Các lệnh trừng phạt có thể đã khiến Triều Tiên chấp nhận đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ, nhưng thế giới vẫn còn hoài nghi về mức độ nghiêm túc của họ.
Mới đây, Triều Tiên cho biết họ đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và vũ khí trong thời gian diễn ra đàm phán.
Tuyên bố này là động thái lớn vì Bình Nhưỡng vốn luôn gọi vũ khí hạt nhân là "thanh gươm công lý" và nhấn mạnh họ sẽ không mang nó ra để thương thảo với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên bày tỏ rõ ràng về việc đưa phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.
Theo giới phân tích, việc Triều Tiên đưa ra đề xuất đối thoại với Mỹ là kết quả từ những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đưa Mỹ và Triều Tiên cùng bước vào bàn đàm phán.
Tổng thống Moon đã mở đường để đoàn vận động viên và quan chức cấp cao Triều Tiên có thể tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Chính điều này cũng đã mở đường cho phái đoàn cấp cao Hàn Quốc tới Triều Tiên để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vài tuần sau đó.
Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao của nhà lãnh đạo Hàn Quốc không phải là lý do duy nhất khiến Triều Tiên “xuống thang”. Bình Nhưỡng có thể đã nhận thấy những khó khăn của nền kinh tế do sức ép từ các lệnh trừng phạt và đây là một phần trong chiến lược gây sức ép tối đa mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với chính quyền ông Kim Jong-un.
Do vậy, Triều Tiên muốn đàm phán để giảm bớt áp lực. Triều Tiên có thể cũng muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế vì điều này đang gây không ít khó khăn cho nền kinh tế của nước này.
Trong các cuộc đàm phán trước đây, họ cũng đưa ra các yêu cầu về tài chính. Năm 1994, Hàn Quốc đồng ý chi trả hầu hết chi phí 4 tỷ USD cho lò phản ứng nước nhẹ ở Triều Tiên để thay thế lò phản ứng có thể sản xuất plutonium dùng trong quân sự.
Sự hòa hoãn của ông Kim Jong-un với Mỹ rõ ràng là một tín hiệu tích cực
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang trong những năm gần đây, sự hòa hoãn của ông Kim Jong-un rõ ràng là một tín hiệu tích cực. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường chỉ trích nặng nề Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm ngoái cũng mô tả động thái “xuống thang” của Bình Nhưỡng là bước tiến khả thi.
Tuy vậy, trong dòng bình luận trên Twitter hôm 6/3, ông Trump vẫn để ngỏ sự nghi vấn. Ông Trump viết: “Tiến triển tích cực đang được tạo ra trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Lần đầu tiên sau nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc được đưa ra đối với tất cả các bên liên quan. Thế giới đang quan sát và chờ đợi! Có thể là hi vọng hão nhưng Mỹ sẵn sàng chuyển động theo chiều hướng đó”.
Nhiều chuyên gia cũng hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên. Jenny Town, trợ lý giám đốc Viện Mỹ - Hàn tại trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, đánh giá, không nên ảo tưởng rằng Triều Tiên sẽ dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hay theo Balazs Szalontai, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc thì những nỗ lực trước đây để kiềm chế kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm thỏa thuận năm 1994, đã kết thúc trong thất bại khi có bằng chứng rằng Triều Tiên vẫn tiến hành chương trình làm giàu uranium mặc dù đang thỏa thuận với Mỹ.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích khác vẫn tin tưởng rằng các cuộc đối thoại có thể mang lại những kết quả bất ngờ. Đây là một cửa sổ cơ hội lớn.
Hàn Quốc cũng cho biết, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 ở Khu phi quân sự. Chính quyền Trump có thể theo dõi cuộc họp và các hành động khác của Triều Tiên để đánh giá mức độ nghiêm túc của ông Kim đối với việc phi hạt nhân hóa trước khi đồng ý đàm phán.
Theo các chuyên gia, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở thành một thực tế, chứ không còn là một khả năng để suy đoán nữa. Do vậy, vị thế đàm phán của ông Kim Jong-un đã mạnh hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Khi đàm phán với Mỹ, ông có thể đưa ra những yêu cầu với tác động lâu dài hơn là những giải pháp tạm thời.
Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông cho biết, cuộc gặp dự kiến giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể thất bại hoặc mang lại một "thỏa thuận vĩ đại nhất cho thế giới" nhằm xoa dịu căng thẳng hạt nhân giữa hai nước. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng khẳng định, ông có thể bỏ đi nhanh chóng nếu không thấy có triển vọng. Ông cũng hi vọng rằng Triều Tiên mong muốn hòa bình và đã đến lúc hiện thực hóa mong muốn đó.