Về việc kiện cáo “chiếm đoạt vốn” tại một doanh nghiệp ở Tây Ninh: Đâu là sự thật?

10/10/2012 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xuất phát từ việc góp vốn cùng kinh doanh, nhưng chẳng bao lâu thì “cơm không lành canh chẳng ngọt”, xảy ra kiện cáo khiến cho một doanh nghiệp nhiều phen khốn đốn. Vậy đâu là sự thật?

Chiếm giữ con dấu trái phép

Theo đơn kêu cứu của ông Đỗ Quốc Sơn- Chủ tịch HĐTV và ông Nguyễn Văn Luốc- Giám đốc Công ty TNHH Phú Hưng, ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên (Tây Ninh) thì bà Võ Thị Mượt- Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Hưng Phát (cùng ở Tân Biên, Tây Ninh) vốn là bạn hàng rất tin cậy của Công ty Phú Hưng nên đầu năm 2011, khi biết Phú Hưng có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, bà Mượt và con trai là Võ Anh Tuấn đã xin được góp vốn vào để cùng làm ăn (bà Mượt là em vợ của ông Sơn).

Theo đó, mỗi người cam kết góp 10 tỷ đồng để Công ty có vốn điều lệ là 40 tỷ đồng. Ông Sơn làm Chủ tịch HĐTV, ông Luốc làm Giám đốc, ông Tuấn làm Phó Giám đốc phụ trách tài chính kinh doanh, còn bà Mượt làm thành viên. Trong khi ông Sơn và ông Luốc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn của mình, thì theo ông Đỗ Quốc Sơn, bà Võ Thị Mượt mới chỉ góp được 8,8 tỷ đồng tiền góp vốn của mình thông qua 6 lần chuyển khoản qua ngân hàng. Còn ông Tuấn chưa hề góp một đồng nào.

Về việc kiện cáo “chiếm đoạt vốn” tại một doanh nghiệp ở Tây Ninh: Đâu là sự thật?

Ông Đỗ Quốc Sơn, Chủ tịch HĐTV Công ty Phú Hưng đồng thời là anh rể bà Mượt

“Không những thế, trong 8,8 tỷ đồng của mẹ mình góp vào thì ông Tuấn đã rút ra 2,5 tỷ đồng. Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ để chứng minh …”- Ông Đỗ Quốc Sơn- Chủ tịch HĐTV Công ty bức xúc.

Cũng theo ông Sơn: Tháng 2-2012, bà Mượt với tư cách là thành viên Công ty đã khởi kiện vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại với Công ty Phú Hưng ra TAND tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, qua 3 lần hòa giải và trên cơ sở các chứng cứ thu thập được, ngày 9-5-2012, TAND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 02/2012 về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc bà Võ Thị Mượt phải trả lại con dấu cho Công ty Phú Hưng vì trước đó đã có hành vi “chiếm giữ con dấu trái pháp luật”. Việc này đã buộc cơ quan thi hành án tỉnh Tây Ninh tiến hành cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Không dừng lại đó, bà Mượt còn thuê hàng chục vệ sĩ đến “quản thúc” không cho Công ty hoạt động (trong khi bà Mượt không có quyền trong việc thuê người). Sự việc này được Công ty Phú Hưng làm rõ và bên công ty vệ sĩ đã phải rút toàn bộ người về, đồng thời đã đến xin lỗi Công ty Phú Hưng.

Về việc kiện cáo “chiếm đoạt vốn” tại một doanh nghiệp ở Tây Ninh: Đâu là sự thật?

Ông Nguyễn Văn Luốc, Giám đốc Công ty Phú Hưng: "Chúng tôi sẽ làm tới cùng để tìm ra chân lý sự việc"

Đến tháng 6-2012, bà Mượt lại có đơn thư gửi nhiều cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh về một số vấn đề mà bà cho rằng đó là sai trái của Công ty Phú Hưng. Tuy nhiên, sau đó bà Mượt đã rút đơn khởi kiện. Vụ việc đã được TAND tỉnh Tây Ninh ra quyết định đình chỉ vụ án.

Đâu là sự thật?

