Vụ án được dư luận rất quan tâm vì nhiều “nhân vật quan trọng” đã bỏ túi hưởng lợi hàng chục triệu đồng nhưng không bị xử lý hình sự...
VKSNDTC vừa hoàn tất bản cáo trạng số 19/VKSNDTC-V1A truy tố ông Ngô Thanh Phong (SN 1956, nguyên Phó thủ trưởng thường trực CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Nên (SN 1965, nguyên Phó thủ trưởng CQĐT), ông Phan Văn Út (SN 1969, nguyên Thủ kho vật chứng CQĐT) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án được dư luận rất quan tâm vì nhiều “nhân vật quan trọng” đã bỏ túi hưởng lợi hàng chục triệu đồng nhưng không bị xử lý hình sự...
Phó Giám đốc được chia số tiền gấp 14 lần “lính”
Theo cáo trạng, tháng 10-2002, CQĐT Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án “Buôn lậu” tại Công ty TNHH Thành Phát, Tp. Mỹ Tho, khởi tố 38 bị can về các tội “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”. Sau khi khởi tố, CQĐT có chủ trương thu giữ tiền mặt. Ông Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên đã bàn bạc, quyết định, sau đó chỉ đạo sử dụng toàn bộ tiền mặt thu giữ của các bị can, đương sự trong vụ án để gửi tiết kiệm, số tiền lãi được nhập vào quỹ của đơn vị. Ngày 4-11-2002, ông Nên trực tiếp chỉ đạo các ông Bùi Văn Nhứt (điều tra viên, được giao nhiệm vụ thống kê vật chứng) đem toàn bộ tiền thu giữ được gửi vào hai ngân hàng tại Tiền Giang. Khi ông Nhứt đi vắng, ông Phong trực tiếp giao cho ông Nguyễn Trường Sơn (điều tra viên) đem tiền thu giữ đi gửi ngân hàng. Các sổ tiết kiệm được giao nộp vào kho vật chứng do ông Phạm Văn Út quản lý.
Thượng tá Nguyễn Văn Nên (trái) trước khi bị khởi tố. Ảnh: CAND
Quá trình điều tra, CQĐT đã thu giữ, tạm giữ của các bị can, đương sự trong vụ án số tiền 12,5 tỷ đồng (làm tròn số) và 249.000 USD. Các ông Bùi Văn Nhứt, Nguyễn Trường Sơn đứng tên cá nhân gửi ngân hàng tổng cộng 11,4 tỷ đồng và 206.000 USD bằng 25 sổ tiết kiệm. Đến kỳ trả lãi, hai ông ra ngân hàng rút tiền lãi về nhập quỹ. Cuối tháng 5-2004, khi vụ án sắp kết thúc, ông Phong đã chỉ đạo rút toàn bộ số tiền đã gửi tiết kiệm về nhập kho vật chứng. Số tiền lãi thu được là 968 triệu đồng.
Cuối tháng 6-2004, do chưa chuyển tiền vật chứng cho Cơ quan thi hành án nên lãnh đạo CQĐT chỉ đạo ông Phạm Văn Út đứng tên cá nhân gửi tiết kiệm 12,1 tỷ đồng dưới hình thức mua kỳ phiếu có kỳ hạn 3 tháng. Đến kỳ hạn, ông Út rút cả gốc lẫn 199 triệu đồng tiền lãi. Toàn bộ số tiền lãi thu được, CQĐT đã sử dụng để tiếp khách, mua 4 xe máy và đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là Phó Giám đốc, Thủ trưởng CQĐT, hiện là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) “duyệt” cho đăng ký biển trắng cấp cho 4 lãnh đạo Phòng CSĐT sử dụng. Các tài sản trên không được vào sổ theo dõi tài sản của đơn vị. Ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên còn duyệt cấp cho ông Nguyễn Chí Phi 1 xe máy nhưng do ông Phi đã có xe máy công nên duyệt chi tiền mặt 25 triệu đồng cho ông Phi. Vào các dịp Tết, các cán bộ chiến sỹ trong phòng được chia mỗi người 500.000 đồng, ông Nguyễn Chí Phi được duyệt chi riêng 5 triệu đồng, riêng Tết năm 2004 ông Phi nhận số tiền 7 triệu đồng, tức là gấp 14 lần so với các cán bộ khác.
