Vụ án thầy giáo bỏ nghề dạy học làm "siêu lừa" tại Bình Dương: Bi hài chuyện “biến” xe ôm, ba gác thành... đại gia

26/06/2012 22:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình (SN 1974, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong các ngày 21, 22-6 chật kín người tham dự.

Không chỉ những người bị hại oán hờn Bình mà ngay cả các bị cáo trong vụ án là ba bác tài xe ôm, ba gác bị Bình lợi dụng đã  bức xúc vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của “siêu lừa”. Họ bật khóc tức tưởi vì không thể ngờ rằng chỉ nhận từ Bình từ 2 đến 6 triệu đồng “tiền công” nhưng có thể sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 14 năm tù giam và  liên đới bồi thường hàng tỷ đồng...

Chân dung siêu lừa

Nhìn bề ngoài, Nguyễn Thanh Bình gây nhiều ấn tượng với người đối diện nhờ vẻ  bảnh bao, giọng nói hoạt bát, tự tin và quá khứ từng là một tri thức. Năm 1994, Bình tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương và sau đó làm thầy giáo gõ đầu trẻ tại Trường tiểu học xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên. Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, thấy  khó “phất” lên được nên Bình bất ngờ  bỏ dạy học, phiêu lưu trên con đường làm giàu. Năm 2007, Bình trúng mánh bất động sản và dùng tiền cho vay với lãi suất cao, từ 5 đến 6%/tháng...

Vụ án thầy giáo bỏ nghề dạy học làm

Dũng “xe ôm” nói vợ khắc phục hậu quả trước khi về trại

Sau một năm “thăng hoa”, lên đời thành đại gia, việc kinh doanh bất động sản của Bình dần trở nên ế ẩm do thị trường đóng băng. Mặc dù vậy, Bình vẫn cố chứng tỏ khả năng “trường vốn” bằng việc sẵn sàng cho vay tiền khi con nợ có các tài sản thế chấp. Điều kiện cho vay tiền là người vay phải thế chấp bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) kèm theo giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình. Thấy việc thu gom các sổ đỏ quá dễ dàng, Bình nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bình tổ chức làm giả các loại giấy tờ như  CMND của người đứng tên sổ đỏ, làm giả con dấu của chính quyền địa phương (UBND) và giả chữ ký của các phó chủ tịch phường phụ trách địa chính. Sau cùng, Bình “tuyển” các bác tài chạy xe ôm, ba gác đóng  giả người đứng tên sổ đỏ đến các phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương ký tên vào giấy ủy quyền hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền dưới hình thức bán đất. Với “độc chiêu” trên, Bình thực hiện hàng chục vụ cầm cố, thế chấp sổ đỏ vay tiền, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người ở Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh. Tổng cộng có 27 nạn nhân sập bẫy, trong đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương mới làm rõ được 8 vụ, xác định  Bình và đồng bọn chiếm đoạt hơn 6,8 tỷ đồng.

Vụ án thầy giáo bỏ nghề dạy học làm

Áp giải “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình về trại giam

Một vụ lừa đảo “điển hình” là Nguyễn Thanh Bình dùng sổ đỏ của ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1963, ngụ khu phố 4, phường Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lừa bán chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng. Do cần tiền tiêu xài,  năm 2008, ông Hoàng cầm sổ đỏ 1.246m2 đất thế chấp cho Huỳnh Văn Hà (SN 1984, ngụ ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên) vay 20 triệu đồng với lãi suất 6%/tháng. Hà lấy sổ đỏ cùng toàn bộ giấy tờ của ông Hoàng thế chấp tiếp cho Nguyễn Thanh Bình vay 30 triệu đồng lãi suất 5%/tháng. Bình gặp Vũ Hữu Trí (SN 1970, ngụ khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một) xin thế chấp sổ đỏ kèm theo giấy tờ của ông Hoàng để vay 2,2 tỷ đồng, lãi suất 6%/tháng cộng phí dịch vụ 10%. Trí đồng ý và yêu cầu Bình làm thủ tục chuyển nhượng 1.246m2 đất của ông Hoàng cho Trí.

