Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư...
Trong Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế), có thể hiện ba đặc khu dự kiến thông qua tại VN gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trong đó, mỗi đặc khu sẽ khai thác lợi thế riêng.
Vân Đồn chuyên phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế.
Một góc hình ảnh ở Phú Quốc
Còn Bắc Vân Phong sẽ quy hoạch phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí; phát triển cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; trung tâm thương mại - tài chính gắn với cảng biển.
Và đảo ngọc Phú Quốc, chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế cao cấp; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.
Để kêu gọi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến đầu tư các đặc khu này đã đề xuất những chính sách ưu đãi tột khung.
Từ cuối năm 2016 đến nay, tại ba đặc khu kinh tế hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận. Tại Phú Quốc, thông tin tập đoàn Temasak (đến từ Singapore) đã quay trở lại đảo ngọc với kế hoạch đầu tư dự án cầu vượt biển dài nhất thế giới bắc từ Hà Tiên qua Phú Quốc. Theo thông tin ban đầu, cầu có tổng chiều dài 57km với tổng vốn 9 tỉ USD. Tuy nhiên, tập đoàn này chưa xác nhận thông tin về tiến độ và kế hoạch trở lại Phú Quốc...
Theo thông tin từ Ban quản lý kinh tế Phú Quốc, nhiều nhà đầu tư đã và đang đón đầu cơ hội đặc khu đang đến rất gần. Hiện này, tại hòn đảo này có tới 193 dự án đăng ký với tổng vốn 215.194 tỉ đồng đã được cấp phép và chấp nhận chủ trương đầu tư.
Trong số đó, có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 49.143 tỉ đồng đã đi vào hoạt động và 24 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô vốn lên tới 103.408 tỉ đồng. Phú Quốc đang đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón cơ hội trở thành đặc khu hành chính – kinh tế đầu tiên của cả nước. Đặc biệt, mới đây tỉnh này đã thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông huyện đảo Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch đất Phú Quốc...
Theo thông tin tìm hiểu, vừa qua một tập đoàn lớn đến từ Singapore đã tiếp cận Bắc Vân Phong với đề xuất làm cảng trung chuyển container, kho ngoại quan, khu công nghiệp… dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỉ USD.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa với mong muốn được đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn vào đặc khu Bắc Vân Phong tương lai. Trong đó, IPP đang tham vọng muốn đầu tư một sân bay tư nhân riêng tại đặc khu này với tổng vốn hơn 10 tỷ USD.
"Bằng tiềm năng liên danh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, IPP cam kết có thể xây dựng Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ USD, vượt xa mức yêu cầu đầu tư của Chính phủ (400.000 tỷ đồng). Chúng tôi sẽ xây dựng Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong thành trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch của Asean", ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT IPP khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, đại diện Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong cũng cho biết từ khi có chủ trương vào năm 2012, Khánh Hòa vẫn để dành toàn bộ khu Bắc Vân Phong làm đặc khu dù có không ít tập đoàn lớn vào đặt vấn đề. Định hướng phát triển toàn bộ Bắc Vân Phong là quy hoạch thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, lấy đơn vị hành chính là huyện Vạn Ninh.
Từ đó, Bắc Vân Phong sẽ phát triển cảng trung chuyển quốc tế, logistic, tài chính và du lịch dịch vụ, công nghệ cao như y tế giáo dục chất lượng cao, trong đó định hướng của Chính phủ là lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, hải dương.
Trong khi đó tại Quảng Ninh, đặc khu Vân Đồn có 4 siêu dự án vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư, trong đó có 3 siêu dự án quy mô vốn cả tỉ USD. Các dự án bao gồm Dự án Cảng và khu đô thị Bắc Cái Bầu có tổng vốn đầu tư dự kiến 25.200 tỉ đồng, Dự án Khu phi thuế quan – khu công nghiệp sạch tại Khu kinh tế Vân Đồn có tổng vốn đầu tư dự kiến 27.300 – 31.500 tỉ đồng, dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, quy mô dự kiến hơn 16.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư cho Vân Đồn trên 55.000 tỷ đồng, trong đó, tập trung vào xây dựng cao tốc đến Vân Đồn và sân bay Vân Đồn (dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018).
Theo UBND tỉnh, trong gần 2 năm qua địa phương đã ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư để phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn giúp kết nối khu vực này với bên ngoài. Điển hình như dự án cao tốc Hà Long - Hải Phòng; cao tóc Vân Đồn - Móng Cái; cầu Bạch Đằng; tuyến đường ven biển; Hầm vượt biển với tổng vốn đầu tư lên đến 80.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, lộ trình thông qua ba đặc khu kinh tế đang khiến cho giá đất tại những khu vực này tăng chóng mặt. Chính phủ đã phải vào cuộc để kiểm soát tình trạng tăng nóng của giá đất tại ba khu vực đang chờ thông qua đặc khu.
Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào kế hoạch thanh tra của đoàn thanh tra theo quyết định ngày 28/3 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình lưu ý phải tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp...
Tại cuộc họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, có hiện tượng đầu cơ, giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh). Thông tin thị trường chưa thực sự minh bạch nên cần phải được kiểm soát chặt chẽ.