Trong những năm qua, báo chí đã làm tốt sứ mệnh của mình, cung cấp thông tin từ nhiều nơi đến với bạn đọc, phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của người dân, cử tri đến với Đảng và Nhà nước.
Báo chí cũng là một kênh phản biện xã hội, tham gia vào các hoạt động ích nước, lợi dân và chống tham nhũng…
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Công lý đã phỏng vấn TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, là một đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí hiện nay, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, phản biện chính sách và phòng chống tham nhũng?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Căn cứ chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí, các văn bản có liên quan thì báo chí nói chung, báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền thông, là một trong những kênh giám sát – phản biện xã hội phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật, báo chí có giá trị định hướng tư tưởng, quan điểm, cung cấp thông tin, tư liệu để các chủ thể xã hội, nhân dân và cử tri tham gia hoạch định chính sách, góp ý kiến xây dựng pháp luật. Đặc biệt, báo chí giữ vai trò “cầu nối nghị trường” giữa Quốc hội, Đại biểu quốc hội với cử tri và nhân dân trong xây dựng luật, pháp lệnh, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó kịp thời góp phần tạo nên kênh hai chiều, đa chiều giúp chuyển tải thông điệp và tạo sự thống nhất, đồng thuận khi thiết kế các đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu mới về phát triển đất nước.
Một trong những ví dụ điển hình có thể thấy rõ vai trò này là việc tham gia của báo chí trong quá trình xây dựng, sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015-2017. Với sự tham gia đó, người dân, giới luật và các cơ quan, tổ chức, kể cả các tổ chức quốc tế đều đã thông qua báo chí phát biểu ý kiến và nhiều ý kiến đã được đưa ra thảo luận, tiếp thu, hoàn thiện các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, nhất là động vật hoang dã, quý hiếm; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; việc xét xử tội phạm tham nhũng…
PV: Có ý kiến cho rằng, trong xây dựng chính sách, pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, báo chí truyền thông cũng dễ làm cho các nhà lập pháp bị ảnh hưởng về mặt nhận thức, lý trí; đôi khi tạo nên những khó khăn không nhỏ cho các cơ quan thi hành pháp luật, tạo ra dư luận không tốt đối với chính sách, ông có thấy như vậy không?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Nói chung truyền thông luôn có tính hai mặt, có thể tác động đa chiều, tích cực hoặc tiêu cực đến xã hội. Về khía cạnh chính trị, pháp lý, chúng ta không thừa nhận việc đưa, phát tán thông tin chống lại chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các thông tin, quan điểm xấu, độc hại. Đồng thời rất cần báo chí đưa tin kịp thời để cử tri và nhân dân được tham gia thảo luận, nêu chính kiến, quan điểm xây dựng chính sách, pháp luật.
Như vậy, điều quan trọng là chủ thể tiếp nhận và xử lý thông tin phải tìm hiểu, nghiên cứu trên tinh thần xây dựng, có thái độ tích cực, trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân. Người được góp ý cần phải có kiến thức, bản lĩnh để “lọc và xử lý” thông tin, nếu không có bản lĩnh đó thì rất dễ rơi vào trạng thái lúng túng, u mê, dẫn đến quyết định sai. Không chỉ nghe bằng “hai tai” (mặc dù nghe bằng hai tai đã là rất tốt) mà phải nghe bằng tình cảm, bằng lý trí, nghe thấu, hiểu thấu mới có thể có quyết định đúng đắn. Nếu không có khả năng nghe, phân tích, xét đoán thì không thể giữ các vị trí có quyền quyết định vận mệnh của con người, công lý và sự phát triển của đất nước.
PV: Hiện nay trong quá trình xét xử nhiều vụ án, báo chí có những bình luận hay dẫn ý kiến về một góc độ nào đó của vụ án, gây áp lực không nhỏ lên Hội đồng xét xử, ông có thấy như vậy không?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Không thể phủ nhận vai trò của báo chí thời gian qua, nhiều vụ án cũng vì thế mà được làm sáng tỏ và xét xử khách quan, dư luận và nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Như tôi cũng đã từng nói, ngành tư pháp, nhất là Tòa án những năm gần đây, tinh thần cải cách tư pháp được áp dụng triệt để trong quá trình tố tụng; Hoạt động tranh tụng được đẩy mạnh, một số thủ tục tố tụng được đổi mới. Nhiều vụ án oan sai được làm sáng tỏ, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tư pháp đã góp phần xử lý những vụ “đại án”, củng cố lòng tin của nhân dân và cử tri đối với hệ thống tư pháp…
Hiện nay, đúng là có một số vụ án đang trong quá trình xét xử mà khi báo chí vào cuộc có những bình luận, ý kiến khác nhau, gây áp lực không nhỏ lên các Thẩm phán. Tuy nhiên, điều đó không mất đi ý nghĩa của cải cách tư pháp mà tôi cho rằng, mỗi Thẩm phán, cán bộ tư pháp phải là người kiên định để không dễ bị ngả theo dư luận, dẫn đến quyết định ngược dòng công lý. Ngược lại, không thể khuyến khích và bao che cho cán bộ tư pháp luôn thoả hiệp dư luận theo kiểu “xuôi chèo mát mái” để an thân. Cán bộ tư pháp cầm cân nảy mực rất cần một bản lĩnh công bằng, bất vị thân, liêm chính trong tư duy và hành động.
PV: Hiện tượng truyền thông đưa thông tin sai sự thật, bóp méo thông tin dẫn đến nhận thức của người dân bị sai lệch, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội đang có xu hướng tăng…Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Đó là câu chuyện không ai mong muốn nhưng không thể loại trừ ngay được. Nó xuất phát từ sự khác nhau về suy nghĩ, hành động, tính đa dạng của cuộc sống, thậm chí phụ thuộc vào những “nhóm lợi ích”, không loại trừ có sự tham gia của một số cán bộ thoái hoá, biến chất. Phòng chống cái xấu là công việc thường xuyên. Việc đưa thông tin kiểu “bóp méo” sự thật, “cưỡng bức dư luận” hay “bôi nhọ - tô hồng” không có cơ sở, thái quá là không thể chấp nhận.
Vì vậy, để vai trò của báo chí ngày càng được củng cố, tự làm trong sạch chính mình và xã hội, phòng chống tham nhũng hiệu quả, trước hết phải quán triệt phương châm “đội đầu pháp chế”, nếu xa rời quy định của pháp luật, nhất là Hiến pháp, Luật Báo chí thì lực lượng báo chí không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ngoài việc đưa tin kịp thời, thông tin đúng sự thật, báo chí còn phải tích cực ngăn ngừa, kiên quyết chống lại và góp phần bài trừ cái xấu, việc vi phạm đường lối, chính sách, pháp luật và lợi ích của nhân dân. Chính báo chí cũng phải tôi rèn để “miễn nhiễm” với cái xấu, cái độc hại thì mới có một sức vóc cường tráng và uy tín xã hội, có khả năng đem sự thật và công lý đến với mọi người.
Khi được lựa chọn là “sứ giả nghị trường”, các nhà báo phải thật sự là “hoạ sỹ truyền thần” của Quốc hội, phải chuyển trọn vẹn và chính xác thông điệp nghị trường đến với cử tri và nhân dân. Có như vậy báo chí và các nhà báo sẽ chiếm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng độc giả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!