Ông Sơn cho biết, bà Mượt đã có nhiều hành động làm ảnh hưởng không tốt tới Công ty. Bà Mượt cho rằng hai mẹ con bà đã đóng tổng cộng là 21,8 tỷ đồng tiền góp vốn và 6 chiếc xe tải trị giá 4 tỷ vào Công ty Phú Hưng và cho rằng Công ty Phú Hưng đã chiếm đoạt tiền góp vốn của hai mẹ con bà.

Về việc kiện cáo “chiếm đoạt vốn” tại một doanh nghiệp ở Tây Ninh: Đâu là sự thật?

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Kiểm tra thuế, Cục thuế Tây Ninh: "Công ty nợ thuế, chứ không phải là trốn thuế"

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luốc cho biết: Số tiền mà bà Mượt nói là 21,8 tỷ đó thì thực chất chỉ có 8,8 tỷ đồng (chưa trừ 2,5 tỷ đồng mà con trai bà đã rút). Còn lại 13 tỷ đồng thì 9 tỷ đồng là Công ty Hưng Phát do bà Mượt làm giám đốc thanh toán số tiền nợ mua hàng của công ty Phú Hưng. Điều này được thể hiện rất rõ qua lệnh thanh toán của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Tân Biên vào ngày 20-4-2012. Còn lại 4 tỷ đồng thì bà Mượt thanh toán trả nợ cho ông Đỗ Quốc Sơn vì trước đó bà Mượt có thỏa thuận mua lại 51% vốn của doanh nghiệp tư nhân ở Bà Rịa Vũng Tàu do ông Sơn là chủ (có đầy đủ giấy tờ). Không những thế, cho đến nay, Công ty Hưng Phát của bà Mượt còn nợ Công ty Phú Hưng gần 2,5 tỷ đồng.

Bà Mượt cho rằng đã góp 6 chiếc xe tải (trị giá 4 tỷ đồng) vào Công ty Phú Hưng. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Luốc: Để cân bằng lại giá trị vốn góp, ông Sơn và ông Luốc đã thỏa thuận với hai mẹ con bà Mượt rằng hai mẹ con bà sẽ phải góp 6 chiếc xe vận tải vào cho Công ty Phú Hưng để phục vụ sản xuất kinh doanh ngoài số tiền cam kết góp 20 tỷ. Thế nhưng khi nhận xe về, hai mẹ con bà Mượt đã chiếm dụng làm tài sản riêng nên không đăng ký chủ sở hữu là Công ty TNHH Phú Hưng như thỏa thuận, mà ngược lại đăng ký chủ sở hữu là Công ty Cổ phần cao su Hưng Phát. Sau đó, bà Mượt đem giấy tờ pháp lý thế chấp tại ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Tây Ninh để vay vốn phục vụ cho Công ty Cổ phần cao su Hưng Phát do bà làm giám đốc. Do đó, 6 chiếc xe này là tài sản riêng của Công ty Hưng Phát. Điều này cũng đã được làm rõ tại TAND tỉnh Tây Ninh…

Về vấn đề được gọi là “trốn thuế”, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Văn Dũng- Phó Trưởng phòng Kiểm tra thuế của Cục thuế Tây Ninh và được biết: Công ty Phú Hưng vẫn còn nợ thuế giá trị gia tăng. Đây hoàn toàn không phải là hành vi trốn thuế, mà chỉ là nợ thuế và họ phải nộp thêm tiền chậm trả theo quy định.

Được biết, Công ty Phú Hưng mới đi vào hoạt động năm 2011, trong khi đó, Công ty này được hưởng chế độ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn toàn trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

“Giờ chúng tôi phải làm cho rõ trắng đen bằng cách nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh chính xác số tiền mà bà Mượt và ông Tuấn đã góp vào Công ty Phú Hưng, đồng thời yêu cầu Công ty của bà Mượt thanh toán hết các khoản nợ nần và bồi thường những thiệt hại mà chính bà và con bà gây ra cho Công ty trong thời gian qua…”- Ông Nguyễn Văn Luốc- Giám đốc Công ty Phú Hưng cho biết.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về việc kiện cáo “chiếm đoạt vốn” tại một doanh nghiệp ở Tây Ninh: Đâu là sự thật?