Từ hồ sơ của vụ việc, đồng thời đối chiếu với những gì đã xảy ra trên thực tế, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cơ quan điều tra không khởi tố vụ án cố ý gây thương tích là chưa thỏa đáng.
Gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, anh Hà Văn Xuân, SN 1973 trú tại xóm Cò, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: Khoảng 21h45 ngày 26/10/2016, gia đình anh đang nghỉ ngơi, sinh hoạt bình thường thì bỗng dưng đối tượng Hà Văn Tiến ở thôn Cầu, cùng xã có hành vi đốt lốp cao su ném vào quán bán hàng nhà anh. Ngay lập tức, anh Xuân chạy ra giữ Tiến lại để báo công an nhưng đối tượng Tiến đã vùng vẫy thoát ra, chạy vào nhà trong, cầm một chiếc cưa tay dài khoảng 1m bổ vào người anh khiến anh bị thương, chảy nhiều máu ở vai.
Thấy tình thế quá nguy hiểm, vợ anh Xuân là chị Nguyễn Thị Loan vội vàng chạy vào nhà cầm cây kiếm treo ở đầu giường trấn trạch ra dọa đối tượng Tiến để cứu chồng thì cũng bị đối tượng này quay sang chém. Chị Loan bị nhát chém làm rách sâu phần tay trái và đùi trái, máu chảy rất nhiều. Sau khi chém cả hai người, dân làng đổ ra đông, đối tượng Tiến mới bỏ trốn.
Ngay đêm đó, vợ chồng anh Xuân phải đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa huyện Lạng Giang, nhưng vì vết thương quá sâu nên phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang chữa trị. Kết quả giám định thương tật cho thấy, anh Xuân bị thương tật với tỉ lệ 3% và chị Loan thương tật 7%.
Ngày 27/10/2016, vợ chồng anh Xuân đã làm đơn tố cáo hành vi của Hà Văn Tiến đến cơ quan Công an huyện Lạng Giang. Trong quá trình giải quyết vụ việc đối tượng Hà Văn Tiến đã xuất trình một sổ bệnh án tâm thần với chẩn đoán là động kinh.
Đến tháng 8 và 9/2017, vợ chồng anh Xuân nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang và quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND huyện Lạng Giang, theo đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Lạng Giang không khởi tố vụ án vì “hành vi của Hà Văn Tiến không cấu thành tội phạm”.
Vết chém trên người anh Xuân vẫn chảy máu mặc dù lúc này anh đã đến bệnh viện sơ cứu, băng bó
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Dương Minh Kiên- Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang xác minh được trong vụ việc trên anh Hà Văn Xuân đã có hành vi túm cổ áo lôi kéo Tiến làm Tiến bị “kích động mạnh về tinh thần” dẫn đến việc Tiến dùng cưa chém vợ chồng anh là điều hết sức vô lý, bởi không thể có chuyện một người bị kích động mạnh vì lý do bị “kéo cổ áo”. Đồng thời khi đó chị Loan chưa làm gì, mới chỉ chạy ra bảo vệ chồng cũng bị chém, lúc này đối tượng Tiến hoàn toàn không bị ai “kéo cổ áo” nên không thể bị “kích động mạnh”.
Vẫn theo luật sư Kiên, hành vi của đối tượng Hà Văn Tiến là vi phạm Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tình tiết sử dụng hung khí nguy hiểm và phạm tội với nhiều người. Việc đối tượng Hà Văn Tiến rơi vào trạng thái kích động mạnh theo điều 105 Bộ luật Hình sự thì phải có tình tiết “do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó”- điều mà rõ ràng không có trong vụ việc này.
Còn luật sư Nguyễn Xuân Toán - Đoàn Luật sư Hà Nội thì cho rằng, Điều 311 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định: Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Trong trường hợp này, cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Lạng Giang cho rằng đối tượng Tiến bị tâm thần dẫn đến thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh thì phải tổ chức trưng cầu giám định pháp y về tình trạng bệnh của đối tượng. Tuy nhiên các cơ quan này không tổ chức trưng cầu giám định pháp y đối với Hà Văn Tiến theo luật định nhưng vẫn kết luận đối tượng bị “kích động mạnh về tinh thần”!
Theo quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND huyện Lạng Giang, ngày 20/4/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạng Giang đã gửi hồ sơ giám định, kèm theo quyết định trưng cầu giám định đến Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương để trưng cầu giám định tâm thần đối với Tiến. Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương đã có công văn về việc tiếp nhận Hà Văn Tiến đến làm thủ tục nhập viện. Sau khi có công văn của Viện pháp y tâm thần Trung ương, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạng Giang đã triệu tập Tiến để đưa đi giám định nhưng Tiến không đi và trốn tránh.
Ngày 9/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang tiến hành làm việc với Bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Giang để làm rõ bệnh động kinh và được Bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Giang cho biết: người bị bệnh động kinh lâu năm có thể biến đổi nhân cách. Người bệnh trở nên cục cằn, gây gổ, nổi cơn giận dữ có những phản ứng độc ác, mãnh liệt, không phù hợp vì lý do nhỏ nhất, ví dụ bị xúc phạm, chửi mắng…
Luật sư Nguyễn Xuân Toán đặt câu hỏi, vì sao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang có thẩm quyền thay thế việc giám định tâm thần đối tượng Hà Văn Tiến bằng việc đi hỏi nguyên lý của bệnh động kinh. Và căn cứ vào đâu Cơ quan cảnh sát điều tra nói rằng Tiến đã bị biến đổi nhân cách? Trong khi bệnh viện- nơi có chuyên môn về bệnh tâm thần cũng chỉ dám nói là “có thể” và họ không hề khẳng định đối tượng Hà Văn Tiến đã bị biến đổi nhân cách. “Mặt khác, nếu nói đối tượng Hà Văn Tiến đang trong tình trạng bệnh trầm trọng như vậy, vì lý do gì Bệnh viện tâm thần Bắc Giang cho Tiến được điều trị ngoại trú?”- Luật sư Nguyễn Xuân Toán nói.
Được biết, hiện nay vụ việc đang được Viện KSND tỉnh Bắc Giang rà soát, xem xét lại để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.