Xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Brazil tăng mạnh trong quý I/2022. Brazil là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,7 tỉ USD, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 533,2 triệu USD, tăng 3,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,175 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong năm 2022 tăng trưởng rất mạnh. Chỉ tính riêng quý I/2022, một số mặt hàng xuất khẩu có tỉ lệ tăng vọt.
Cụ thể, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 242,4 nghìn USD, tăng 333%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 609,79 nghìn USD, tăng 25,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 40,58 triệu USD, tăng 52,93%; hàng thủy sản đạt 32,16 triệu USD, tăng tới 73%; cao su đạt 6,85 triệu, tăng 66,81%, điện thoại các loại và linh kiện đạt 191 triệu USD, tăng 39,54% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á.
Trong 2 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Brazil vẫn có sự tăng trưởng, doanh nghiệp hai bên vẫn còn nhiều cơ hội nâng cao kinh ngạch thương mại trong thời gian tới vì cơ cấu hàng hóa trong trao đổi giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa 2 nước vẫn còn khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 1,4% nhu cầu nhập khẩu của Brazil. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như da giày, quần áo chỉ đáp ứng khoảng 6-7% nhu cầu tiêu thụ của Brazil. Vì vậy, Brazil vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.
Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Brazil, tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Brazil, ông Ngô Xuân Tỵ khẳng định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu, tiếp đó mẫu mã bao bì phải phù hợp thị hiếu tiêu dùng, giá thành cạnh tranh. Đặc biệt, trên bao bì sử dụng ngôn ngữ Brazil là một yếu tố quan trọng, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm thuận lợi hơn.
Cùng đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Brazil là một kênh tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm tốt. Thương vụ Việt Nam tại Brazil sẽ tổng hợp thông tin về các hội chợ chuyên ngành phù hợp với từng nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để cung cấp cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, tiếp cận thị trường là cả hành trình dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị, đầu tư và đi sớm một bước mới có thể "chớp" các cơ hội tốt. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam có thể gia tăng thị phần khi nhu cầu tiêu dùng rất cao và Brazil không phải là thị trường khó tính.