Ngày 25/12, Tòa án cấp cao tại TP. HCM sẽ kết thúc phiên phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2. Xâu chuỗi các phiên xử liên quan đến các đại án ngân hàng cho thấy bản chất của vụ án và việc thu hồi tài sản thất thoát cần được chú trọng.
Nạn nhân của “bà trùm” Hứa Thị Phấn?
Trước Tòa, Phạm Công Danh cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo xuất phát từ sự cố gắng cứu vãn Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Theo cáo trạng số 20/CT-VKSTC-V3 của VKSNDTC ngày 09/5/2016 ghi nhận: “Ngày 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước có kết luận Thanh tra số 224/KL-TTGSNH, kết luận thực trạng tài chính của TrustBank là rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu bị âm 2.854,833 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,738 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên đến 95%”.
Tuy nhiên, sau khi chuyển 3.660 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Tín (sau là NH Xây dựng VNCB) và tiếp quản ngân hàng Phạm Công Danh mới biết tình hình còn tệ hơn. Bà Phấn và nhóm Phú Mỹ đã không bàn giao 114 bất động sản như trong thỏa thuận chuyển nhượng. Khoản dư nợ hơn 9.000 tỷ đồng của nhóm Phương Trang thực tế đang bị tranh chấp, sau khi phía Phương Trang tố cáo bà Hứa Thị Phấn giải ngân khống để chiếm đoạt 5.260 tỷ đồng.
Vừa qua, Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã xác định Công ty Phương Trang chỉ thực nhận gần 3.937 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm thanh toán gần 3.937 tỷ đồng này cho ngân hàng (chưa tính lãi). Còn số tiền 5.260 tỉ đồng giải ngân khống cho Phương Trang bà Phấn và các đồng phạm phải chịu trách nhiệm.
Theo Luật sư Hà Hải, phiên toà hai cấp xét xử vụ án bà Hứa Thị Phấn giai đoạn 1 và xét xử vụ án Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vừa qua cho thấy bà Hứa Thị Phấn đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng tổng cộng 15.000 tỷ đồng. HĐXX các cấp đã làm rõ được hành vi cố tình che giấu việc rút ruột TrustBank của bà Phấn và đồng sự, ông Phạm Công Danh khi mua lại Đại Tín hoàn toàn không hay biết nhưng hậu quả là ông Phạm Công Danh phải gánh chịu.
Cũng theo vị luật sư này, “Nếu Kết luận 224 của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có ghi nhận việc bà Phấn chiếm đoạt 15.000 tỷ của TrustBank (chứ không phải như kết luận của Thanh tra là Phương Trang nợ TrustBank 9.000 tỷ, không đề cập đến việc bà Phấn rút ruột TrustBank gần 6.000 tỷ) thì ông Phạm Công Danh đã không mua TrustBank và không phải dùng toàn bộ tài sản của mình cứu TrustBank và trong tình thế cấp thiết phải thực hiện các hành vi được xem là vi phạm pháp luật và đã không có vụ án Phạm Công Danh”.
Các bị cáo tại phiên tòa
Xâu chuỗi một loạt các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Ocean Bank, TrustBank và vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ Thanh tra giám sát NHNN cho thấy nguyên nhân dẫn đến mức độ bị coi là đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án VNCB thực ra lại xuất phát từ việc vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn. Bà Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng để chiếm đoạt tiền của chính TrustBank thông qua việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng) hạch toán thu - chi khống để giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang (chiếm đoạt hơn 5.260 tỷ đồng).
Sức ép chi lãi ngoài và việc khắc phục hậu quả
Trong vụ án VNCB giai đoạn 1, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Phan Minh Tùng... đã trình bày rõ về áp lực liên quan đến việc tìm kiếm nguồn tiền chi chăm sóc khách hàng để duy trì và bảo đảm khả năng thanh khoản của VNCB.
Bản thân ông Phạm Công Danh cũng khai rõ thực trạng và nhu cầu cấp thiết về việc tìm kiếm nguồn tiền chi chăm sóc khách hàng để duy trì khả năng thanh khoản do tình trạng TrustBank ở trong tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, nợ xấu lên đến 95%. Để có thể duy trì khả năng thanh khoản của VNCB, ông Danh phải tìm nguồn nguồn thanh toán các khoản chi phí chăm sóc khách hàng rất lớn để huy động tiền (tương đương 3% - 4%/tháng, có lúc lên đến 6%/tháng).
Phạm Công Danh khai thật sự “bị sốc” khi tiếp nhận Ngân hàng. Ngay sau khi vào tiếp quản, các chi nhánh liên tục đòi tiền chi chăm sóc khách hàng đã thực hiện từ trước đó và lời khai của các cộng sự chứng minh ông Danh đã phải chi rất nhiều tiền. Ông Danh thừa nhận các khoản chi nói trên không có giấy tờ chứng minh nhưng là chi thực, việc huy động vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là có thật, phù hợp với cáo trạng đề cập Phạm Công Danh và nhiều bị cáo cũng khai rằng ngân hàng đã phải huy động vượt trần lãi suất 2-4%/năm và không có giấy tờ gì, tiền là do phía Tập đoàn Thiên Thanh chi trả. Riêng ông Danh và Phan Thành Mai khai và có chứng từ chứng minh đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.760 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm giai đoạn 1.
Liên quan vấn đề khắc phục hậu quả, Luật sư Hà Hải cho biết Phạm Công Danh và các luật sư đã gởi văn bản kiến nghị trong đó có nội dung trình bày phương án khắc phục hậu quả và xin được có cơ chế để có thể khắc phục 100% hậu quả.
Theo đó, Tập đoàn Thiên Thanh xin được phép tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để triển khai dự án tại Sân vận động Chi Lăng. Cho phép cấn trừ số tiền dự kiến tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh hiện VNCB đang quản lý. Và cuối cùng là giải quyết bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh 90.000m2 đất quận 2 (theo thẩm định của DATC có giá trị khoảng 6.383 tỷ đồng) và 25,4ha đất Nhà Bè (tạm tính 2.300 tỷ đồng). Đây là tài sản mà ông Phạm Công Danh đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn 3.681 tỷ để nhận chuyển nhượng theo Đề án tái cơ cấu TrustBank đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, cho đến nay thì tiền và tài sản Ngân hàng xây dựng vẫn đang quản lý.
Có thể nói, chỉ cần ba tài sản trên của ông Phạm Công Danh nếu được cho phép sử dụng để khắc phục hậu quả ngay từ đầu vụ án thì toàn bộ số tiền được cho là thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng ở hai giai đoạn đã được khắc phục xong.