Thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng bởi những sản vật như rượu, mì, bánh đa nem... mà còn là nơi duy nhất của tỉnh lưu giữ được nghệ thuật tuồng cổ.
Ngoài 90 vẫn hát tuồng
Dưới sự chỉ dẫn của người những người dân mến khách, chúng tôi men theo ngõ nhỏ rộng chừng một mét với hai bên tường phủ màu rêu phong mang nét đẹp cổ kính thuần Việt, để tìm đến nhà nghệ nhân tuồng cổ Nguyễn Bá Lam (sinh năm 1920, xóm 1, làng Thổ Hà, xã Vân Hà).
Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn lạ thường, trong lúc trò chuyện chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe tuồng thì cụ vui vẻ đồng ý, uống xong chén nước cụ bắt đầu cất giọng biểu diễn một trích đoạn mà cụ từng đóng, đó là vai một vị vua đang mong tin từ “biên ải” với cử chỉ và điệu bộ hết sức uy nghiêm nhưng lại pha chút nỉ non.
Cho dù không có trang phục, nhạc cụ nhưng phần nào chúng tôi cũng cảm nhận được cái đặc sắc của loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền tiêu biểu và thầm cảm phục một con người tuy tuổi đã cao mà tinh thần vẫn hăng hái, trí nhớ minh mẫn.
Cụ Nguyễn Bá Lam (áo xanh)
Cụ tâm sự: “Nghệ thuật tuồng xuất hiện ở làng tôi đã từ lâu không nhớ rõ chính xác năm nào, chỉ biết rằng khi tôi lên 8 đã được ông nội truyền dạy và từ đó cứ theo đoàn đi biểu diễn ở các xã và ở hội làng, cho đến bây giờ thì tôi cũng đóng hàng mấy trăm vai diễn khác nhau rồi. Những vở diễn đặc trưng của Thổ Hà như “Triệu Đình Long cứu chúa”, “Đào Tam Xuân”, “Ngự đệ Kim Hùng”, “Bá đao Diệm Thiên Hùng”… tôi đều đóng qua hết. Lớp người diễn tuồng có tiếng cùng thời với tôi đều đã mất cả rồi”.
Hầu như các vai diễn tuồng cổ cụ đều thuộc lòng thành kỹ năng rồi, cho nên yêu cầu cụ biểu diễn bất kỳ vai nào, tích nào cụ cũng đều biểu một cách thuần thục, truyền cảm và thu hút.
Cũng vì tình yêu với Tuồng ngấm vào máu thịt nên cụ đã hết lòng vun đắp cho nghệ thuật tuồng của quê hương suốt mấy chục năm qua, trong thâm tâm cụ luôn trăn trở về việc bảo tồn, mong muốn truyền dậy mọi bí quyết cho hậu thế bằng việc tham gia dìu dắt các “diễn viên” ở câu lạc bộ tuồng Thổ Hà (thành lập từ năm 1987).
Có lẽ nghệ thuật tuồng ở nơi đây chưa bị mai một là nhờ những người tâm huyết như cụ Lam và những người dân Thổ Hà yêu nghệ thuật tuồng cổ.
Ảnh trong vở tuồng Thạch Sanh (ảnh minh họa)
Nỗi niềm về sự mai một của loại hình nghệ thuật truyền thống
Tuy vậy, nhưng cụ Lam cũng không thể hết lo lắng về việc bảo tồn nghệ thuật tuồng của Thổ Hà, bởi Tuồng là môn nghệ thuật không hề đơn giản, nó không chỉ kén người diễn mà còn kén cả người xem. Xưa kia, tuồng để mua vui cho vua quan trong những buổi yến tiệc, hội hè và dùng cả trong những buổi tế lễ, thiết triều.
Chia sẻ nỗi trăn trở cụ Lam tâm sự: “Ngôn ngữ hát tuồng đa phần là Hán- Việt hoặc những từ ngữ triết lý, văn chương theo lối ẩn dụ. Các tích tuồng đều xoay quanh đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Tuồng mang âm hưởng hùng tráng, những bài học về đạo làm người, do vậy đòi hỏi cả diễn viên lẫn khán giả phải có những kiến thức nhất định về ngôn ngữ cũng như lịch sử mới có thể hiểu được.
Bây giờ ở câu lạc bộ tuồng người trẻ nhất cũng ngoài 50, còn lớp trẻ hơn thì hầu như là không có, vì sự xuất hiện của nhiều môn nghệ thuật khác mới mẻ và trẻ trung hơn. Còn hát tuồng đòi hỏi phải có sức khỏe, sự hiểu biết và đam mê mới hát được”.
Cụ Lam đang lần giở những bức ảnh đóng tuồng từ thời trẻ
Ông Nguyễn Bá Thọ, con trưởng cụ Lam ngồi kế bên tiếp lời “Cụ yêu tuồng đến mức ngày nào cũng chống gậy ra gốc đa đầu làng, ngồi hát tuồng cho người già người trẻ hóng mát ở đấy nghe. Giờ cả làng chỉ còn có cụ là cao tuổi nhất và hiểu rõ nhất về tuồng Thổ Hà. Năm ngoái cụ còn khỏe nên hay đi dạy chứ năm nay cụ cũng yếu rồi không đi dạy được nữa”.
Mặc dù đã thành lập câu lạc bộ để duy trì nghệ thuật tuồng, nhưng số người tham gia chỉ vỏn vẹn có 10 người, trong đó có 4 nhạc công và 6 diễn viên. Hỏi về nguyên nhân số người tham gia câu lạc bộ ít, ông Phạm Tiến Tuấn (55 tuổi) một trong những hậu duệ của nghệ thuật tuồng – chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng Thổ Hà cho hay: “Vì điều kiện kinh tế mà làng chúng tôi chủ yếu làm nghề nên thời gian để tập hát gần như là không có, hơn nữa vì là loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ cổ nên khó thu hút được lớp thanh niên tiếp thu và yêu thích”.
Cũng nói về vấn đề duy trì nghệ thuật tuồng ở Thổ Hà, ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bày tỏ: “Những năm gần đây cũng do nhiều yếu tố mà tuồng Thổ Hà không được hoạt động thường xuyên, trước hết là do loại hình này có tính chất “Cha truyền con nối”, lớp người cao tuổi mất đi truyền lại cho lớp trẻ, nhưng vì điều kiện sống và sự lấn át của các loại hình nghệ thuật khác nên để họ nối tiếp môn nghệ thuật này là điều khó”.
Bên cạnh nhịp sống hối hả của một làng nghề thì ở đâu đó trong làng Thổ Hà vẫn còn đau đáu một nỗi lo như Cụ Lam, rằng một ngày nào đó lời ca của tuồng cổ sẽ không được cất lên ở làng quê ven sông Cầu, sẽ không còn ai giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống quý báu của ông cha hàng trăm đời nay để lại.
Cùng nỗi day dứt ấy, cụ có một mong muốn là các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hỗ trợ để lớp trẻ hoạt động, sinh hoạt trong CLB tuồng Thổ Hà có hiệu quả, chỉ như vậy mới mong giữ lại được văn hóa làng đúng như câu người dân nơi đây thường truyền tụng nhau: “Phi tuồng bất thành hội”.