Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: Tìm thời điểm thích hợp kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất.
Việt Nam đang xem xét thời điểm phù hợp để kiện Trung Quốc
Trong cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 3/7 tại Hà Nội, bên cạnh việc thông tin về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã dành phần lớn thời gian để trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến tình hình, diễn biến tại Biển Đông thời gian qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khởi kiện Trung Quốc sẽ diễn ra vào thời điểm nào, ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông. Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh được Hiến chương của Liên Hợp Quốc ủng hộ, vì vậy, Việt Nam không loại trừ sử dụng các biện pháp pháp lý. Như các lãnh đạo của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm.
Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định: Thời điểm thích hợp là thời điểm sẽ mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Tổng Bí thư: “Ngư dân còn bám biển là Tổ quốc còn chủ quyền”
Ngày 3/7, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra thăm huyện đảo Phú Quý. Tổng Bí thư mong rằng huyện Phú Quý cần tiếp tục phát huy thế mạnh vươn khơi, bám biển, trong đó nhấn mạnh: “Đánh bắt xa bờ là chủ trương chiến lược. Muốn đánh bắt xa bờ tốt phải có phương tiện tốt, tổ chức công việc tốt, tổ chức hợp tác liên doanh, có nghiệp đoàn, có chế biến, có dịch vụ đi kèm, tổ chức tốt thì mới làm được. Đánh bắt xa bờ phải kết hợp với bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư trường của chúng ta”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà ngư dân Phú Quý (Ảnh: Vũ Duy)
Trước đó, trong 2 ngày 30/6 và 1/7, tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chia sẻ những ý kiến cử tri trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tổng Bí thư cũng cho biết chúng ta phải đấu tranh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp trên nhiều mặt với tinh thần bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, kiên quyết, kiên trì, phát huy sức mạnh tổng hợp, chứ không thể nhấn mạnh một việc nào. "Nếu sai một ly đi một dặm”.
Chủ tịch nước thăm và động viên lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân
Ngày 1/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm, tặng quà và động viên các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao những hoạt động của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam trong 2 tháng qua, đồng thời, lưu ý đây là công việc hết sức nặng nề và mang tính chất phức tạp, lâu dài, do đó các lực lượng phải chủ động chuẩn bị mọi phương án để trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên gia đình ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa (Ảnh: Hoàng Dũng)
Tiếp đó, ngày 2-3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vào Đà Nẵng, trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con ngư dân và Chi đội Kiểm ngư số 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng 2 cùng các cán bộ chiến sĩ tàu cảnh sát biển 2012, 2015 vừa trở về từ hiện trường đấu tranh phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của nước ta.
Thủ tướng: Kiên quyết không chấp nhận sự đe dọa, áp đặt nào
Chiều 2/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận Ngô Quyền. Liên quan đến vấn đề Biển Đông được nhiều cử tri quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam chúng ta chịu quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ta tha thiết, mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với tất cả các nước, với tất cả các quốc gia để xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở đảm bảo độc lập, tự chủ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kiên quyết, khẳng định không chấp nhận, không khuất phục một sự đe dọa, một sự áp đặt, một sự lệ thuộc nào. Chúng ta đã làm như vậy, đang làm như vậy và sắp tới tiếp tục làm như vậy”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, Hải Phòng (Ảnh: N.B)
Đánh giá các nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc
Trong hai ngày 30/6 và 1/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với lãnh đạo tất cả các địa phương nhằm đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, đồng thời xác định các biện pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhất quán trong 6 tháng cuối năm nay.
Phát biểu kết luận phiên họp, trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới và trước việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương bám sát tình hình, dự báo mọi tình huống trên tất cả các lĩnh vực để chủ động tính toán các biện pháp, phương án cụ thể ứng phó, xử lý kịp thời và hiệu quả trong bất cứ tình huống nào.
Trung Quốc cũng phải lệ thuộc vào kinh tế Việt Nam
Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” ngày 3/7, bài phát biểu của TS Lê Đăng Doanh có nhiều điểm khá thẳng thắn, đáng chú ý. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam “đang có và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc vì đó là công xưởng của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.
“Không nên than phiền việc chúng ta là láng giềng của Trung Quốc. Nếu ta ở giữa Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế thế này thì chẳng ai quan tâm? Thế giới quan tâm vì chúng ta nằm ở phía nam Trung Quốc, độc lập với Trung Quốc và vị trí địa chính trị rất thuận lợi, quan trọng. Chúng ta phải tận dụng lợi thế này chứ không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc và bị chơi xấu. Đúng là anh bạn này chơi xấu thật nhưng chúng ta phải biết tìm cách phát huy lợi thế” - ông Doanh nói.