“Vị thế của ngành Tòa án nhân dân đã được nâng lên một bước quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của đất nước”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã tái đắc cử với sự tín nhiệm cao, trước đó, tại Đại hội Đảng khóa XI Chánh án được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.

Nhân dịp này Chánh án đã dành thời gian cho Báo Công lý thực hiện một bài phỏng vấn, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chánh án Trương Hòa Bình

Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội


PV: Thưa Chánh án, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII vừa bầu ra các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chánh án tái đắc cử cương vị quan trọng này với tín nhiệm cao, trước đó Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII đã bầu ông làm Bí thư Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, kỳ này có 15 cán bộ ngành TAND được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII. Ông cảm nhận thế nào về sự tín nhiệm này?


Chánh án Trương Hòa Bình: Tôi nhận thức rằng đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể cán bộ công chức ngành TAND trong suốt nhiệm kỳ qua, đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân ghi nhận. Điều đó cũng cho thấy vị thế của ngành TAND đã được nâng lên một bước quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của đất nước. Đây cũng là vinh dự, và cũng là một thách thức đối với tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC và với bản thân tôi trong sự nghiệp xây dựng ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là trung tâm của hoạt động cải cách các cơ quan tư pháp.


Nhìn lại nhiệm kỳ qua, được và chưa được


PV: Xin Chánh án đánh giá đôi lời về hoạt động của ngành Tòa án những năm qua?

Chánh án Trương Hòa Bình: Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành TAND, dưới sự quán triệt, triển khai chỉ đạo thực hiện của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, với sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, ngành TAND đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ công tác trọng tâm: tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đều đạt chỉ tiêu công tác đề ra; chất lượng công tác xét xử tiếp tục được nâng cao, hạn chế các vụ án oan sai gây bức xúc trong nhân dân; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chất lượng được nâng lên rõ rệt; đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp tiếp tục được bổ sung, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Tòa án các cấp không ngừng được tăng cường; các mặt công tác khác như công tác thi hành án hình sự, công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, công tác hợp tác quốc tế, công tác thi đua khen thưởng… đạt được nhiều thành tích góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành.

Quan hệ hợp tác quốc tế giữa các ngành Tòa án trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được tăng cường, mở rộng. Các nhiệm vụ liên quan đến cải cách tư pháp - đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành TAND đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả.


PV: Nguyên nhân cơ bản để ngành Tòa án đạt được những kết quả tích cực đó là gì, thưa Chánh án?

Chánh án Trương Hòa Bình: Có được những kết quả đó là do có sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự đoàn kết, thống nhất trong Ban cán sự, tập thể lãnh đạo TANDTC và sự nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành.

Tôi biết rằng ở rất nhiều đơn vị, nhất là các Tòa án ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, về chế độ lương bổng, đãi ngộ nhưng các đồng chí Thẩm phán, cán bộ, công chức ở đó vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tinh thần đó thật đáng trân trọng và biểu dương.

Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC thăm Bắc Ninh


PV: Bên cạnh những thành tích, những mặt đáng biểu dương đó, còn những mặt nào mà Chánh án chưa hài lòng hay không?

Chánh án Trương Hòa Bình: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tòa án vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới như khắc phục tình trạng để án quá hạn luật định, chất lượng xét xử chưa đồng đều, tỷ lệ các vụ án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán còn khá cao, vẫn còn có tình trạng thiếu cán bộ, Thẩm phán ở một số TAND địa phương. Một số cán bộ công chức của ngành có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật của ngành, thậm chí có trường hợp bị xử lý hình sự; chế độ chính sách cán bộ, công chức ngành chưa được chăm lo chu đáo, cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành còn nhiều khó khăn.

“Chúng ta cần có một đội ngũ Thẩm phán giỏi, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, thực sự là tấm gương tiêu biểu được xã hội tôn vinh”.


Khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém trên là nhiệm vụ lớn lao, nặng nề của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC và cá nhân Chánh án TANDTC cũng như toàn thể cán bộ, công chức ngành TAND trong thời gian tới.

Trọng tâm công tác trong những năm tới


PV: Xin Chánh án nói rõ hơn những mục tiêu và nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Tòa án trong những năm sắp tới?

Chánh án Trương Hòa Bình: Chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhiệm vụ trong những năm sắp tới của ngành TAND là rất nặng nề, phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49-NQ/TW về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong tình hình mới và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Chúng ta phải hoàn thiện các chính sách pháp luật về hình sự, dân sự… và các thủ tục tố tụng tư pháp; triển khai Đề án “Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động hệ thống TAND”, xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới”. Chúng ta cần có một đội ngũ Thẩm phán giỏi, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, thực sự là tấm gương tiêu biểu được xã hội tôn vinh; đồng thời cũng phải xây dựng được một hệ thống chính sách, các chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ công chức của ngành.

“Tôi cũng mong rằng toàn thể cán bộ, công chức của ngành TAND sẽ tiếp tục đề cao danh dự và trách nhiệm, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức và nỗ lực phấn đấu trong công tác”…


Một công tác hết sức quan trọng nữa là phải tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn ngành, lấy tranh tụng làm trọng tâm, tiếp tục nâng cao chất lượng, không để xảy ra tình trạng kết án oan người vô tội và để lọt tội phạm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, trang bị kỹ thuật cho toàn ngành; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế… Xây dựng ngành TAND trong sạch, vững mạnh, tiến lên hiện đại, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong quá trình hội nhập quốc tế.


Vinh dự và trách nhiệm


PV: Với vị thế của ngành được nâng cao và đứng trước những nhiệm vụ nặng nề trong tình hình mới, tất cả cán bộ, Thẩm phán, công chức trong toàn ngành rất phấn khởi, tin tưởng và gửi gắm nhiều hy vọng vào sự lãnh đạo của Chánh án để hoạt động của ngành hiệu quả hơn... Chánh án cảm nhận thế nào trước kỳ vọng đó của toàn ngành?

Chánh án Trương Hòa Bình: Trước sự tin tưởng và hy vọng đó, trên cương vị công tác của mình, bản thân tôi sẽ phấn đấu hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ ngành TAND, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cùng các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, xây dựng ngành TAND trong sạch, vững mạnh “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Quốc hội, ngành TAND sẽ phối hợp và cộng tác chặt chẽ với VKSNDTC, Cơ quan điều tra, các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, tích cực chăm lo trong công tác xây dựng ngành, đồng thời tôi cũng mong rằng toàn thể cán bộ, công chức của ngành TAND sẽ tiếp tục đề cao danh dự và trách nhiệm, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức và nỗ lực phấn đấu trong công tác bảo đảm cho ngành TAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PV: Xin chân thành cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vị thế của ngành Tòa án nhân dân đã được nâng lên một bước quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của đất nước”