Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”

Minh Thi| 19/01/2015 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những sự kiện diễn ra tại Pháp và Bỉ đã “một lần nữa” chỉ ra rằng ý tưởng về "con sói đơn độc" là "một huyền thoại ngớ ngẩn". Học thuyết tưởng tượng phong phú này là một sản phẩm của sự sáng tạo...

Nhiều nhà phân tích cho rằng: các cuộc tấn công xảy ra tại Thủ đô Paris và âm mưu khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan - bị phá vỡ tại Brussels đã thách thức ý tưởng về học thuyết “Sói đơn độc” (Lone Wolf). Đây là hành động khủng bố tự biên tự diễn một mình mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ tổ chức thánh chiến nào.

Trong khi đó, theo những chuyên gia này, mỗi phần tử khủng bố nỗ lực hoặc tiến hành các vụ tấn công ở phương Tây trong những năm gần đây đều có quan hệ ở một mức độ nào đó với các nhóm cực đoan tham gia vào cuộc thánh chiến toàn cầu. Và sự kiện gần đây nhất, việc anh em Kouachi thực hiện vụ xả súng đẫm máu vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hôm 07/01 đã phần nào cho thấy điều đó.

Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”

Nhiều nhà phân tích cho rằng: các cuộc tấn công xảy ra tại Thủ đô Paris và âm mưu khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan - bị phá vỡ tại Brussels đã thách thức ý tưởng về học thuyết “Sói đơn độc”

“Sói đơn độc” - một huyền thoại ngớ ngẩn

Ông Jean-Pierre Filiu, Giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quan hệ Quốc tế Pháp, nhà ngoại giao lâu năm ở các nước Arập, nhận định: những sự kiện diễn ra tại Pháp và Bỉ đã “một lần nữa” chỉ ra rằng ý tưởng về các phần tử cực đoan hành động đơn độc là "một huyền thoại ngớ ngẩn".

Ông lập luận: "Học thuyết tưởng tượng phong phú này là một sản phẩm của sự sáng tạo. Nó xuất hiện tại Mỹ như một phần kế hoạch của “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” mà chính quyền Bush đưa ra hồi năm 2001”.

Mặc dù trên thực tế chưa có bằng chứng nào cho thấy hành động của anh em Said và Cherif Kouachi  có sự chỉ dẫn trực tiếp từ phía trên, nhưng họ đã nhận được sự hỗ trợ (ít nhất về mặt tài chính) từ tổ chức khủng bố Al Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP), một chi nhánh tại Yemen, và đã tấn công vào mục tiêu hàng đầu trong danh sách “mong muốn nhất” của lực lượng này.

Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”

Anh em Said và Cherif Kouachi - hai tay súng tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hôm 07/01

Khái niệm về “những con sói đơn độc” nổi lên tại thời điểm các nhà quan sát phương Tây vẫn đang tranh cãi quanh vấn đề mối đe dọa có vẻ như “khuếch tán” từ những phần tử thánh chiến toàn cầu - những phần tử hoạt động với cấu trúc “ít rõ ràng” hơn so với các tổ chức khủng bố chủ yếu của thế kỷ 20. Giáo sư Jean-Pierre Filiu đánh giá: “Ý tưởng này rất có ích về mặt chính trị đối với các chính phủ đang cố gắng thuyết phục công chúng tin vào những biện pháp an ninh cứng rắn hơn”.

Tuy nhiên, theo ông, việc "Xây dựng ý tưởng về một kẻ thù trong nước, kẻ khó nắm bắt và ở khắp mọi nơi, đã chứng minh cho chính sách hà khắc như Đạo luật Patriot (Đạo luật Yêu nước) tại Mỹ". Đây là đạo luật được thông qua sau vụ 11/9, cho phép chính quyền Mỹ mở rộng quyền điều tra và ngăn chặn khủng bố, nhưng Giáo sư Filiu cho rằng “tính hiệu quả của nó là vấn đề còn phải thảo luận”.  

"Đi theo bóng ma của “con sói đơn độc'” chỉ nhằm phục vụ cho việc gieo rắc và phá hoại những nỗ lực để xác định ai là kẻ chịu trách nhiệm chính cho chủ nghĩa phục bố - những kẻ đưa ra các mệnh lệnh ở khu vực Trung Đông”, ông nói.

"Sói đơn độc" đã được "lên kế hoạch" và nhận mệnh lệnh từ phía trên

Các rắc rối đến từ một thực tế là nhiều chiến binh thánh chiến ở phương Tây có mối quan hệ rất mơ hồ với những nhóm thánh chiến Hồi giáo nổi tiếng.

