Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã đưa ra ý kiến về vướng mắc khi xác định tranh chấp dân sự hay phạm tội hình sự liên quan tới vấn đề thế chấp, chuyển nhượng tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Câu hỏi: Năm 2012, qua mối quan hệ quen biết tôi có mua của ông Hoàn, bà Nguyên một mảnh đất, trên đất có nhà. Lúc đầu hai bên mua bán viết tay, do sổ đỏ lúc đó cắm Ngân hàng nên bên bán phải đưa tiền vào thì mới rút sổ ra để sang tên. Tuy nhiên, khi rút sổ ra bên bán lại tiếp tục thế chấp ngân hàng không chịu sang tên cho tôi như cam kết. Sau đó, họ không trả tiền cho ngân hàng và để mặc cho ngân hàng phát mại bán mất nhà đất. Đến nay trong biên bản làm việc có chứng kiến của UBND thị trấn bà Nguyên, ông Hoàn phủ nhận việc đã nhận số tiền gần 1 tỷ của tôi dù trước đây chính họ đã viết giấy biên nhận tiền. Tôi xin hỏi vụ việc trên của tôi là tranh chấp dân sự hay có dấu hiệu phạm tội hình sự?
Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Để phân biệt sự việc là hình sự hay dân sự thì cần đánh giá hành vi của người bán có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không, có được quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Thứ nhất: Dù là mua bán viết tay thì cũng có giá trị ràng buộc để bên bán phải sử dụng số tiền đó lấy sổ ra và sang tên hoàn tất nghĩa vụ mua bán. Việc nhận được tiền mua bán, người bán đã không thực hiện đúng cam kết mà đem sổ đó thế chấp ngân hàng thể hiện sự gian dối (sử dụng ngân hàng như một chủ thể để tước đoạt mất tài sản khi họ chủ động không trả tiền cho ngân hàng), sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (tài sản đã bán, cam kết bán, nhận tiền của người mua nhưng vẫn tiếp tục sử dụng vào việc thế chấp ngân hàng).
Theo nội dung vụ việc độc giả cung cấp thì đây là hành vi:
“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Đây là dấu hiệu rất rõ ràng của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.
Thứ hai: Hành vi nhận tiền mua bán, viết giấy biên nhận tiền, sau nhiều năm lại phủi sạch trơn không nhận tiền là biểu hiện rõ ràng của thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối là là thủ thuật, chiến thuật, kỹ thuật, cách thức, phương pháp, phương tiện, cách làm trong một khoảng thời gian đưa ra các thông tin, biểu hiện không đúng sự thật với mong muốn tạo niềm tin vào những điều không có thực, không thể thực hiện được để đạt được mục đích bất hợp pháp.
Thủ đoạn gian dối như một phương thức che đậy việc chiếm đoạt tài sản, thông qua thủ đoạn gian dối sẽ dẫn tới không phải trả lại tài sản để đạt được mục đích chiếm đoạt được tài sản đó.
Bằng thủ đoạn gian dối khi phủ nhận đã cầm tiền của người mua thì người bán trong trường hợp này không phải trả lại tiền, dẫn đến chiếm đoạt được toàn bộ số tiền mua bán tài sản. Đây là dấu hiệu hình sự quá rõ ràng.
Ông Hoàn, bà Nguyên vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể gây ra chút ít nhầm lẫn đó là vi phạm nghĩa vụ dân sự nhưng hành vi chối bỏ việc đã nhận tiền dù hai bên đã lập nhiều giấy tờ thể hiện có mua bán, tái khẳng định có mua bán, có giấy nhận tiền đầy đủ chữ ký rõ ràng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thông qua hành động này người nhận tiền sẽ không phải trả lại tài sản cho bên giao, đạt được mong muốn biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.