Mỗi khi nhắc đến những người lính biên phòng, tôi thường nghĩ tới những dòng sông...
Với gần 400 con sông được định tên trên toàn cõi Việt Nam, mỗi dòng chảy cứ lặng lẽ bắt nguồn từ biên giới, vượt qua thác ghềnh, qua châu thổ rồi hiền hòa tan chảy vào biển Đông rộng lớn. Ở nơi đầu nguồn hay phía hạ lưu của những con sông ấy, vẫn luôn có dáng đứng kiêu hãnh và bóng áo xanh của những người chiến sĩ biên phòng.
Sinh ra từ vùng chiến địa
Trong số những người lính mang quân hàm xanh ấy, nhiều người ấp ủ trong ký ức hình dáng của bến sông tuổi thơ để yêu hơn những thác ghềnh dữ dội nơi biên giới. Có một vị tướng đã mang tình yêu dành cho dòng Kiến Giang hiền hòa để “gặp quê hương trên mọi quê hương”, để yêu đến thiết tha những dòng sông biên giới. Kiến Giang trong ông không chỉ là dòng sông của quê hương mà còn là dòng sông của tình thương, tình yêu và tình bè bạn, là thứ tình cảm thiêng liêng và gần gũi nhất để những ai dù có đi đâu xa lắm cũng phải nhớ về. Ông là Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP, người con của Phan Xá, Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Trong khi mọi các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam thì dòng Kiến Giang lại chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc về phía Phá Hạc Hải rồi hợp lưu với Nhật Lệ đổ ra cửa biển Đồng Hới nên được gọi là “nghịch hà”. Sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn lao sầm sập về xuôi, đến một vách núi dựng đứng thì ghìm dòng chảy lại tạo nên Trốc Vực, có nghĩa là nơi sâu nhất. Qua khỏi Trốc Vực, dòng nước lại hiền hòa ôm lấy những xóm làng, đồng ruộng. Với người dân Lệ Thủy, dòng Kiến Giang là một sản phẩm đơn giản, mộc mạc mà tạo hoá ban tặng. Dòng sông đã chứng kiến sự sinh ra và lớn lên của những nhân vật nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp…
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc kiểm tra Đồn Biên phòng Nhà Mát
Tìm lại cội nguồn cha ông thủa trước, lại nghe đâu đây tiếng sông Gianh than thở về một thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Gia phả của Thiếu tướng Lê Thái Ngọc có chép rằng, tương truyền, dòng họ Lê ở làng Phan Xá, xã Xuân Thủy, Lệ Thủy hiện nay là hậu nhân của những người thợ lành nghề được đưa từ tổng Thanh Hóa vào vùng đất chiến địa này để rèn vũ khí cho quân triều đình. Rồi những người thợ tài hoa ấy đã sâu rễ, bền gốc nơi đất mới để lập làng, sinh cơ lập nghiệp. Nghề rèn truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận bây giờ.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, vùng đất bên sông Kiến Giang ấy vừa là pháo đài, trận địa, vừa là nông trường lớn trong phong trào “Gió đại phong” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thân phụ của Thiếu tướng Lê Thái Ngọc – cụ Lê Thái Bổng không chỉ là thợ bậc cao trong các ngành rèn, hàn, tiện… mà còn có óc sáng tạo, khả năng dám nghĩ, dám làm khi chế tạo “Thủy phi cơ” và súng săn bằng chính lò rèn giản đơn của công xưởng và những đôi tay thợ săn chắc, tài hoa. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia du kích thôn, nhiều lần quần nhau với lính lê dương trên bến sông làng mình. Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, mặc dù mang trọng trách lãnh đạo nhà máy 3 -2 và nhà máy 2 - 9 của tỉnh Quảng Bình nhưng cụ vẫn hăng hái tham gia đội tự vệ bắn máy bay, bảo vệ cho vùng trời, vùng biển của quê hương được bình yên.
Có cảm giác cái tư duy nhạy bén, dám nghĩ những điều chưa ai từng nghĩ, dám làm những điều chưa ai từng làm của người cha đã di truyền sang người con trai đầu lòng Lê Thái Ngọc. Nhưng trong câu chuyện của mình, vị tướng này lại nhắc đến mẹ thật nhiều với một sự trìu mến hiếm có. Cũng dễ hiểu thôi bởi cha ông thoát ly từ khi ông còn rất nhỏ, một mình mẹ tảo tần hôm sớm nuôi dạy đàn con thơ dại giữa lúc quê nhà xao xác bởi đạn bom. Khi cái chân biết chạy nhảy, chơi đùa, cái miệng biết hát điệu hò khoan Lệ Thủy, cậu bé Lê Thái Ngọc đã tự giác nhận về mình những việc nhỏ trong nhà, chăm giữ ba đứa em thơ để đôi vai gầy của mẹ bớt đi gánh nặng. Lớn hơn một chút thì theo người làng lên rừng lấy củi, đêm ra ruộng mò tôm cá. Rồi giữa lúc chiến tranh ác liệt, dù đang học năm cuối phổ thông, Lê Thái Ngọc đã xung phong đi bộ đội giải phóng miền Nam.