Bình đã nhờ đồng bọn làm giả hồ sơ gồm giấy xác nhận tình trạng đất, giấy ủy quyền từ vợ ông Hoàng cho ông Hoàng, CMND của ông Hoàng đồng thời kêu Lâm Văn Dũng (Dũng “xe ôm”, SN 1964, ngụ Hương lộ 18, phòng 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh) đóng giả ông Hoàng đến Phòng công chứng số 1, tỉnh Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn Trí là Trần Văn Đạt (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh,  hùn tiền với Trí mua khu đất) với giá 2,2 tỷ đồng vào ngày 12-12-2008. Ngày 12-10-2009, Trí mang khu đất bán cho vợ chồng Phạm Văn Dũng - Phan Thị Lan (ngụ xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một) giá 3 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng được hoàn tất tại Văn phòng công chứng Tân Uyên ngày 12-10-2009. Khi đến rào đất, vợ chồng bà Lan mới tá hỏa phát hiện mua nhầm “đất ảo”.  

Nước mắt xe ôm, ba gác

Vụ án có 5 bị cáo thì có đến 3 người hành nghề chạy xe ôm, xe ba gác là  Lâm Văn Dũng, (SN 1967, ngụ ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Tiến (SN 1969, hành nghề chạy xe ba gác). Bị cáo Lâm Văn Dũng kể lại: Hành nghề xe ôm cực khổ, thu nhập bấp bênh. Nguyễn Thanh Bình nhanh chóng làm quen và tạo thiện cảm với ông Dũng bằng việc “chi đẹp”, thỉnh thoảng cho tiền ăn nhậu. Bình tỏ  ra muốn giúp ông Dũng thoát nghèo: “Anh quanh năm suốt tháng cực khổ, muốn giàu nhanh thì đi theo tôi, sẽ được ăn sung mặc sướng, ngồi xe hơi, đóng vai các ông chủ đất, chỉ vài tiếng đồng hồ trả cho vài triệu xài, quá dễ dàng”. Vậy là Bình hướng dẫn cho ông Dũng từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng sao cho có “phong thái” đại gia nhà đất đang cần tiền làm ăn phải đi thế chấp tài sản.

 

Vụ án thầy giáo bỏ nghề dạy học làm

Sơn “xe ôm” quay mặt bước lên xe tù khi thấy ống kính phóng viên

Trong vụ Bình cầm sổ đỏ của ông Nguyễn Văn Hoàng, ông Dũng được Bình “phân vai” làm ông Hoàng,  người đang cần vay mượn 2,2 tỷ đồng để kinh doanh. Giấy CMND ông Hoàng “thật” được Bình tiến hành thay ảnh ông Dũng vào, làm giả các giấy tờ liên quan khác cho hợp lệ. Bình cùng ông Dũng (trong vai Hoàng) đến gặp Trí để thương lượng việc cầm cố sổ đỏ vay tiền. Trí đồng ý cho vay với điều kiện phải ra công chứng chuyển nhượng lô đất 1.246m2 ông Hoàng đang đứng tên sổ đỏ để đảm bảo. Ông Dũng đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bình, sau mỗi lần “nhập vai” đều được Bình trả thù lao 2 triệu đồng. Tổng cộng trong vụ án, ông Dũng được Bình chi trả 6 triệu đồng.

Không chỉ trực tiếp đóng vai các đại gia nhà đất, Lâm Văn Dũng còn giới thiệu cho Bình những đồng nghiệp xe ôm khác để “đa dạng hóa đội ngũ diễn viên”. Một trong số đó là Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Tiến.