Một ví dụ điển hình trong vụ Charlie Hebdo, Amedy Coulibaly đã thừa nhận rằng hắn ta đang làm việc thay cho một nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq, mặc dù hắn chưa từng đến đó bao giờ. Đây là tay súng thứ ba trong vụ tấn công một siêu thị thực phẩm tại Thủ đô Paris khiến 4 người Do Thái bị thiệt mạng và cũng bị cáo buộc đã giết chết một nữ cảnh sát bảo vệ tòa nhà Charlies Hebdo.

Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”

Coulibaly - tay súng thứ ba trong vụ tấn công tại Thủ đô Paris

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có ý kiến cho rằng việc gắn cho các phần tử cực đoạn cái mác những “con sói đơn độc” cũng chẳng sai. Song thậm chí nếu hành động một mình, hoặc như một phần của các nhóm cực đoan trong nước, thì rõ ràng là chúng đang theo một “kế hoạch chi tiết” do các nhóm khủng bố đã được công nhận trên toàn cầu vạch sẵn.

Ông Louis Caprioli, cựu Giám đốc chống khủng bố tại Cục Phản gián Pháp (DST) nhận định: "Thậm chí dù Coulibaly không có liên hệ trực tiếp với IS, hắn vẫn “được sinh ra” bởi những mối đe dọa của các nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng này nhằm chống lại nước Pháp. Đó chính là sức mạnh của ý chí thánh chiến: đẩy người khác vào nhiệm vụ tự sát mà thậm chí không được phép suy nghĩ trước đó hai tháng”.

Điều này cho thấy các chiến binh thánh chiến không chỉ là những cá thể riêng biệt. Họ phát triển hệ tư tưởng riêng, cũng như chọn phương pháp và mục tiêu tấn công cho mình. Và, những “con sói đơn độc” rõ ràng đã tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của một nhóm chiến binh thánh chiến nào đó.

Một ví dụ khác, Nidal Malik Hassan, nhà tâm lý học người Mỹ đã giết chết 13 binh sĩ tại căn cứ quân sự Fort Hood ở bang Texas hồi tháng 9/2009, được phát hiện có liên quan đến Anwar Al-Awlaki, thủ lĩnh AQAP.

Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”

Anwar Al-Awlaki, thủ lĩnh AQAP, người được mệnh danh là "Bin Laden trên mạng"

Anwar al-Awlaki sinh ra và sống nhiều năm tại Mỹ, thành thạo tiếng Anh và tiếng Arập, mang quốc tịch Mỹ và quốc tịch Yemen. Al-Awlaki có biệt danh "Bin Laden trên mạng" và được coi là một trong những trùm khủng bố có cơ hội thế vào chỗ trống Bin Laden để lại.

Al-Awlaki đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của máy bay không người lái Mỹ hồi tháng 9/2011, 5 tháng sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị Đơn vị đặc nhiệm bí mật SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt tại Pakistan. Mặc dù vậy, mới đây, một đoạn băng xuất hiện cho biết cuộc tấn công Charlie Hebdo đã được Anwar al-Awlaki “lên kế hoạch”.

Giáo sư Filiu khẳng định: “Đằng sau những cuộc tấn công của chiến binh Hồi giáo, luôn có một người đưa ra các mệnh lệnh”. Mặc dù vậy, những mệnh lệnh đó có thể rất không rõ ràng và chi phí dành cho các cuộc tấn công thì hạn chế. Điều này có nghĩa là không có bằng chứng cụ thể cho thấy có sự hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính cho các tay súng tiến hành vụ tấn công tại Thủ đô Paris từ hơn một tuần trước đó.

Theo Het Laatste Nieuws, một tờ báo của Bỉ, chính Coulibaly đã mua vũ khí cho 3 tay súng tấn công Thủ đô Paris (Said - Cherif - Coulibaly) - trong đó có súng trường và một súng phóng lựu - tại Bỉ với giá không dưới 5.000 euro (khoảng 7.000 USD). Song súng phóng lựu thậm chí không bao giờ được sử dụng.

Soufan Group, nhóm chuyên gia cố vấn tại New York, cho rằng một thuật ngữ tốt hơn dành cho những “con sói đơn độc” là “những con sói nổi tiếng”, được các cơ quan tình báo phương Tây biết đến trước khi chúng tiến hành tấn công.

Trong một báo cáo của mình đưa ra hồi tuần trước, nhóm này nhận định: “Những cá thể riêng lẻ, hành độc đơn độc trong những nhóm nhỏ… xuất hiện trên hệ thống radar của các cơ quan và tổ chức tình báo khác nhau. Việc kiểm soát và quản lý con người nằm trong mối liên hệ của sự phạm tội và chủ nghĩa khủng bố thực sự khó khăn”. Và đối với Soufan Group, mối đe dọa to lớn nhất đến từ những kẻ được biết là “có mối liên hệ với các phần tử cực đoan và có một chuỗi những hành vi phạm tội trong quá khứ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Charlie Hebdo “thách thức” Học thuyết khủng bố “Sói đơn độc”