Thị trường rớt điểm thẳng dốc cùng với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn bao trùm trên diện rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 22.04.2014
- Đà giảm điểm tiếp tục diễn ra trong phiên đầu tuần khi lực cầu tỏ ra thận trọng trong việc dò đáy. Theo đó, VN-Index giảm 1.27% về mốc 558.1 điểm, còn HNX-Index giảm 2.12% dừng ở 78.8 điểm. Các nhóm cổ phiếu theo Market Cap đều giảm điểm khá mạnh, trong đó nhóm VS-Small Cap giảm nhiều nhất với -1.9%, và giảm ít nhất là nhóm VS-Large giảm 0.54%.
- Ba nhóm ngành đi ngược xu hướng giảm điểm của thị trường là Ngân hàng (tăng 0.06%), Thực phẩm – Đồ uống (0.19%), Sản xuất Cao su (0.29%). Nhóm giảm điểm nhiều nhất là Chứng khoán (-4.37%) và Vận tải – Kho bãi (-4.1%). Các cổ phiếu thuộc nhóm Chứng khoản như BSI, HCM (sàn HOSE), APG, APS, HPC, VIG (sàn HNX) đều giảm sàn. Việc chốt lời mạnh ở nhóm cổ phiếu Chứng khoáng là điều dễ hiểu khi trước đó nhóm này vẫn duy trì được mức tăng điểm khá nhờ dòng tiền đầu cơ đổ vào liên tục.
- Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm gồm GAS, BID, VCB, VNM, FPT, BVH đã tác động giảm điểm lên VN-Index với mức giảm 0.64%, và PVS, ACB, SHB, KLS, PGS kéo HNX-Index giảm 0.68%, riêng PVS tác động giảm điểm 0.45% lên HNX-Index.
- Những cổ phiếu bị bán mạnh như FLC, ITA (sàn HOSE), PVX, SHB, KLS, SCR với khối lượng khớp lệnh từ 5 – 11 triệu cổ phiếu, trong đó FLC giảm điểm 5.5%, ITA giảm điểm 4.6%. Cổ phiếu có giao dịch tích cực nhất là VCG tăng 2.2% với khối lượng khớp lệnh 2.9 triệu cổ phiếu.
- Việc hai chỉ số thị trường chính giảm điểm liên tục khiến bên mua bắt đầu dè chừng hơn trong việc bắt đáy. Điều này thể hiện qua thanh khoản tiếp tục suy giảm trong phiên hôm nay. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 93.8 triệu đơn vị, giảm 12.0%, trong khi trên sàn HNX đạt 63.3 triệu đơn vị, giảm 4.6%. Khối lượng khớp lệnh trung bình 1 tháng qua trên sàn HOSE là 145.4riệu đơn vị và trên sàn HNX là 92.8 triệu đơn vị.
- Khối ngoại mua ròng phiên thứ 2 trên cả hai sàn với giá trị 103.1 tỷ đồng (sàn HOSE) và 39.3 tỷ đồng (sàn HNX).
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở GAS (17.1 tỷ đồng), VCB (10.4 tỷ đồng), KBC (8.3 tỷ đồng), DXG (8.0 tỷ đồng), PVT (7.6 tỷ đồng), trong khi họ bán ròng mạnh VIC (7.1 tỷ đồng), ITA (3.6 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhiều nhất ở VCG (19.8 tỷ đồng), PVS (11.4 tỷ đồng), DBC (2.4 tỷ đồng) và bán ròng nhiều nhất ở SHB (742 triệu đồng).
-Thị trường rớt điểm thẳng dốc cùng với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn bao trùm trên diện rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hi vọng của thị trường đang hướng về phía nhà đầu tư ngoại khi họ có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index – Thanh khoản giảm trở lại. VN-Index tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014. Sự lo ngại vẫn đang ở mức cao do hai yếu tố:
Chỉ báo MACD đã phá vỡ hoàn toàn ngưỡng zero-base. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng ngắn hạn có thể bị đảo ngược hoàn toàn trong thời gian tới khi mà hai đường +DI và –DI cũng đã cho bán mạnh trở lại.
Thanh khoản đã giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014. Khối lượng khớp lệnh hiện đang ở dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 124 triệu đơn vị). Điều này cho thấy nhà đầu tư không còn giao dịch mạnh và sôi động như giai đoạn trước do lo ngại rủi ro ngắn hạn, dù thị trường đã có đợt sụt giảm khá mạnh.
VN-Index đang về gần vùng mục tiêu giá (target price) của mẫu hình Head & Shoulders: vùng 540 – 550 điểm. Đường SMA 100 cũng đang hiện diện trong vùng này nên nếu VN-Index test vùng này thì việc bắt đáy ngắn hạn có thể thực hiện, với quan điểm cần nhanh chóng bán ra nếu vùng này bị phá vỡ hoàn toàn.
HNX-Index – Đang test lại ngưỡng Fibonacci Retracement 261.8%. HNX-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 261.8% (tương đương vùng 78.5 – 80 điểm). Nếu như ngưỡng này bị phá vỡ thì nguy cơ về lại vùng đỉnh cũ của tháng 06/2013 (vùng 65 – 69 điểm) là rất cao.
Nếu HNX-Index hồi phục trong những phiên tới thì nhóm MA ngắn hạn (tương đương vùng 84 – 86 điểm) sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh trong ngắn hạn.
Phân tích Market Strength
VS-Arms VN duy trì mức cao trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014 cho thấy bên bán chiếm ưu thế trở lại trong phiên này. Bên cạnh đó, EMA 5 ngày của VS-Arms VN vẫn đang cho thấy bên bán chiếm ưu thế rất lớn nên rủi ro của thị trường vẫn còn khá cao.
VS-LBR VN và EMA 5 ngày của VS-LBR VN tiếp tục đứng ở mức khá cao trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư lớn hoạt động khá tích cực trong ngắn hạn.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014, VS-NVI VN tiếp tục duy trì bên dưới EMA 5 ngày và EMA 20 ngày. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đang rút ra khỏi thị trường. Nếu tình trạng này không được cải thiện trong các phiên tới thì rủi ro sẽ tăng lên đáng kể.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng trong phiên giao dịch ngày 21/04/2014. Đường EMA 5 ngày của NetValForVN đã vượt lên trên đường zero-base và là tín hiệu giúp cải thiện khả năng hồi phục trong ngắn hạn.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 21.04.2014
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Nguyễn Quang Minh & Trịnh Thị Thu Hoa (Phòng Nghiên cứu Vietstock)