Sau những diễn biến vừa qua, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đưa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc.
Đó là nhận định của nhiều luật gia, chuyên gia xung quanh sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam.
Giàn khoan khổng lồ HD 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biên của Việt Nam
Việt Nam hoàn toàn có thể giành thắng lợi khi khởi kiện
Trong quá trình giải quyết các tranh chấp về biển Đông, Việt Nam đã thể hiện thiện chí qua các cơ chế song phương (mới đây nhất là bằng 2 thỏa thuận cấp cao vào năm 2013 tại Bắc Kinh và Hà Nội) và đa phương (ASEAN - DOC). Tuy nhiên, phía Trung Quốc thỏa thuận một đằng, làm một nẻo. Vụ giàn khoan HD 981 chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình mới - giai đoạn thứ sáu của việc Trung Quốc xâm chiếm khu vực biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Đó là hành động quân sự kết hợp thăm dò khai thác; liên quan đến mưu đồ kiểm soát tất cả các vùng biển và lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam trong “đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra. Đây là mưu đồ lâu dài, vì vậy, ngoài các biện pháp đấu tranh về ngoại giao, tuyên truyền thì việc chúng ta đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc là thích hợp.
Về cơ sở pháp lý để thắng kiện, chúng ta có đầy đủ, bởi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc đã xâm phạm lâu nay, làm rõ được đúng - sai trong vấn đề biển Đông.
Luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khẳng định, Việt Nam đang nắm giữ thế mạnh về pháp lý, do đó chúng ta hoàn toàn có thể giành thắng lợi nếu kiện Trung Quốc về việc họ đã giải thích và vận dụng sai Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Ông Trục cho biết, căn cứ vào Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 với tất cả những quy định, tiêu chuẩn cụ thể trong việc cho phép các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc Trung Quốc đưa giàn khoan đặt sâu vào thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm Công ước Luật Biển 1982, là sự vận dụng có ý đồ của Trung Quốc nhằm lợi dụng Công ước để biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, biến vùng chủ quyền của Việt Nam thành vùng tranh chấp.
Tuy nhiên, để có thể chắc thắng, theo ông Trục, trước mắt chúng ta có thể kiện lên các cơ quan tài phán về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai Công ước Luật Biển năm 1982.
Việt Nam có thể kiện ra Tòa án nào?
Theo một số nhà phân tích, khi khởi kiện, chúng ta cần phải lường hết các khả năng. Trước mắt, quan hệ với Trung Quốc sẽ căng thẳng, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cấm vận kinh tế, về ngắn hạn sẽ gây không ít khó khăn, nhưng về trung và dài hạn thì sẽ có lợi cho Việt Nam. Cụ thể là chúng ta có điều kiện tái cơ cấu kinh tế và cải tiến các mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác thị trường theo những hướng mới. Nền kinh tế Việt Nam sẽ độc lập, tự chủ và lành mạnh hơn. Khi ấy, doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Việt Nam cũng thiệt hại không nhỏ.
Bài học từ Philippines cho thấy, sau 2 năm Trung Quốc cấm vận, kinh tế Philippines không bị thiệt hại gì nhiều, hiện nước này đã lấy lại thăng bằng và phát triển tốt, thậm chí năm vừa rồi là tốt nhất Đông Nam Á. Sau khi Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc đã tìm cách đấu dịu và đề nghị các giải pháp thỏa hiệp để Philippines rút đơn kiện nhưng quốc gia này không chấp thuận.
Về mặt chính trị thì Trung Quốc thiệt hại lớn vì xung đột với Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách láng giềng “ngoại giao quyến rũ” của họ, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án lớn với ASEAN. Bắc Kinh phải cân nhắc điều này. Hơn nữa, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việc kiện ra Tòa án quốc tế cũng là một cách giải quyết hòa bình, văn minh...
PGS-TS Trần Nam Tiến -Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho rằng, việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc (tháng 1/2013) để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa hai nước có giá trị tham khảo rất cao cho Việt Nam.
Theo Phụ lục VII - Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS) về quá trình vận hành của Tòa trọng tài, nếu Trung Quốc từ chối tham gia cũng sẽ không thể ngăn cản hoặc ảnh hưởng đến quyết định của Tòa. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia và khẳng định chủ quyền biển đảo chính đáng của mình trước Trung Quốc.
Hiện các phán quyết của Tòa trọng tài không có biện pháp bảo đảm thực thi và chỉ có phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế mới bảo đảm thực thi. Tuy nhiên, cái lợi mà Việt Nam đạt được chính là đã chủ động đưa Trung Quốc lên bàn cân công lý. Các hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ bị công khai hóa, hình ảnh nước lớn tổn hại nghiêm trọng. Trong khi vụ kiện với Philippines đang đi vào giai đoạn then chốt, Trung Quốc đang hết sức lúng túng, nỗ lực của Việt Nam có thể góp phần tạo sức ép đối với Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Tp. Đà Nẵng cho hay: Có 2 Tòa có thể giải quyết các vụ kiện này. Thứ nhất là Tòa án Công lý quốc tế, chúng ta kiện về tự do hàng hải. Thứ hai, chúng ta dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để kiện Trung Quốc ra Tòa gọi là Tòa án quốc tế về Luật Biển.
GS Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ cho rằng, Việt Nam nên đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc vì dẫu là Hoàng Sa đang dưới sự kiểm soát của Trung Quốc đi nữa thì đảo Tri Tôn chỉ có 12 dặm lãnh hải. Và Việt Nam nên đem Trung Quốc ra Toà án Công lý quốc tế (International Court of Justice) vì Trung Quốc mới gây tổn hại cho phía Việt Nam trong những ngày qua, cũng như thương vong khi chiếm Hoàng Sa...
Ngoài ra, Việt Nam phải mạnh dạn ủng hộ việc kiện của Philippines, vì việc kiện này có liên quan lớn đến “đường lưỡi bò” và lợi ích của Việt Nam, do Việt Nam có lãnh hải và lãnh thổ dài nhất ở khu vực biển Đông.
Trung Phương