Ngày 7/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến dự và chỉ đạo phiên họp.
Thay mặt Ban soạn thảo, đồng chí Trương Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội. Theo đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tuy nhiên, còn một số nội dung, Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội. Cụ thể, về tổ chức TAND sơ thẩm khu vực trong TAND, có ý kiến nên thành lập TAND sơ thẩm theo đơn vị hành chính huyện. Tuy nhiên, TANDTC đồng tình với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực bởi nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, dẫn tới việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực cho TAND cấp huyện là một thách thức lớn. Trong khi đó, có một số TAND cấp huyện hiện nay một năm không giải quyết vụ án nào nhưng cũng phải đầu tư, bố trí cán bộ theo cơ cấu tổ chức nên đã gây ra lãng phí không đáng có về nhân lực và vật lực. Mặt khác, TAND cấp huyện thường được xem như một đơn vị hành chính cấp huyện, điều này chưa đảm bảo đúng địa vị pháp lý của TAND cấp huyện.
Về án lệ, theo quan điểm của Ban soạn thảo: Án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể, có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và chỉ ra nguyên tắc áp dụng, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn làm chuẩn mực để tham khảo trong công tác xét xử, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật. Đối với nội dung nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp
Thay mặt Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo nghiên cứu bước đầu của dự án Luật. Theo đó, tại phiên họp lần thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), UBTVQH yêu cầu TANDTC phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp chuẩn bị lại dự án, bảo đảm chất lượng và gửi hồ sơ cho Ủy ban Tư pháp thẩm tra lại theo quy định của pháp luật. Tiếp thu ý kiến góp ý của UBTVQH, TANDTC đã chỉnh sửa cơ bản dự án Luật, bao gồm 13 vấn đề lớn. Dự án Luật đã có nhiều quy định mới cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung cơ bản thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trong dự án Luật còn có ý kiến khác nhau được nêu trong tờ trình, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến.
Góp ý cho dự án Luật, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đồng tình cao với việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Nơi nào nhiều án quá thì có một Toà sơ thẩm khu vực ở huyện đó, nơi nào ít án thì tổ chức nhiều quận, huyện một TAND sơ thẩm khu vực, thậm chí đối với những huyện xa thì nên tổ chức xét xử lưu động để gần gũi với dân. Chính Toà án là người phải xây dựng cơ chế quản lý của Toà án. Làm thế nào để đảm bảo hai cấp xét xử độc lập với nhau, kể cả nghiệp vụ cũng cần văn bản hoá để quản lý. Đối với Hội thẩm nhân dân, có cơ chế để nhân dân cùng Nhà nước tham gia xét xử. Việc quản lý Hội thẩm phải đảm bảo tính nhân văn, tính độc lập của Hội thẩm trong xét xử. Về tiêu chuẩn của Hội thẩm là phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, chứ không phải nhất nhất nghe theo Thẩm phán, nghe theo Viện kiểm sát. Tại sao không giao việc phân công cho Đoàn Hội thẩm, mà cứ để Toà án phân công? Bên cạnh đó, không nên để công chức tham gia Hội thẩm vì như thế chẳng khác nào Nhà nước tham gia vào công tác xét xử.
Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đồng tình cao với phương thức tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, tổ chức theo khu vực để không bị sức ép hành chính. Ông Cường cho rằng, Thẩm phán là nghề thì không nên có nhiệm kỳ, để Thẩm phán yên tâm làm nhiệm vụ của mình thì nên bổ nhiệm Thẩm phán vô thời hạn. Nếu lo lắng đội ngũ chưa hoàn thiện thì nên có lộ trình, chỉ đến năm 2020 là áp dụng được. Trước mắt, đối với Thẩm phán TANDTC thì bổ nhiệm suốt đời, còn cấp thấp hơn thì nên có thời hạn 5, 10 hoặc 15 năm... Trợ lý Thẩm phán cũng cần có, theo đó mỗi Thẩm phán nên có hai hoặc ba trợ lý giúp việc.
Về tuổi của Thẩm phán có thể đến 70 tuổi, vì nếu trong thời điểm công tác đó mà có vấn đề về sức khoẻ hoặc lý do nào đó thì chúng ta đã có những quy định về bãi, miễn nhiệm. Nên thành lập nhiều Toà chuyên trách như Tòa Đất đai, Toà Sở hữu trí tuệ và chỉ nên ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Về công tác Hội thẩm nhân dân, bà Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre cho rằng, đối với việc xét xử cấp sơ thẩm, Hội thẩm cực kỳ quan trọng nhưng lại chưa có cơ chế rõ ràng. Hội thẩm và cơ quan bầu ra Hội thẩm không chịu trách nhiệm gì khi có sai sót trong xét xử. Hiện, TANDTC có kinh phí tập huấn Hội thẩm, nhưng cơ chế tài chính cho Đoàn Hội thẩm thì không có. Việc quản lý theo quy chế, nhưng quy chế thì chưa có. Vì vậy, Đoàn Hội thẩm phải có cơ chế về tài chính, chứ Hội thẩm hoạt động chỉ nhận sự hỗ trợ thì chưa ổn. Toà án không thể quản lý Hội thẩm, HĐND bầu ra Hội thẩm thì phải quản lý Hội thẩm, như thế mới thể hiện được tính độc lập trong xét xử. Vậy nên, trong dự thảo Luật cần nêu rõ cơ chế quản lý đối với Hội thẩm.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện trong dự án Luật này. Ví dụ, tổ chức TAND khác với tổ chức cơ quan dân cử, bởi Toà án là phải bảo đảm được nguyên tắc độc lập xét xử. Dự thảo Luật cần làm rõ cơ cấu tổ chức, bộ máy của các Tòa chuyên trách. Như Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, vấn đề đất đai đang nổi cộm, nên thành lập những Toà như thế để xét xử. Đối với nhiệm kỳ Thẩm phán, Thẩm phán cấp thấp thì cũng nên là 10 năm chứ nếu cấp dưới chỉ bổ nhiệm 5 năm thì chẳng khác gì quy định cũ. Dự thảo Luật phải xác định rõ vai trò của Tòa án đối với công tác THADS, cần phân định để không lẫn lộn giữa Tòa án và công tác THADS.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp của Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Tư pháp. Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự án để trình UBTVQH trong thời gian sớm nhất.