Tháng 5 vừa kết thúc cùng với dư âm của niềm vui về những thành công to lớn Việt nam dành được trong lĩnh vực đối ngoại khi có tới 3 sự kiện nổi bật mang tính bước ngoặt, thực chất và hiệu quả trên cả hai bình diện song phương và đa phương.
Đó là, hai chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ thăm Nga, tham dự cuộc gặp gỡ cấp cao Nga-ASEAN; thăm Nhật Bản và tham dự phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng; cùng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Việt-Nhật: Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng qua việc nhất trí nhiều phương hướng, biện pháp cụ thể
Việc Việt Nam lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện đường lối nhất quán coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật. Trên thực tế, Nhật Bản cũng hết sức coi trọng chuyến thăm này. Thủ tướng Shinzo Abe đã dành sự đón tiếp trọng thị, với nghi lễ đón chính thức cùng nhiều cử chỉ lễ tân vượt thông lệ khác đối với Đoàn Việt Nam.
Thủ tướng Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản
Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước; nhất trí trao đổi để thống nhất các biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, viện trợ phát triển chính thức (ODA); hai bên đã đạt kết quả nổi bật về hợp tác ứng phó với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, y tế và giao lưu nhân dân; nhất trí hợp tác chặt chẽ về các vấn cùng quan tâm tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đồng thời chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông, nhất trí về lập trường giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được các nước ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các nước G7 và G7 mở rộng, các tổ chức quốc tế hàng đầu trong khu vực và thế giới để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm. Tại các cuộc trao đổi song phương, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đổi mới, cải cách kinh tế và đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và được các đối tác ủng hộ việc tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021; ủng hộ Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nỗ lực chung của khu vực và thế giới trong đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không và môi trường ổn định, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Việt-Nga: Quan điểm phù hợp lợi ích địa chính trị-kinh tế của ASEAN
Sochi là cuộc gặp gỡ cấp cao lần thứ ba giữa ASEAN và Nga thực hiện theo sáng kiến của Tổng thống Nga V. Putin. Các văn kiện đưa ra tại cuộc gặp cấp cao Sochi đánh giá tích cực các thành tựu sâu rộng đạt được trong 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế-thương mại, văn hoá, giao lưu nhân dân và hợp tác phát triển, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ cũng như hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Khuyến khích sự can dự của Nga vào các công việc Đông Nam Á/Biển Đông là có lợi cho ASEAN đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc. Tại Tuyên bố Sochi, các nhà Lãnh đạo ASEAN-Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích chung của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các tiêu chuẩn và thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga V. Putin diễn ra trong không khí hữu nghị, tin cậy và cởi mở
Việt Nam là đối tác lâu đời và quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á/ASEAN. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tham dự sự kiện ASEAN-Nga tại Sochi góp phần xứng đáng vào kết quả của Hội nghị. Cụ thể, Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều ý kiến để quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ ASEAN-Nga ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng lợi ích của 2 bên và phù hợp với thế mạnh của cả Nga và ASEAN. Đặc biệt, trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên Toàn thể của Hội nghị đã tập trung nêu các lĩnh vực cần ưu tiên trong quan hệ đối tác ASEAN-Nga, đồng thời nêu ra sáng kiến hợp tác cụ thể về hợp tác chính trị-an ninh, nhất là trong các lĩnh vực an ninh biển, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia… Sáng kiến của Việt Nam về việc Nga và ASEAN xem xét tổ chức định kỳ, có thể là hàng năm, triển lãm kinh tế-thương mại ASEAN-Nga tại Nga đã được các nước quan tâm.
Có thể thấy, những thỏa thuận Sochi phản ánh rõ nét quan điểm của Việt Nam, phù hợp với lợi ích địa chính trị-kinh tế của ASEAN và Nga, cũng như lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển tại Đông Nam Á. Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trên cả bình diện song phương và đa phương, thể hiện tinh thần tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của ASEAN, thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-Nga.
Việt-Mỹ: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bằng việc tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, sâu sắc
Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, lợi ích chung giữa hai bên tiếp tục được mở rộng, quan hệ đối tác được nâng cấp và ngày càng đi vào chiều sâu. Những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được chỉ 10 tháng sau chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai phía và chủ trương đúng đắn của Việt Nam về việc “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với Tổng thống Obama trong cuộc Hội đàm tại Nhà trắng vào tháng 7/2015.
Bên cạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học–công nghệ, y tế, ngoại giao nhân dân, quyền con người, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, hai bên nhất trí cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế. TPP mang ý nghĩa của một liên minh kinh tế; Tổng thống Mỹ một lần nữa cam kết Mỹ “sẽ tiếp tục nỗ lực để giải phóng tối đa tiềm năng của nền kinh tế của Việt Nam thông qua TPP”.
Nhiều văn kiện hợp tác song phương giữa hai nước đã được ký kết trước sự chứng kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama
Việt-Mỹ cũng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước; đã ký Ý định thư thành lập Nhóm Công tác về Sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo. Hai bên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, cũng như duy trì các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông; kêu gọi phi quân sự hóa và kiềm chế trong xử lý các tranh chấp.
Đặc biệt, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Như vậy, tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh đã được bãi bỏ. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Thư thỏa thuận về hỗ trợ trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp. Hai bên cũng nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển, cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cao hơn cho hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh. Tổng thống Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa sau khi hai bên đã thành công trong dự án tương tự ở Sân bay Đà Nẵng; cũng như trong vấn đề rà phá bom mìn.
41 năm kết thúc chiến tranh, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Với quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam- Hoa Kỳ đã trở thành “đối tác toàn diện”. Bước đi này càng làm tăng vị thế của Việt Nam trên thế giới, không chỉ về chính trị mà còn phát triển kinh tế. Đặc biệt những thiện cảm, ủng hộ của người dân hai nước đối với mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ sẽ là một trong những nền tảng quan trọng nhất giúp mối quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc, mạnh mẽ trong tương lai vì lợi ích chính đáng của hai dân tộc, góp vào hòa bình ổn định của khu vực và thế giới.