Năm 2012, ngành giáo dục Việt Nam “nhập khẩu tiểu ngạch” một mô hình "trường học mới" VNEN từ một quốc gia chưa mấy phát triển ở châu Mỹ La tinh và đưa ngay vào áp dụng thí điểm ở một số tỉnh.

Báo chí đã thông tin rằng đề án đổi mới này tốn kém khoảng 80 triệu đô la Mỹ.

Cho đến nay, sau 4 năm vận dụng mô hình thí điểm được ít mất nhiều nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn “lăn tăn” không thể ngã ngũ sẽ dừng hay tiếp tục thí điểm bởi hàng loạt trường thuộc diện thí điểm phản đối mô hình này.

Tại các tỉnh, giám đốc Sở GD&ĐT bỗng nhiên chịu trận trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân. Ở nhiều nơi, Hiệu trưởng cũng ù tai chóng mặt vì phụ huynh và giáo viên khi phân tích những bất cập của VNEN. Tình hình bế tắc đến nỗi Bộ GD&ĐT phải ra văn bản “đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương”. Thế là lãnh đạo các Sở GD&ĐT bị rơi vào tình thế “bỏ không thương, vương thì tội”. Quả bóng trách nhiệm được đá về cấp tỉnh.

Còn nhớ khi thực hiện thí điểm VNEN, các chức việc ở Bộ không ngớt lời ca ngợi mô hình VNEN sẽ tạo “môi trường thân thiện”, “dân chủ”, “học sinh tích cực”… trong nhà trường. Tuy nhiên nói một cách dân dã, mô hình này “hỏng từ vòng gửi xe”.  Các giáo chức, các chuyên gia đặt câu hỏi tại sao không “nhập khẩu chính ngạch” các mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến như EU hay của Mỹ hoặc gần hơn là Singapore?

Thì ra mô hình trường học mới này là của Colombia áp dụng cách đây đã trên 20 năm để dạy học ở những lớp ghép ở vùng sâu vùng xa. Việc áp dụng ồ ạt mô hình này mà thiếu sự chuẩn bị tâm lý, chương trình, giáo án và thiết bị, đồ dùng dạy học khiến hiệu quả rất hạn chế. Kết quả học tập của con em giảm sút gây hoang mang trong phụ huynh học sinh. Thế nhưng do áp lực chạy theo phong trào, hàng ngàn trường đã lâm cảnh dở khóc, dở cười, trở đi mắc núi trở lại mắc sông.

Dư luận cần một câu trả lời chính thức của lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc tại sao hàng nghìn trường lại phải “tự nguyện“ tham gia khí không có tên trong dự án? Phải chăng sức ép của phong trào thi đua lập thành tích đổi mới. Phải chăng do có nguồn kinh phí thử nghiệm?

Tại cuộc họp báo của Bộ GD&ĐT năm 2016, các nhà báo đã chất vấn ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Giám đốc dự án VNEN rằng phải chăng dự án VNEN đã phá sản. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đỡ lời rằng “đây không phải trách nhiệm của cá nhân ai mà là trách nhiệm chung của chúng tôi”. Được biết các vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT tỏ ra không hài lòng khi nghe nhà báo nhấn mạnh việc thí điểm này đã biến học sinh thành… chuột bạch.

Người dân đặt câu hỏi việc Bộ GD&ĐT áp dụng ồ ạt mô hình VNEN ở các tỉnh, thành phố và khi dự án tiêu tốn hàng chục triệu đô la Mỹ kết thúc lại phân cấp địa phương “tự quyết” bỏ hay tiếp tục mô hình VNEN. Hàng nghìn tập thể giáo dục gồm nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh chờ câu trả lời về trách nhiệm trước thất bại của việc “nhập khẩu tiểu ngạch” mô hình VNEN. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VNEN thất thủ