Sáng 1/6, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở thủy điện Đăkrinh huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Trải qua 9 ngày xét xử và 3 ngày nghị án, đến sáng nay (1/6), TAND tỉnh Quảng Ngãi quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự đối với các bị cáo Hà Văn Tiên (SN 1969) nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Tây, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB dự án Thủy điện Đăkrinh; Nguyễn Anh Dũng (SN 1956) nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây; Lê Khắc Tâm Anh (SN 1970) nguyên Cán bộ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Dung; Nguyễn Vỹ Cường (SN 1983) nguyên cán bộ Địa Chính – Xây dựng xã Sơn Dung và Trần Minh Việt (SN 1986) nguyên cán bộ Địa Chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Long bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự cho VKS nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để điều tra bổ sung thêm một số vấn đề.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Thứ nhất, tại cơ quan điều tra các bị cáo Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường và Trần Minh Việt đều khai việc các bị cáo thực hiện chủ trương quy về chủ cũ cho những người dân bán đất được nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkrinh mà trực tiếp là ông Đinh Kà Để (Bí thư Huyện ủy huyện Sơn Tây) và ông Phạm Tấn Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây – nay là Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi). Các bị cáo biết việc thực hiện chủ trương quy chủ này là trái với quy định của pháp luật, nhưng vì đây là chủ trương chỉ đạo của Đảng nên phải làm theo.
Nhưng tại phiên tòa, các bị cáo Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng khai, thực tế tình hình mua bán đất ở huyện Sơn Tây diễn ra hết sức phức tạp, các hộ dân hầu hết đều không có GCNQSDĐ, việc mua bán đất không đúng theo quy định của pháp luật, việc mua bán giữa các hộ dân với nhau chỉ thực hiện bằng giấy viết tay hoặc thỏa thuận bằng miệng nên các bị cáo đã báo cáo tình hình vướng mắc những khó khăn cho Ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkrinh để xin ý kiến chỉ đạo nhằm xác định phương án bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho đúng đối tượng, trên cơ sở đó Huyện ủy, UBND huyện Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quy về chủ cũ.
Đối với các bị cáo Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường và Trần Minh Việt khai, các bị cáo chỉ là công chức Địa chính công tác tại xã, được sự phân công tham gia phối hợp với tổ giúp việc cho hội đồng bồi thường dự án thủy điện Đăkrinh. Tuy nhiên, các bị cáo tham gia trong tổ công tác chỉ làm nhiệm vụ xác minh nguồn gốc đất nhưng thực tế đất ở khu vực lòng hồ thủy điện không có giấy tờ, không có bản đồ địa chính. Việc mua bán đất của người dân không qua cơ quan chứng thực của nhà nước có thẩm quyền nên Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng triển khai chỉ đạo quy về chủ cũ, bản thân các bị cáo cho rằng chủ trương này là của cấp trên chỉ đạo là đúng quy định của pháp luật nên các bị cáo đã thực hiện và không biết việc mình làm là sai.
Trong khi đó, tại phiên tòa ông Đinh Kà Để (Bí thư Huyện ủy huyện Sơn Tây) Trưởng Ban chỉ đạo công tác bồi thường, di dân tái định cư dự án thủy điện Đăkrinh có lúc khai: xuất phát từ việc người đồng bào chỉ có tư liệu sản xuất duy nhất là đất nhưng bị tư thương thu mua hết đất nên họ không còn gì để sống nên phải để chọ được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đã bán đất tại khu vực lòng hồ, chủ trương của Ban chỉ đạo là quy chủ nhằm mục đích để người dân không còn đất được hưởng lợi từ tiền chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, có lúc ông Để lại khai chủ trương quy chủ tức là cho những người dân đang trực tiếp canh tác trên đất được hưởng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp này.
Vì vậy, cần điều tra làm rõ những mâu thuẫn trên và xác định chủ trương quy về chủ cũ có phải là chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Sơn Tây và Ban chỉ đạo bồi thường dự án thủy điện Đăkrinh hay không? Xác định làm rõ các bị cáo Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh đưa những người đứng tên hộ trong phương án nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp có phải được sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã Sơn Liên và Công an huyện Sơn Tây hay không?
Thứ hai, tại phiên tòa những người trong tổ giúp việc của hội đồng bồi thường khai: chủ trương quy chủ của Huyện ủy, UBND huyện Sơn Tây cho ông Nguyễn Văn Diện (Trưởng phòng đền bù, Công ty thủy điện Đăkrinh) để triển khai cho tổ giúp việc, họ là những người trực tiếp về các xã phối hợp với tổ giúp việc của xã, cùng với già làng, trưởng bản…ra hiện trường để xác định ai là người chủ sử dụng đất, sau đó ký vào các biểu mẫu rồi đưa cho người chủ sử dụng đất ký tên vào.
Các bị cáo Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt ký vào biểu mẫu số 2 và số 3 rồi trình cho Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung ký. Do đó, cần điều tra làm rõ hành vi của ông Đinh Kà Để và ông Phạm Tấn Hoàng, các thành viên trong hội đồng bồi thường, các thành viên của tổ giúp việc tổ giúp việc của hội đồng bồi thường, các thành viên tổ công tác của xã trong việc thực hiện chủ trương quy chủ.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ cố ý làm trái trong đền bù tại thủy điện Đắkrinh
Thứ ba, các bị cáo khai việc thực hiện chủ trương quy chủ tại khu vực lòng hồ thủy điện Đăkrinh ở xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung là việc áp dụng tương tự như phương án bồi thường, hỗ trợ ở hạn mục Cụm đầu mối và đường vận hành VH2 của dự án này. Theo các bị cáo khai, phương án bồi thường đất, hoa màu, tài sản trên đất gọi là phương án 1, do phòng bồi thường của công ty thủy điện Đăkrinh lập và chi trả trực tiếp cho người mua đất nên khi triển khai xây dựng thì những hộ dân bán đất đã chặn xe không cho khởi công, Huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây đã tiến hành thoả thuận với người dân và sau đó chỉ đạo lập phương án 2 để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người đã bán đất. Từ đó, Huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây tiếp tục chỉ đạo triển khai quy chủ cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện tại khu vực lòng hồ dự án thủy điện Đăkrinh. Cần điều tra làm rõ có chủ trương quy chủ cũ, lập phương án bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp ở Cụm đầu mối, đường vận hành VH2 hay không, để từ đó có sự thống nhất chủ trương quy chủ đối với các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung hay không?
Thứ tư, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cho rằng những người bán đất sau khi bán thì họ không còn canh tác sản xuất trên đất nữa, còn những người mua đất chỉ nhằm mục đích hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, tại phiên tòa có 1 số người bán đất khai, sau khi bán đất họ không còn đất để canh tác sản xuất nữa nên những người mua đất đã cho họ trực tiếp sản xuất trên chính mảnh đất họ đã bán. Ngoài ra, những người mua đất khai đã mua đất từ năm 1994 đến năm 2005, họ là những người trực tiếp sản xuất trên đất, đồng thời họ cũng cho 1 số người bán đất tiếp tục canh tác, sản xuất trên đất để hưởng hoa lợi. Cần điều tra làm rõ chủ cũ trên đất là ai, tại thời điểm thu hồi đất, trên đất có canh tác sản xuất hay không? Ai chính là người trực tiếp canh tác, sản xuất, ai là người được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp? Từ đó, để xác định số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trái quy định của pháp luật là bao nhiêu?
Từ những nhận định nêu trên, TAND tỉnh Quảng Ngãi quyết định trả hồ sơ cho VKS nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi để điều tra làm rõ những tình tiết nêu trên.