Đến tháng 10-2004, Phòng CSĐT chuyển đổi thành Văn phòng cơ quan CSĐT, ông Phong và ông Nên quyết định chia nốt quỹ riêng có được từ việc gửi tiết kiệm tiền tang vật. Theo đó, chỉ huy phòng và ông Nguyễn Chí Phi mỗi người nhận 23 triệu đồng, các cán bộ khác được nhận từ 2,2 triệu đến 8 triệu đồng/người. Tính đến tháng 4-2004, ông Nguyễn Chí Phi được hưởng 75 triệu đồng.
“Không biết, không có tội”?
Quá trình giải quyết vụ án, vào tháng 12-2005, bị can Phạm Thị Ánh đã làm đơn xin nộp 10 tỷ đồng, ông Phong chỉ đạo kế toán đơn vị mở tài khoản gửi tiết kiệm, thu về 199 triệu đồng tiền lãi. Khoản tiền lãi này được chia cho ông Nguyễn Chí Phi 5 triệu đồng, ngoài ra được sử dụng để tiếp khách, sử dụng chung cho hoạt động của đơn vị. Tổng cộng toàn bộ số tiền lãi thu được trong quá trình gửi tiết kiệm là 1,36 tỷ đồng, các cá nhân chia nhau và chiếm hưởng 623 triệu đồng, riêng ông Nguyễn Chí Phi hưởng 80 triệu đồng. VKSNDTC kết luận ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã vi phạm Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BTC hướng dẫn bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng trong quá trình giải quyết án hình sự; các bị can làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước 1,16 tỷ đồng mà đáng ra phải nộp sung công quỹ nhà nước.
Trong vụ án trên, nhiều cán bộ có liên quan đã không bị xử lý hình sự như hai điều tra viên Bùi Văn Nhứt, Nguyễn Trường Sơn. Hai ông này đem 11,4 tỷ đồng và 206.000USD thu giữ từ vụ án đi gửi tiết kiệm, đứng tên cá nhân từ năm 2002 đến 2004, thu lãi 968 tỷ đồng. Tuy nhiên, VKSNDTC cho rằng ông Nhứt, ông Sơn “thành khẩn khai báo”, không hưởng lợi nhiều hơn các cán bộ bình thường trong đơn vị và chỉ “thực hiện theo chỉ đạo” của ông Phong... nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự. VKSNDTC chỉ kiến nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang xử lý kỷ luật để giáo dục, phòng ngừa. Cùng với những lý do nêu trên, VKSNDTC cũng “tha bổng”, không xử lý hình sự các ông Nguyễn Chí Kiên, nguyên Phó Trưởng phòng CSĐT, ông Võ Quang Ái, Phạm Thế Kim, nguyên cán bộ lãnh đạo cấp Đội thuộc Phòng CSĐT.
Nổi bật trong vụ án là vai trò của ông Nguyễn Chí Phi, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng CQĐT, hiện tại là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang. Với trách nhiệm của người đứng đầu CQĐT, ông Phi đã để xảy ra sai phạm tại đơn vị, làm trái quy định trong vụ “duyệt” cho đăng ký biển trắng đối với 4 xe máy cấp cho 4 lãnh đạo phòng CSĐT sử dụng. Đặc biệt, bản thân ông Phi đã chiếm hưởng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phi không bị xử lý hình sự vì VKSNDTC cho rằng ông Phi không biết 80 triệu ông hưởng là tiền có được từ việc gửi tiết kiệm tiền tang vật vụ án để thu lãi. VKSNDTC nhận định “cần kiến nghị Bộ Công an xử lý kỷ luật đối với ông Phi”.
Ngoài việc ra Cáo trạng truy tố, bà Lê Thị Tuyết Hoa, kiểm sát viên VKSNDTC vừa ký Quyết định số 24/VKSNDTC-V1A chuyển vụ án trên đến VKSND tỉnh Tiền Giang để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.
An Dương