Vụ “Cố ý làm trái” trong đền bù thủy điện Đăkrinh: Kéo dài phiên tòa thêm 3 ngày

Minh Quân| 19/05/2017 21:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự kiến phiên tòa xẽ kết thúc trong ngày hôm nay, tuy nhiên vẫn chưa kết thúc phần xét hỏi nên HĐXX quyết định sẽ tiếp tục xét xử trong 3 ngày tiếp theo.

Theo lịch dự kiến của TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi sẽ kết thúc vào ngày hôm nay (19/5). Tuy nhiên, do đây là 1 vụ án phứt tạp cộng với số người được triệu tập đến phiên tòa quá đông nên trong 4 ngày (từ ngày 16 đến ngày 19/5) không thể tuyên án đối với các bị cáo được nên HĐXX quyết định phiên tòa sẽ được xét xử tiếp tục trong 3 ngày (từ ngày 22 đến 24/5).

Đã trải qua ngày thứ 4 của phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo Hà Văn Tiên (SN: 1969) nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Tây, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB dự án Thủy điện Đăkdrinh; Nguyễn Anh Dũng (SN: 1956) nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây; Lê Khắc Tâm Anh (SN: 1970) nguyên Cán bộ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Dung; cùng trú tại: xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây; Nguyễn Vỹ Cường (SN: 1983; trú tại: xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh) nguyên cán bộ Địa Chính – Xây dựng xã Sơn Dung và Trần Minh Việt (SN: 1986; trú tại: xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) nguyên cán bộ Địa Chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Long. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn chưa kết thúc phần xét hỏi.

Vụ “Cố ý làm trái” trong đền bù thủy điện Đăkrinh: Kéo dài phiên tòa thêm 3 ngày

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án.

Do đây là vụ án phứt tạp, cộng với số người được triệu tập đến phiên tòa lên đến con số gần 250 người, trong đó chủ yếu là những người dân tộc thiểu số, trình độ thấp nên gây ra rất nhiều khó khăn cho HĐXX trong phần xét hỏi để nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như kiểm tra số tiền bị thất thoát thật chất là bao nhiêu tỷ đồng trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án này. Đồng thời, xác định rõ số tiền này hiện rơi vào túi ai và ai mới là người thực sự hưởng lợi từ nguồn tiền chi sai nguyên tắc nói trên, nên HĐXX quyết định phiên tòa này sẽ tiếp tục được diễn ra trong 3 ngày tiếp theo để làm rõ các vấn đề này.

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, HĐXX mất rất nhiều thời gian về việc xác định nguồn tiền chi sai ngân sách này hiện ai mới là người đang thực hưởng, bởi lời khai của  những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn nhiều mâu thuẫn với nhau. Đặc biệt, hầu hết những người bán đất trong vụ án này đều là người dân tộc thiểu số, trình độ thấp, cộng với việc không đồng ngôn ngữ giữa HĐXX và những người dân này nên gây ra rất nhiều khó khăn, phải thông qua phiên dịch viên.

Như Báo Công lý đã thông tin, hiện TAND tỉnh Quảng ngãi đang tiến hành xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo huyện Sơn Tây và Địa chính của một số xã của huyện.

Theo cáo trạng, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tại các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (huyện Sơn Tây), Tô Cước (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkdrinh - đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định. Tuy nhiên, Hà Văn Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi.

Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Đồng thời, chỉ đạo các Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăkrinh là Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng trực tiếp triển khai tại các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung.

Bị cáo Tiên và Dũng đã chỉ đạo cho địa chính của 3 xã nói trên là Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt trực tiếp thực hiện chủ trương. Các bị cáo Tiên, Dũng, Tâm Anh, Cường và Việt đều biết rõ chủ trương quy về chủ cũ là xác định không đúng cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Tô Cước dẫn đến làm thiệt hại tài sản của nhà nước với số tiền hơn 26 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, các bị cáo Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường và Trần Minh Việt là địa chính của 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long đều không nhận tội khi cho rằng: các bị cáo không cố ý làm trái quy định của nhà nước như cáo trạng của VKS đã truy tố bởi việc liên quan đến vấn đề triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng tổ công tác của HĐBT của huyện làm hết tất cả mọi việc. Địa chính của xã chỉ có việc phối hợp cùng với Bí thư chi bộ và Già làng đến những thửa đất trên nhằm kiểm tra xem đất này trước kia là của ai và hiện ai là người đang trực tiếp canh tác trên thửa đất này. Sau đó, Địa chính về ký vào hồ sơ rồi chuyển lên cho HĐBT xem xét theo đúng quy trình mà thôi.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Anh Dũng và Hà Văn Tiên khai: HĐBT đã làm theo mọi chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây chứ các bị cáo không tự nhiên mà làm.

Phiên tòa sẽ bắt đầu mở lại vào lúc 7h30 phút ngày 22/5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Cố ý làm trái” trong đền bù thủy điện Đăkrinh: Kéo dài phiên tòa thêm 3 ngày