Vụ án buôn lậu “siêu xe”: Vì sao cựu phóng viên chiến trường kêu oan cho con?

An Dương| 30/03/2017 18:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Hạ (SN 1945) là cựu phóng viên chiến trường B, cán bộ TTXVN đã nghỉ hưu liên tục gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật kêu oan cho con trai là Nguyễn Giang Lam (SN 1975), nguyên Đại uý Phòng Xuất nhập cảnh Công an TP.HCM.

Đây là vụ án buôn lậu được nhiều chuyên gia pháp luật đầu ngành nhận định có dấu hiệu oan sai, đã bị TAND cấp cao tại Tp.Hồ Chí Minh hủy án để điều tra lại.

Theo bản án phúc thẩm số 587, ngày 25/10/2016 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, đây là vụ án mà cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ, chưa xác định đúng chủ thể phạm tội buôn lậu trong vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an Tp. Hồ Chí Minh chỉ mới xác định được một số bị cáo thực hiện hành vi giúp sức xảy ra tại Việt Nam.

Vụ án buôn lậu “siêu xe”: Vì sao cựu phóng viên chiến trường kêu oan cho con?

Vị cựu phóng viên chiến trường liên tục gửi đơn kêu cứu

Cấp sơ thẩm xác định trong năm 2011-2012, Nguyễn Quang Vinh cùng đồng phạm làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô, mô tô đứng tên 64 Việt kiều hồi hương, trong đó xác định có 54 trường hợp thuê mướn đứng tên nhập khẩu trái pháp luật. Nguyễn Giang Lam có hành vi trực tiếp giới thiệu cho Nguyễn Quang Vinh 36 Việt kiều và hoàn tất các điều kiện của Việt kiều hồi hương được tiêu chuẩn mỗi người nhập khẩu một chiếc xe ô tô. Vinh giao cho Lam 10.000 USD/01 xe, các công đoạn nhận xe, làm thủ tục sau đó đều do Vinh, Thạnh, Nguyên thực hiện. Ba bị cáo trên thừa nhận chỉ làm dịch vụ và được hưởng tiền “hoa hồng”.

Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ chủ thế của tội phạm trong vụ án buôn lậu; điều kiện dẫn đến các chủ thể thực hiện hành vi buôn lậu; đồng phạm và hành vi của những người thực thi công vụ về một số điều kiện bắt buộc phải có, phải đúng theo quy định của pháp luật từ việc cấp thủ tục hồi hương cho Việt kiều đến hành vi đóng dấu khống vào các hộ chiếu dẫn đến việc hợp pháp hóa số lượng 54 chiếc xe ô tô.

Cấp sơ thẩm chưa giám định thiệt hại về thất thu ngân sách, đây là yêu cầu phải có để xem xét mức độ thiệt hại về vật chất và là cơ sở pháp lý để xem xét trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng trong vụ án buôn lậu. Việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, Tòa án cấp phúc thấm không thể bổ sung, khắc phục được. Từ đó, cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Giang Lam, Trần Phước Thạnh, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạ thì từ khi CQĐT khởi tố vụ án vụ án đến nay,  Nguyễn Giang Lam một mực kêu oan. Cấp sơ thẩm không chứng minh được Lam phạm tội nên bản án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại.

Đây là vụ án được dư luận quan tâm, nhiều chuyên gia pháp lý có ý kiến cho rằng cần giải quyết thận trọng khách quan. Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC Đinh Văn Quế nhận định: Trong vụ án, các bị cáo chỉ lợi dụng chính sách để làm dịch vụ nhằm hưởng lợi. Quá trình điều tra trước đây, CQĐT chỉ mới chứng minh hành vi “mua bán tiêu chuẩn nhập xe ô tô của Việt kiều”, chứ chưa chứng minh được việc buôn lậu ô tô như thế nào, không chứng minh được Nguyễn Giang Lam nhờ hay móc nối với cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh để đóng dấu khống vào hộ chiếu của Việt kiều hồi hương. Cần xem xét khách quan, toàn diện để giải quyết vụ án cho đúng pháp luật.

Đơn thư kêu cứu của cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Hữu Hạ về các vấn đề bất thường khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can trong quá trình điều tra lại cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật TP. Hồ Chí Minh sớm xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án buôn lậu “siêu xe”: Vì sao cựu phóng viên chiến trường kêu oan cho con?