Cuối tháng 12-2008, Nguyễn Văn Đồ (SN 1965, ngụ Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương) mang sổ đỏ đứng tên mình cùng CMND và hộ khẩu thế chấp cho Bình vay 20 triệu đồng.  Bình dùng sổ đỏ của ông Sơn thế chấp cho bà Nguyễn Thị Thu Nga (SN 1968, tạm trú phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) vay 300 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng. Bà Nga yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng tên sổ đỏ từ ông Đồ sang tên bà Nga. Bình đồng ý, liền gọi  Dũng và Tiến đến gặp nhau tại quán cà phê Kim Phát  bàn bạc kế hoạch. Theo sự phân công của Bình, Dũng “xe ôm” tìm Nguyễn Văn Sơn  giả làm ông Đồ. Dũng đưa Sơn đến tiệm chụp hình Ánh Hồng chụp ảnh thẻ để làm giả CMND. Sau khi có giấy CMND giả, Tiến dẫn Sơn đến Văn phòng công chứng Tân Uyên để Sơn đóng giả ông Đồ ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Nga. Sau khi ký xong, Bình điện thoại cho Tiến, cử Sơn đến nhà bà Nga lấy 300 triệu đồng. Nhận tiền xong, Bình chia cho Tiến 8 triệu, Dũng “xe ôm” và Sơn mỗi người 2 triệu đồng.

Trước vành móng ngựa, cả ba bị cáo hành nghề xe ôm, xe ba gác đều vô cùng đau khổ, ân hận vì hám lợi trước mắt mà trở thành “tay chân” của “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình. Ông Sơn nghẹn giọng: “Bị cáo mới học hết lớp 5, chạy xe ôm mỗi ngày được vài chục ngàn, cuộc sống khó khăn. Nghe ông Dũng cũng là đồng nghiệp xe ôm với nhau rủ đóng vai ông Đồ bán đất, làm chút xíu thôi mà được trả thù lao 2 triệu đồng nên đã nhắm mắt làm theo, ai ngờ lại trở thành đồng phạm trong đường dây lừa đảo”. Nỗi ân hận của các bị cáo càng nhân lên khi vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt Lâm Văn Dũng từ 12 đến 14 năm tù; Nguyễn Văn Tiến từ 8 đến 9 năm tù; Nguyễn Văn Sơn từ 5 đến 7 năm tù.

Sau khi nghe đề nghị mức án, tài xế xe ôm Lâm Văn Dũng bật khóc: “Ngay cả những người “cao cơ”, có đầy kinh nghiệm còn bị Bình lừa ngọt xớt nói gì đến một người chỉ mới học đến  lớp 6 như bị cáo. Bị cáo cũng chỉ là nạn nhân của Bình mà thôi, vì lóa mắt trước vài triệu đồng mà giờ đối mặt với mức án bị đề nghị lên đến 14 năm tù. Bị cáo ân hận lắm và muốn nói lời xin lỗi đến những người bị hại trong vụ án này. Con của bị cáo cũng sắp lập gia đình rồi, xin Tòa giảm án, cho bị cáo một cơ hội để sớm về đoàn tụ với con cháu”.  Hai bác tài xe ôm khác là Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Văn Sơn cũng nghẹn giọng vì không thể ngờ chỉ nhận 2 triệu từ Bình mà phải đối mặt với mức án từ 7 đến 9 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải có trách nhiệm liên đới bồi thường  khoản tiền  hơn 6 tỷ đồng mà “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình đã chiếm đoạt của các bị hại. Để có căn cứ xin giảm án, Tòa yêu cầu các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Ttòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 29-6-2012. Trước khi lên xe về trại giam, Lâm Văn Dũng còn ngoái đầu dặn vợ: “Em cố gắng xoay xở nộp tiền khắc phục hậu quả, tạo cơ hội cho anh giảm án”.

Bài học cảnh giác cho những người hám lợi

Vị đại diện Viện kiểm sát rất trăn trở về vụ án khi hàng chục nạn nhân của “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình đều vì hám lợi trước mắt, cho Bình vay tiền với lãi suất cao, từ 5 đến 10%/tháng, trong khi lãi suất ngân hàng hiện tại chỉ 9%/năm. Bình làm gì ra lãi ở mức 5%/tháng để có tiền cho các chủ nợ? Trước câu hỏi này,  Bình không thể trả lời được. Hiện những đối tượng cùng Bình và đồng bọn làm giả hàng loạt tài liệu rất nguy hiểm cho xã hội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch cho vay, chuyển nhượng bất động sản, thận trọng xác minh kỹ lưỡng, tránh lóa mắt vì lợi nhuận mà sập bẫy lừa.

An Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án thầy giáo bỏ nghề dạy học làm "siêu lừa" tại Bình Dương: Bi hài chuyện “biến” xe ôm, ba gác thành... đại gia