Vụ án “trốn thuế” tại Bình Dương: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét

Vũ Hà| 01/07/2016 16:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý số 51 ra ngày 24/6 đăng bài "Vụ án “Trốn thuế” ở Bình Dương và lời khẩn cầu của ông Tổng giám đốc”, phản ánh đơn thư của ông Byron Scott Mc Laughlin, Tổng Giám đốc Cty USPC cho rằng việc khởi tố vụ án của CA tỉnh Bình Dương là không có căn cứ.

Về vụ việc này, ngày 22/6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có Công văn số 3453/UBTP13 cho biết, theo nội dung đơn khiếu nại của ông Byron Scott Mc Laughlin thì Công an tỉnh Bình Dương có các Bản KLĐT số 77/KLĐT-PC45 ngày 18/9/2015, Bản KLĐT bổ sung lần 1 số 09/KLĐTBS-PC45 ngày 23/1/2016 và Bản KLĐT bổ sung lần 2 số 28/KLĐTBS-PC45 ngày 23/5/2016 “là không khách quan, không đúng sự thật và không hợp pháp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty USPC”, vì vậy Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội đã chuyển đơn khiếu nại của ông  Byron Scott Mc Laughlin đến Giám đốc Công an và Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương đề nghị giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội.

Vụ án “trốn thuế” tại Bình Dương: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét

Tìm hiểu vụ việc được biết: Để thuận tiện trong giao dịch của Công ty, ông Byron Scott Mc Laughlin, Tổng Giám đốc Cty USPC ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Tổng giám đốc ký kết một số giao dịch. Mọi giao dịch do bà Trang ký kết đều nhân danh Công ty, và ngày 28/07/2012, bà Trang đã ký với Cty Bình Định hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh.

Theo đó, Công ty USPC nhận cá ngừ nguyên liệu và chế biến nguyên liệu ra thành phẩm cá ngừ loin CO cho Công ty Bình Định. Sau khi chế biến được 11.062,04 kg cá ngừ thành phẩm cho Công ty Bình Định, Công ty USPC đã gửi rất nhiều thư điện tử, cũng như gọi điện thông báo cho đối tác thanh toán tiền phí gia công và lấy hàng về.

Tuy nhiên, Công ty Bình Định đã không có động thái gì. Điều này gây khó khăn và phát sinh chi phí cho Công ty USPC. Chính vì vậy, ngày 07/8/2012, bà Trang đã gửi thư điện tử thông báo sẽ không tiếp tục gia công nữa, và thực tế, Công ty Bình Định cũng không giao nguyên liệu và phản đối về việc ngưng gia công này.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa được đối tác thanh toán tiền gia công nhưng Công ty USPC đã rất nhiều lần tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Bình Định xuất hàng đi bán. Thậm chí, khi Công ty Bình Định lấy hàng bán không được về gửi lại, Công ty USPC vẫn cho nhập kho. Khi thấy Công ty Bình Định đang gặp khó khăn trong việc xuất bán hàng cá ngừ này, ngày 03/9/2012, bà Trang gửi thư điện tử đề xuất có thể hỗ trợ với đối tác xuất ủy thác cho khách hàng của Công ty USPC bên Mỹ.

Ngay lập tức, bà Sâm đã hối thúc Công ty USPC nhanh chóng làm hợp đồng để có thể xuất nhanh lô hàng. Ngày 25/9/2012, Công ty USPC và Công ty Bình Định ký kết Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001 qua bản fax, có chữ ký đóng dấu của hai bên.

Ngày 03/10/2012, Công ty USPC đã gửi phiếu đặt container hàng xuất cho Công ty Bình Định và thông báo cho biết sẽ xuất khẩu lô hàng ủy thác vào ngày 06/10/2012.

Ngày 06/10/2012, ông Byron Scott Mc Laughlin là người đại diện của Công ty USPC đã ra lệnh đóng 11,062.04 kg cá ngừ đông lạnh vào container xuất khẩu và ký tên đóng dấu Tờ khai hải quan số 2619, để bộ phận xuất nhập khẩu làm thủ tục Hải quan xuất lô hàng ủy thác xuất khẩu này.

Tuy nhiên, đúng ngày 06/10/2012, vợ chồng ông Vinh, bà Sâm đã đến Công ty USPC đòi lại hàng. Sau đó, qua trao đổi, bà Sâm yêu cầu phải thanh toán tiền bán lô hàng trong vòng 07 ngày. Việc thay đổi thanh toán so với thỏa thuận ban đầu khiến Công ty USPC không thể thực hiện được và đồng ý trả lại hàng theo như yêu cầu, và Công ty USPC đã liên hệ với bên mua thỏa thuận trả lại lô hàng đã xuất theo Tờ khai hải quan số 2619 ngày 06/10/2012.