Tôi rèn trong binh lửa
Biển Bạc Liêu đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của người lính trẻ Quảng Bình. Vùng biển ấy mỗi năm bồi ra thêm 200m, đồn Nhà Mát khi xưa sau gần 40 năm đã lùi sâu vào gần 2km so với vị trí xây đồn mới, nhưng tình cảm của những bà mẹ Vĩnh Lợi năm nào dành cho đứa con Lê Thái Ngọc vẫn không phai nhạt.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc (bên trái) tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân"
Ngược chiều thời gian nhìn lại để thấy tình hình miền Nam sau giải phóng hết sức phức tạp. Người lính ấy nhớ mãi những kỷ niệm trên đường hành quân vào Bạc Liêu, khi vào nghỉ tại một trường học ở trung tâm thị xã thì ngay đêm ấy, đoàn đã bị một nhóm tàn quân ngụy tập kích nhằm tiêu diệt quân giải phóng. Bị phục kích bất ngờ, Lê Thái Ngọc cùng đồng đội lập tức triển khai đội hình chiến đấu, yểm trợ cho nhau để dồn kẻ địch phải rút lui.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy Bộ đội Biên Phòng
Thời điểm ấy, mỗi đội biên chế từ 15 đến 20 người được phân về các đơn vị Nhà Mát, Cái Cùng, Ghành Hào… để tạo bộ khung chính cho các đồn, trạm thành lập sau giải phóng. Về nhận nhiệm vụ tại đồn Công an nhân dân vũ trang Nhà Mát, xã Vĩnh Lợi, dù mới 17 tuổi, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao cho Lê Thái Ngọc lại không hề đơn giản đối với một tân binh. Đối tượng tiếp xúc và cảm hóa của người chiến sĩ trẻ ngày ấy thực sự rất đa dạng và phức tạp về tâm lý cũng như hành động. Họ là những sĩ quan ngụy hoặc các đối tượng thân cận với chế độ cũ được chế độ mới lưu dung (sử dụng lại). Thời gian công tác tại Đồn Nhà Mát vẻn vẹn chỉ có một năm sáu tháng, nhưng Lê Thái Ngọc đã trải qua hầu hết các hoạt động vũ trang, dân vận… tự trau dồi năng lực trinh sát, khả năng phân tích tình hình…
Những năm tháng sau này, Lê Thái Ngọc được cử đi đào tạo tại Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang 2 rồi về công tác tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 Vũng Tàu và sau đó là Trường Hạ sĩ quan Biên phòng 3 Tây Ninh. Trong những năm tháng ấy, Lê Thái Ngọc đã thể hiện rõ nét phẩm chất của một sĩ quan chính trị với nhiều sáng kiến mang tính đột phá trong công tác này tại cơ sở. Khi đó, Lê Thái Ngọc làm Trưởng ban chính trị kiêm trưởng bộ môn, giáo viên chính trị và tuyên huấn nên đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, ngoại giao… với các nông trường, trường học và các xã trên địa bàn. Bản thân Trưởng ban chính trị Lê Thái Ngọc tự chuẩn bị những bài diễn thuyết, những bài nói chuyện về cách mạng, về tình hình thế giới, về kinh tế chủ nghĩa xã hội để mỗi tháng hai lần đến với các đơn vị để nói chuyện, giúp cho các cán bộ, công chức, giáo viên và bà con nông dân hiểu thêm về tình hình thế giới và đất nước, cũng như hiểu biết thêm về quân đội và lực lượng Công an vũ trang.
Hết lòng vì sự bình yên nơi biên giới
Đời người cũng như sông, chưa bao giờ ngừng cuộn chảy. Sông lưu dấu bao thăng trầm dưới cát sỏi nghìn sâu, người lưu dấu những mưa nắng bão giông, những gian nan, vất vả để luyện nên một tố chất, tư duy và khí phách của một người lính, một vị tướng có tầm, có uy tín. Điều mà những người lính giải phóng quân đóng ở Lệ Thủy năm nào nhận định về cậu bé tháo vát, thường chạy theo các chú để tập trận, học bơi sông, vượt vật cản, tập kích đồn địch… xem ra ứng nghiệm. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng ấy đã truyền lửa cho những người con ưu tú của mình, để họ mang ngọn lửa ấy sưởi ấm cho biết bao vùng quê cam khó, bao mảnh đời éo le, bất hạnh khác...
Cuối năm 2012, khi mang trên vai quân hàm cấp tướng trở về quê hương kính cáo tổ tiên, báo công với gia đình và dòng họ, Thiếu tướng Lê Thái Ngọc đã không nén được niềm xúc động dâng trào. Thắp một nén hương bái vọng tổ tiên, cậu bé Lê Thái Ngọc hai lần thoát khỏi lưỡi hái của từ thần khi cùng các cô chú dân quân đánh Mỹ năm nào, cậu bé của vùng đất “chang chang nắng cháy” từng tham gia bắt giặc lái, từng nhảy lên ụ súng phòng không bắn máy bay địch khi đang ở tuổi thiếu niên… đã làm rạng danh cho dòng tộc họ Lê Phan Xá, rạng danh cho quê hương Lệ Thủy bằng những cống hiến không thể phủ nhận cho lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng như cho đất nước.
Theo một cách của riêng mình, ông đã sống giữa lòng dân để gánh vác việc quân, đã biết dùng sức dân để tạo nên một phòng tuyến vững chắc bên cạnh những người lính biên phòng và ngược lại, ông đã biết khơi dậy lòng tận tụy, trách nhiệm với nhân dân trong mỗi người lính để chăm lo, bảo vệ cho sự bình yên của biên cương Tổ quốc.
Vân Phạm