Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên trong bài phát biểu tại kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9.
Sáng nay (1/9), Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2021). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ kỷ niệm tại trụ sở Chính phủ.
Dự lễ kỷ niệm tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Cùng dự còn các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Dự lễ kỷ niệm tại 194 điểm cầu trên thế giới có các Đại sứ, Trưởng các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước.
Việt Nam với tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cách đây 76 năm, ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vững bước trên con đường Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã chọn, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và phấn đấu, trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ”.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực:
Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng nhanh; từ một nước nghèo, kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, giáo dục. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đảng Cộng sản ngày càng trong sạch, vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng cao. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được tăng cường. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” ngày càng được củng cố. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng và hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với GDP bình quân đầu người hơn 3.500 USD.
Nhấn mạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, như Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu ngày 19 tháng 6 năm 2021: “Việt Nam có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực”.
“Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn sự đồng hành, ủng hộ hiệu quả, thiết thực của các quốc gia, bạn bè, các tổ chức và cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay”, Thủ tướng phát biểu.
Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh bằng tất cả các biện pháp
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, làm suy thoái kinh tế toàn cầu; gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân… Bên cạnh đó là những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột tại nhiều khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số… Chúng ta đang đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.
Thủ tướng cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và với ý chí, tinh thần quật cường của cả dân tộc, Việt Nam đã và đang chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho Nhân dân. Phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lúc này, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, trong đó có người nước ngoài đang làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam.
“Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh bằng tất cả các biện pháp, đặc biệt là phải nhanh chóng có đủ vaccine và tiêm chủng nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, miễn phí cho toàn dân. Việt Nam cũng luôn đồng hành, chia sẻ và quan tâm tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà Chính phủ và nhân dân các nước đang gặp phải do đại dịch COVID-19 gây ra. Việt Nam hết sức trân trọng cảm ơn các quốc gia, bạn bè, tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; trong đó phải kể đến khối lượng lớn vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế mà Việt Nam đã nhận được.
Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên khắp thế giới được an toàn, mạnh khỏe. Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao những nghĩa cử vô cùng cao đẹp này, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc, sự đoàn kết bền vững giữa Việt Nam và bè bạn khắp năm châu.
Cho rằng đại dịch sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường, Thủ tướng nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hợp tác chặt chẽ rồi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa! đã gắn bó rồi phải gắn bó hơn nữa! đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa! cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá".
"Tôi tin tưởng và trân trọng đề nghị các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế, chia sẻ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị, và đặc biệt là sự hỗ trợ về vaccine, tiếp cận vaccine bình đẳng, giúp đỡ cho chúng tôi về vaccine một cách nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể vì với chúng tôi “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Đồng thời, mong muốn các bạn tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác về giao thông, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các nước, không để bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu”, Thủ tướng bày tỏ.
Sự ổn định và phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với khu vực và thế giới
Thủ tướng cho biết, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn từ nay tới năm 2025, năm 2030 và nhất là tới năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được để phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đặc biệt, xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Sự ổn định và phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đồng thời, Việt Nam mong muốn cùng chung tay giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập quốc tế, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn.
Khẳng định Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình, Thủ tướng thông tin, từ đầu năm đến nay, các nhà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tham dự, phát biểu tại trên 50 Hội nghị cấp cao trực tuyến và các cuộc điện đàm với Lãnh đạo nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực. Hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao, tiếp tục được chú trọng, tập trung thảo luận, thống nhất về những vấn đề hệ trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới và tại khu vực, trong đó có hợp tác đối phó với dịch bệnh COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề già hóa dân số. Đây là những vấn đề toàn cầu nên chúng ta cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ: “Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất thấu hiểu những khó khăn, xáo trộn trong công việc và cuộc sống của quý vị tại đất nước chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết cũng như vai trò quan trọng của quý vị trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa Việt Nam với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế. Thông qua quý vị, tôi xin gửi tới Lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế lời chào trân trọng, lời cảm ơn chân thành, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi mong sớm có dịp làm việc, trao đổi về những vấn đề chúng ta cùng quan tâm; vì hòa bình, hợp tác và phát triển, vì lợi ích và phồn vinh, hạnh phúc của các dân tộc trên toàn thế giới”.
Người Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”; thử thách này sẽ rèn luyện bản lĩnh của chúng ta. Lịch sử đã chứng minh, trong khó khăn, thách thức và gian nan, tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ quốc tế là liều thuốc quý để chúng ta cùng nhau đi qua dịch bệnh và tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều hơn nữa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại phát triển kinh tế của toàn cầu và trong khu vực.
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19; bình minh của cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại. Trong không khí trang trọng, thân tình, hoà chung niềm vui “Tết Độc lập” với Nhân dân Việt Nam kỷ niệm trọng thể 76 năm Quốc khánh, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau một lần nữa khẳng định nỗ lực vì một thế giới hoà bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng! Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam! Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức và bạn bè quốc tế!”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là đối tác quan trọng trên thế giới
Phát biểu trực tuyến tại lễ kỷ niệm, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao, thay mặt Đoàn ngoại giao gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đại sứ khẳng định: Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình hơn 7 thập kỷ trước đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới trên con đường phát triển. Đã 76 năm trôi qua, dấu mốc ấy vẫn luôn là nguồn sáng, nguồn cảm hứng vẹn nguyên giá trị. Đất nước Việt Nam có quyền tự hào vì những nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ vững lý tưởng về Độc lập, Tự do và Hạnh phúc trước vô vàn thách thức của thời đại.
Trưởng Đoàn Ngoại giao chúc mừng Việt Nam trước thành công tốt đẹp của hàng loạt sự kiện trọng đại: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bầu ban lãnh đạo mới... Ở bình diện quốc tế, những kết quả đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là cơ sở quan trọng để hiệp hội triển khai các mục tiêu và chương trình hành động vì sự phát triển lớn mạnh, xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực cho các cơ chế hợp tác đa phương và đang đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cất lên tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề vì hòa bình, công bằng cho mọi dân tộc thế giới. Thành công của Việt Nam trong hành trình phát triển, đặc biệt là nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 để “không ai bị bỏ lại phía sau” đã củng cố lòng tin của nhân dân với chính phủ và nhà nước, và cũng là cơ sở để các quốc gia, các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác, gửi gắm niềm tin khi Việt Nam đã dần khẳng định mình là điểm đến hấp dẫn, là đối tác quan trọng trên thế giới.
Đại sứ khẳng định Đoàn ngoại giao luôn sẵn sàng và quyết tâm tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố và thúc đẩy và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, hướng đến mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.