Trường học phải vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4 trong phiên đối thoại chính sách với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương”.
Phiên đối thoại chính sách với hai chủ đề là: “Cơ sở pháp lý, thực tiễn đào tạo và kinh nghiệm tổ chức, phát triển hoạt động khởi nghiệp gắn với địa phương” và “Cơ sở pháp lý, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, thành lập quỹ/vườn ươm.”
Các tham luận đã đánh giá cao những kết quả của việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình học sinh còn vướng mắc trong việc cân bằng giữa học tập văn hóa với hoạt động khởi nghiệp của học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục đại học, mặc dù đã ban hành kế hoạch triển khai đề án, tuy nhiên, nội dung đào tạo kỹ năng về khởi nghiệp chưa được giảng dạy cho học sinh, sinh viên trong các giờ học chính khóa.
Đối với việc tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, có ý kiến cho rằng các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp mới chỉ ở dạng thư viện mở, chưa đúng với mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trang thiết bị và tài liệu còn hạn chế.
Cùng với đó, chưa xây dựng được các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm qua trọng của giáo dục đối với quá trình khởi nghiệp. Thứ trưởng cho rằng, nếu chia khởi nghiệp thành ba giai đoạn gồm: truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp thì trong cả ba giai đoạn đó, giáo dục đều có vai trò hết sức quan trọng.
Theo đó, tương ứng với mỗi giai đoạn của quá trình khởi nghiệp, vai trò của các nhà trường ở từng cấp học khác nhau. Ở giai đoạn truyền cảm hứng các nhà trường đạc biệt là các trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và các kỹ năng, tư duy về đổi mới sáng tạo cho học sinh.
Trong giai đoạn hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh thì các trường học cần cung cấp cho các học sinh, sinh viên các kiến thức để hình thành các doanh nghiệp. Ở giai đoạn khi đã thành lập được doanh nghiệp thì người quản lý cần rất nhiều những kiến thức để quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là tái khởi nghiệp để đưa doanh nghiệp lên những tầm cao mới, bền vững hơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong thời gian tới cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, trường học phải vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Việc xây dựng chính sách phải khai thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao năng lực, thúc đẩy phát triển năng lực và kiến tạo động lực cho các bên liên quan bao gồm học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên, nhà trường, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và địa phương.