Ngày 17/11/2012, bà Trang, đại diện Công ty USPC ký tên Tờ khai hải quan số 27/NT để tái nhập lô hàng. Sau khi hàng về, Công ty USPC đã gửi rất nhiều thông báo cho Công ty Bình Định về việc lô hàng đã được triệu hồi và yêu cầu họ đến nhận, cũng như yêu cầu họ thanh toán tiền gia công cho Công ty USPC. Nhưng đối tác lại thay đổi yêu cầu, đòi thanh toán tiền chứ không nhận hàng về. Chính sự không thống nhất này đã dẫn đến hai bên phát sinh tranh chấp.

Như vậy, toàn bộ quá trình gia công, xuất ủy thác lô hàng trên, bà Trang ký tên, đóng dấu nhân danh Công ty USPC chứ không phải nhân danh cá nhân bà Trang. Việc xuất khẩu lô hàng 11.062,04 kg cá ngừ thành phẩm của Công ty Bình Định (không phải của Cty Vinh Sâm) là dựa trên cơ sở Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001 ngày 25/9/2012 do ông Đỗ Tấn Vinh đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Định ký, đóng dấu và gửi fax cho Công ty USPC đã có hiệu lực pháp luật.

Vụ án “trốn thuế” tại Bình Dương: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét

Công ty USPC đã phải đóng cửa sau khi vụ án xảy ra

Ông Byron là người đã ra lệnh đóng 11.062,04 kg cá ngừ đông lạnh vào container xuất khẩu và ký tên đóng dấu Tờ khai hải quan số 2619 để bộ phận xuất nhập khẩu làm thủ tục Hải quan xuất lô hàng ủy thác xuất khẩu này, theo đúng như Hợp đồng ủy thác đã ký với Công ty Bình Định. Đồng thời, không có bất kỳ chứng cứ nào thể hiện bà Trang nhận số tiền từ việc xuất khẩu ủy thác của Công ty Bình Định. Như vậy, theo ông Byron, việc quy kết bà Trang về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không có cơ sở.

Đối với tội “Trốn thuế” cũng không có căn cứ. Bởi sau khi Công ty Bình Định thay đổi về thời gian thanh toán và đòi Công ty USPC trả lại hàng, ngày 17/11/2012, bà Trang - đại diện theo ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty USPC - ký Tờ khai hải quan số 27/NT, để nhân viên bộ phận xuất nhập khẩu đi làm thủ tục tái nhập lô hàng nhằm mục đích trả lại hàng cho Công ty Bình Định.

Ngày 04/12/2012, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần ra Quyết định số 1188/QĐ-KCNST không thu thuế đối với lô hàng theo tờ khai số 27/NT. Đến ngày 18/7/2014, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần ra Quyết định số 32/QĐ- KCNST ấn định thuế đối với lô hàng thuộc tờ khai 27/NT, với lý do “chưa đủ căn cứ để khẳng định lô hàng tái nhập số 27/NT ngày 17/11/2012 là hàng hóa thuộc tờ khai số 2619/XDT-KD” với số tiền thuế là 472.816.428 đồng. Mặc dù không đồng ý nhưng Cty USPC đã nộp số tiền này vào ngày 16/9/2014, vẫn nằm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Quyết định ấn định thuế của cơ quan Hải quan mà pháp luật cho phép.

Thực tế, tại thời điểm mở tờ khai 27/NT lô hàng nhập khẩu để trả về cho Công ty Bình Định, Công ty USPC và cá nhân bà Trang cũng hoàn toàn tin tưởng rằng đó chính là lô hàng xuất đi theo Tờ khai 2619 ngày 06/10/2012, vì khách hàng thông báo là lô hàng trả về đúng số lượng, mẫu mã, bao bì và được Chi cục Hải quan Sóng Thần kiểm hóa là giống với lô hàng đã xuất đi.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, việc xét duyệt cho Công ty USPC miễn thuế hay nộp thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Cơ quan Hải quan Bình Dương. “Bà Trang cũng không được ủy quyền để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực thuế. Do đó, trong mọi trường hợp thì bà Trang không phải là người chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chánh của Cty USPC với Nhà nước. Do đó, quy kết cho bà Trang tội trốn thuế đối với lô hàng trên của Công ty USPC là không có cơ sở” - Ông Byron Scott khẳng định.

Vụ án “trốn thuế” tại Bình Dương: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét

Như Báo Công lý đã thông tin về vụ việc này, trước đó, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba cũng đã có văn bản và chuyển đơn của ông Byron đến các cơ quan tư pháp Trung ương cùng các tài liệu kèm theo với yêu cầu thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố vụ án này để tránh oan sai, vi phạm pháp luật trong tố tụng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ án.

Cùng với ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kèm đơn khiếu nại của ông Byron Scott Mc Laughlin đã được chuyển đến Giám đốc Công an và Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương, thiết nghĩ vụ án này sớm được xem xét, xử lý khách quan, đúng sự thật để bảo đảm quyền và lợi ích của Công ty USPC cũng như các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án “trốn thuế” tại Bình Dương: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét