Phát biểu trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23/8 (giờ địa phương), Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết cứ 10 phút lại có một trẻ em chết ở Yemen.
Theo bà Henrietta Fore, hiện nay ở Yemen, gần 21 triệu người, trong đó có 11,3 triệu trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại. “2,3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng 400.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng - các em phải đối mặt với cái chết chắc chắn”, bà nói.
Đại diện UNICEF cũng lưu ý rằng, có hơn 10 triệu trẻ em và khoảng 5 triệu phụ nữ ở Yemen không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bà Fore cũng nhấn mạnh rằng: “Ở Yemen, cứ 10 phút lại có một trẻ em chết vì những nguyên nhân có thể tránh được, bao gồm suy dinh dưỡng và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine”.
"Sau 6 năm chiến tranh ở Yemen, khi nào các bên tham gia xung đột và những người có ảnh hưởng đối với họ sẽ đặt trẻ em lên hàng đầu? Tôi đã nói chuyện với Hội đồng Bảo an về tình hình trẻ em ở Yemen. Họ cần được bảo vệ và hòa bình ngay bây giờ".Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore viết trên Twitter
Về phần mình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho biết, thực phẩm hiện nay ở Yemen "đắt hơn gấp 3 lần so với trước chiến tranh" và nhiên liệu cũng đắt gấp 4 lần.
Hồi đầu tháng 6/2020, Bộ Y tế của Chính phủ cứu quốc gia Yemen đã công bố số liệu thống kê chính thức về số lượng lớn trẻ em tử vong ở đất nước này do hậu quả từ cuộc bao vây Yemen của liên minh Saudi, với một thông tin khá sốc: Ở Yemen, cứ sau 5 phút, một đứa trẻ qua đời!
Khi đó, Bộ trưởng Nhân quyền trong chính phủ của Tổng thống Hadi, ông Muhammad Askar, đã nêu ra 3 vấn đề lớn là nguyên nhân gây ra số lượng trẻ em tử vong cao ở Yemen.
"Trước tiên, sử dụng trẻ em là hiện tượng phổ biến ở Yemen. Người ta dùng trẻ em làm chiến binh. Theo đó, điều này dẫn đến cái chết của hàng ngàn trẻ em. Thứ hai, có rất nhiều bom mìn ở các vùng khác trên đất nước. Bị vướng mìn không phải là quân đội, mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Thứ ba, dịch tả, quét qua Yemen trong nhiều đợt. Bùng dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn trẻ em. Công việc chống bệnh lây nhiễm cực kỳ khó khăn, vì nó được coi là bệnh đặc trưng của đất nước, và thường xuyên đến sau một mùa mưa kéo dài", ông Askar nói.
Xung đột ở Yemen giữa các lực lượng chính phủ được quốc tế công nhận và phiến quân Ansar Allah chiếm chính quyền ở miền Bắc Yemen đã diễn ra từ năm 2014.
Năm nay, phiến quân đã tăng cường tấn công vào một số tỉnh chiến lược quan trọng hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, đặc biệt là pháo đài cuối cùng của chính quyền Yemen ở phía Bắc - tỉnh Marib.