Ước tính hiện nay tại Việt Nam có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
"Sát thủ thầm lặng"
Ngày 13/5, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế phòng chống tăng huyết áp (17/5) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ước tính hiện nay tại Việt Nam có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ. Điều đáng lo ngại là trong số người mắc bệnh tăng huyết áp, có tới 60% chưa phát hiện được bệnh và hơn 80% chưa được điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra huyết áp tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế phòng chống tăng huyết áp
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân và không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng.
Bệnh tăng huyết áp thường tiến triển trong thầm lặng, nhiều trường hợp tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt. Thực chất các biến chứng lên các cơ quan đích như tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn…vẫn đang âm thầm xảy ra và ngày một nặng dần mà người bệnh không cảm nhận được.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tăng huyết áp có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, ăn mặn, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.
Xu hướng ngày càng trẻ hóa
Theo ông Jun Nakagawa - Phó Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp ở người 25-64 tuổi năm 2015 tăng 30% so với năm 2016.
Tại Hà Nội, theo điều tra năm 2016 về các yếu tố và hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho kết quả: 15,16% người dân trong độ tuổi từ 18 - 69 bị tăng huyết áp, trong đó tỷ lệ nam giới mắc là 21,25% cao hơn nữ giới là 9,6%, đặc biệt tỷ lệ gặp cao hơn đối với nhóm tuổi từ 45 – 69 (27%), đồng thời nguy cơ cũng gặp nhiều hơn ở nhóm người có tiền sử uống rượu bia, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực và có chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Người dân Hà Nội tham gia kiểm tra huyết áp ngay sau lễ mít tinh
Gánh nặng bệnh tật của tăng huyết áp ở các nước đang phát triển đang tăng lên. Tổn thất kinh tế gây ra bởi các vấn đề liên quan đến tăng huyết áp do giảm năng suât lao động và chi phí y tế rất cao. Điển hình như số tổn thất hàng năm do bệnh không lây nhiễm xấp xỉ khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội.
Tăng huyết áp dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa…. ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy người dân cần tích cực phòng chống bệnh tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Đối với cộng đồng, Bộ Y tế kêu gọi: để dự phòng tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia. Thực hiện những hành vi nêu trên sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư".
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp xây dựng và thực thi các chính sách, qui định về kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác. Trong đó, thực hiện hiệu quả việc phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, xây dựng các mô hình nâng khuyến khích vận động thể lực, cao sức khỏe cộng đồng.
Ngày tăng huyết áp (THA) thế giới ra đời là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống THA trong cộng đồng. Hội THA quốc tế (International Society of Hypertension), kết hợp với Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã có sáng kiến lấy ngày 17/5 hàng năm là ngày THA thế giới (World Hypertension Day) từ năm 2005. Với mục tiêu tạo ra một phong trào mạnh mẽ trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bệnh, cách phòng chống, điều trị và các biến chứng nguy hiểm gây ra bởi THA. Thông điệp qua mỗi năm đưa ra rất đơn giản nhưng có ý nghĩa thiết thực và to lớn trong phong trào phòng chống THA. Kể từ năm 2015, và trong 5 năm tiếp theo, chủ đề chính (khẩu hiệu) của ngày THA thế giới là “Hãy biết con số huyết áp của bạn” (Know your blood pressure). |