như vậy cơ quan này đã thực hiện đúng hay chưa, chưa kể đây là tang vật vụ án đang nằm trong giai đoạn điều tra.

Không chỉ vậy, việc tang vật vụ án bị đem bán đấu giá không hề được cơ quan này thông báo cho Doanh nghiệp, thậm chí cũng không hề thông báo cho Cục điều tra chống buôn lậu biết (vấn đề này đại diện Cục điều tra chống buôn lậu khẳng định tại phiên tòa). Riêng bị cáo Liệu cho rằng, việc xử lý vật chứng của CQCS Điều tra- Bộ Công an là cố tình “bán tháo”. Theo quy định tại điều 75,76 BLTTHS thì vật chứng chỉ được xử lý trong vụ án được đình chỉ, hơn nữa hàng hóa trong trường hợp này là gỗ không thuộc diện mau hỏng nên việc bán toàn bộ số gỗ của Cty Ngọc Hưng của CQCSĐT trong vụ án này là trái quy định của pháp luật một cách nghiêm trọng.

Trên thực tế, trên lô gỗ này có dấu búa của Kiểm lâm Lào. Đây là dấu hiệu để khẳng định lô gỗ này có nguồn gốc, xuất xứ xứ rõ ràng (từ Lào). Vậy tại sao cơ quan này lại “vội vàng” bán tang vật đi để dẫn đến vụ án ngày càng trở nên phức tạp? Vấn đề này khiến dư luận đặt ra nghi vấn phải chăng toàn bộ số lô gỗ này được nhập khẩu từ Lào đều có dấu búa của Kiểm lâm Lào, nếu để vật chứng này tồn tại thì dấu vết trên vật chứng sẽ chống lại chính căn cứ khởi tố vụ án hình sự và kết luận của Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và sau đó là CQCSĐ-Bộ Công an cũng như Cáo trạng của VKSND TC?

Ngoài ra, việc trên toàn bộ lô gỗ này có dấu búa của Kiểm lâm Lào không chỉ có mình bị cáo Liệu chứng thực mà còn có những người có chức vụ, quyền hạn và chính họ là những người nhân danh quyền lực của Nhà nước như bị cáo Đỗ Lý Nhi, Đỗ Danh Thắng. Vì thực tế, toàn bộ lô gỗ này nếu không có dấu búa kiểm lâm của Lào thì không thể xuất khỏi lãnh thổ nước Lào để nhập khẩu vào nước Việt Nam.

Tại phiên tòa xét xử ngày thứ 3, bị cáo Trương Huy Liệu đã cung cấp cho HĐXX hồ sơ lô gỗ nhập khẩu cùng ngày với lô gỗ bị bắt và là tang vật của vụ án này. Qua đó, bị cáo khẳng định, các lô gỗ của Cty Ngọc Hưng trong đó có lô gỗ hơn 500m3 hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Phần luận tội, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh, đồng thời đề nghị các mức án cụ thể: Bị cáo Liệu 12 đến 14 năm, bị cáo Dung  từ 7-8 năm tù về tội “Buôn lậu”; các bị cáo Nhi, Thành và Thắng cùng mức án 2-3 năm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 7/8 (Thứ 2) với phần tranh luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Cty Ngọc Hưng buôn lậu hơn 500m3 gỗ trắc: Bị cáo cung cấp thêm tài liệu chứng minh lô gỗ có nguồn gốc hợp pháp