Qua 5 năm (2008-2013) thực hiện Nghị quyết, theo báo cáo của các tỉnh cho thấy, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người tăng từ 608 USD năm 2008 lên 2.058 USD năm 2013 (gấp 3,4 lần so với năm 2008).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2013 đạt 30.563 tỷ đồng, gấp 19,4 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.577 tỷ đồng). Trong đó thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2013 đạt trên 24.210 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2008-2013 khoảng 92 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh khoảng 13.267 tỷ đồng.
Đối với Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2008 - 2013 là 11,86% (theo giá so sánh năm 2010); tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện hơn 2,2 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm 20%; khách du lịch lưu trú tăng nhanh, từ 779 ngàn lượt năm 2008 lên 1,12 triệu lượt năm 2013 (tăng hằng năm 7,5%), doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 21%/năm, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng liên tục, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 5 năm hơn 26.400 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh Quảng Nam có 4.250 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 26.000 tỷ đồng; 94 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 70% giá trị xuất khẩu. Các loại thị trường được thiết lập, công tác quản lý nhà nước được đổi mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ (tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hơn 69.200 tỷ đồng).
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) và những ý kiến đánh giá, góp ý vào thực tiễn triển khai nghị quyết.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, tới đây cần xem xét xây dựng được thể chế cho một số ngành, một số vùng làm sao để địa phương có thể chủ động, năng động, sáng tạo; tiến tới bộ, ngành chủ yếu là quản lý nhà nước, phát huy vai trò cá nhân, vai trò cộng đồng là rất quan trọng, tính bài toán phân cấp, gắn với hiệu quả các dự án.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo mong muốn rằng, kết quả làm việc sẽ thu được nhiều kết quả quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới đây.
Sau 5 năm triển khai, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X gồm có 23 thành viên (trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 18 Ủy viên Trung ương Đảng) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo. |
Nguyễn Thanh Liêm