Gần 2 tuần sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế có hướng dẫn công bố dịch tay chân miệng (bên cạnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đến nay ngoài tỉnh Ninh Thuận, vẫn chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch dù hướng dẫn của Bộ Y tế khá đầy đủ, cụ thể.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số bệnh nhân mắc và tử vong vì bệnh tay chân miệng của năm 2011 đã vượt gấp 9-10 lần so với các năm trước. Dịch tay chân miệng xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2003 và từ đó đến nay, chưa có năm nào ghi nhận số mắc và tử vong lớn như năm nay. So với năm 2010, số mắc của năm 2011 đã tăng gấp 9 lần (với khoảng gần 21.000 trường hợp), số tử vong tăng hơn 10 lần (153 trường hợp tử vong so với 14 trường hợp tử vong của năm 2010).
Tính đến nay, mới chỉ có Ninh Thuận công bố dịch (khi số mắc tính từ đầu năm tới tháng 11-2011 là gần 500 ca, 3 trường hợp tử vong và diễn biến bệnh vẫn phức tạp. Năm 2010, cả tỉnh chỉ có 183 trường hợp mắc bệnh).
Ngoài Ninh Thuận đã công bố dịch, cả nước có một số địa phương có tỷ lệ mắc/số dân rất cao như: Quảng Ngãi: 524 bệnh nhân/100.000 dân; Bà Rịa - Vũng Tàu: 308 bệnh nhân/100.000 dân; Đồng Tháp: 314 bệnh nhân/100.000 dân. Tuy số mắc cao như vậy nhưng lãnh đạo các địa phương này đều cho rằng “chưa đến mức báo động”.
Khám, điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi nhận được hướng dẫn công bố dịch của Bộ Y tế, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị, trung tâm nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, hiện dịch tay chân miệng tại Hà Nội hiện chưa có gì đặc biệt. Tổng số mắc của Hà Nội là tương tự các tỉnh có số mắc trung bình trong cả nước song số mắc/100.000 dân của Hà Nội đứng thứ 55 trong tổng số 63 tỉnh, thành đã có dịch. Với lý do này, Hà Nội chưa cân nhắc đến việc có công bố dịch tay chân miệng hay không. Nhất là trong 6 tuần qua, số ca mắc tại Hà Nội không có đột biến, có xu hướng giảm nhẹ.
Tại Hòa Bình, một trong những địa phương có số mắc tay chân miệng tương đối cao so với các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng chưa công bố dịch. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2.272 người ở 180 xã mắc bệnh tay, chân, miệng, riêng trong tuần qua đã ghi nhận thêm 106 ca mắc bệnh mới. Tuy số mắc vẫn gia tăng nhưng lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình nhận định số tăng không nhiều. Hơn nữa, hiện nay, tất cả các trường hợp mắc bệnh đã được điều tra, không có người bệnh độ 2 trở lên. Vì thế quy mô, tính chất dịch bệnh vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát, toàn bộ diễn biến dịch vẫn chưa đạt đến ngưỡng cần phải công bố dịch.
Sở Y tế Thanh Hóa cũng cho rằng, chiếu theo những thông tin trong bản hướng dẫn công bố dịch mà Bộ Y tế mới ban hành thì diễn biến dịch tại tỉnh Thanh Hóa cũng chưa đến mức phải công bố thành dịch. Tính đến cuối tháng 11-2011, tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn đã được kiểm soát. Trước kia, tỉnh ghi nhận 100 ca mắc mới/ngày thì giờ chỉ dao động khoảng 10 ca/ngày. Như vậy là số mắc mới cũng đã giảm rõ rệt.
Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong số 10 địa phương có số người mắc bệnh cao so với tổng số dân cũng chưa công bố dịch. Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Xét theo quy định công bố dịch bệnh và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì tỉnh vẫn chưa đủ các yếu tố để công bố dịch tay chân miệng. Ngoài việc dịch bệnh xảy ra ở 100% số huyện ra thì dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương, chưa có yếu tố bất thường…Mặt khác, số ca mắc cũng đang giảm dần trung bình chỉ còn 15 ca/ngày (trước đây cao điểm có lúc từ 70-80 ca/ngày)".
Tại một "điểm nóng" khác của dịch tay chân miệng là TP.HCM thì dịch vẫn diễn biến phức tạp trong tháng 11 nhưng chiểu theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì TP.HCM cho biết vẫn chưa đến mức phải công bố dịch. Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 11 (tính đến ngày 25-11) đã tăng 130 ca so với tháng trước, lên đến 1.432 ca. Trong đó, có thêm 3 ca tử vong vì bệnh tay chân miệng chỉ trong nửa đầu tháng. Tính chung từ đầu năm đến nay, TP.HCM có tổng số 11.427 ca mắc tay chân miệng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với 30 ca tử vong...
Trước tình hình này, TS Viên Quang Mai, Viện phó Viện Pasteur Nha Trang cho rằng, việc công bố dịch vẫn rất cần thiết, nhất là với những tỉnh khu vực miền Bắc- nơi đang có số người mắc mới gia tăng. Vì vậy, Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Riêng tại khu vực miền Trung dù dịch bệnh có giảm nhưng không vì thế mà y tế địa phương và người dân được lơ là.
Lan Phương (tổng hợp)