Hơn nửa tháng kể từ ngày xảy ra cái chết tức tưởi của anh Đào Giang Nam, CQĐT đã làm việc với gia đình nạn nhân và kết luận do nạn nhân tự gây ra, cảnh sát đặc nhiệm không liên quan. Gia đình nạn nhân đã phản đối và gửi đơn tố cáo đến các cơ quan…
Đã có những nghi vấn xung quanh vụ việc này rất cần được làm sáng tỏ.
Cái chết tức tưởi
Theo Biên bản làm việc do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình lập ngày 6/6/2014 thì khoảng 23 giờ 15 phút ngày 14/5/2014, Tổ công tác của Cảnh sát đặc nhiệm Công an thành phố Thái Bình đi tuần tra. Đến khu vực đối diện vườn hoa thành phố, tổ này phát hiện phía trước cùng chiều có xe máy màu trắng do anh Trần Văn Nam, sinh năm 1996, trú tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình điều khiển không đội mũ bảo hiểm đi song song với xe đạp điện do chị Bùi Khánh Linh (là bạn gái anh Nam) điều khiển. Đang đi, anh Nam ngoái đầu lại nhìn thấy 4 cảnh sát đặc nhiệm đi trên 2 xe máy cách sau chừng 5 m thì anh Nam bất ngờ về số, tăng ga bỏ chạy. Đến ngã 3 giao nhau với đường Nguyễn Bảo thì xe anh Thiện chở anh Linh (2 cảnh sát đặc nhiệm- PV) vượt lên bám song song về phía bên phải của xe anh Nam. Khi đến gần cổng Ban chỉ huy quân sự thành phố thì anh Linh dùng gậy cao su cầm ở tay trái chỉ xuống đường và nói “Yêu cầu anh dừng lại”. Anh Nam không giảm ga đã lao xe lên vỉa hè. Hậu quả, xe của anh Nam văng ra giữa đường, còn anh Nam ngã và nằm bất động ngay tại chân cột đèn. Anh Nam đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Biên bản cũng ghi, CQĐT kết luận: tổ công tác có đuổi theo xe của anh Nam, xe của anh Thiện và anh Linh có chạy song song với xe anh Nam và yêu cầu anh Nam dừng lại chứ không ép xe của anh Nam; không có thành viên nào trong tổ cảnh sát đặc nhiệm dùng công cụ hỗ trợ đánh vào đầu anh Nam…
Phản đối kết luận này, bố mẹ anh Nam có đơn tố cáo cho rằng đây là việc làm cố tình bao biện, làm sai lệch bản chất sự việc để trốn tránh trách nhiệm..
Những nghi vấn cần được làm sáng tỏ
Đây là vụ chết người có liên quan đến công vụ của cảnh sát đặc nhiệm mà báo chí đã đăng tải nhiều, dư luận ở Thái Bình rất quan tâm. Sau khi anh Nam chết, do quá bức xúc, gia đình nạn nhân đã mang quan tài không thi thể đến Công an tỉnh Thái Bình nhưng sau khi được giải thích và cam kết sẽ làm rõ sự thật, trả lời bằng văn bản nên họ đã tự đem về.
Xương sọ bị vỡ dài 23cm nhưng da đầu không bị rách
Với những tài liệu hiện có và quan sát hiện trường thì đã có những vấn đề mà gia đình nạn nhân cũng như dư luận quan tâm đặt ra những nghi vấn rất cần được xem xét, giải quyết theo quy định.
Trước hết, theo biên bản thì xe chở hai cảnh sát là anh Thiện và anh Linh có chạy song song về phía phải xe anh Nam và yêu cầu dừng lại, nhưng anh Nam “không giảm ga đã lao xe lên vỉa hè, hậu quả xe anh Nam văng ra giữa đường còn anh Nam ngã và nằm bất động ngay tại chân cột đèn”.
Với vỉa hè thấp và thoai thoải thế này liệu xe máy có thể văng bật ngược lại ra giữa đường?
Tại vị trí anh Nam ngã, vỉa hè cao hơn mặt đường khoảng 10 cm và thoải dần mà không dựng đứng. Cho nên, theo các chuyên gia, nếu anh Nam không giảm ga và xe lao lên vỉa hè thì sẽ dẫn đến khả năng vị trí của xe này phải nằm trên vỉa hè. Bởi lẽ, vỉa hè thấp, thoai thoải nên theo quán tính, xe máy sẽ trượt về phía trước theo hướng chuyển động, cộng với hướng đang từ dưới đường trườn lên vỉa hè. Xe máy chỉ bị bật ngược trở lại giữa đường (như biên bản nêu) trong trường hợp vỉa hè cao, dựng đứng. Vậy, việc CQĐT xác định vị trí xe máy của anh Nam bị đổ liệu có chính xác? Cho nên, việc thực nghiệm hiện trường với sự chứng kiến của gia đình nạn nhân để xác định vị trí của xe anh Nam là rất cần thiết, tuy nhiên đã gần 1 tháng nhưng gia đình nạn nhân chưa thấy triển khai.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, tất cả những vết chà xát da theo khám nghiệm tử thi đều ở vị trí phía trước thân thể nạn nhân, chứng tỏ anh Nam bị ngã sấp. Nếu chỉ là những vết xước như vậy, ở tuổi 18, to khỏe, anh Nam khó có thể chết tức thì. Kết quả khám nghiệm tử thi thể hiện xương sọ vùng chẩm vỡ toác dài 23 cm, rộng 2 cm, trong khi đó, phần da đầu chỗ vỡ xương sọ không hề bị rách. Phía sau lưng, vai của nạn nhân không hề bị xước, tức là phần thân thể phía sau nạn nhân không chà xát với mặt đường. Như vậy, vết vỡ sọ này không phải do anh Nam va đập xuống khi ngã mà phải là do tác động rất mạnh khác từ phía sau vào đầu nạn nhân... Điều này có liên quan gì đến lời tố cáo của gia đình khi khẳng định anh Nam bị cảnh sát cơ động dùng côn nghiệp vụ vụt từ phía sau dẫn đến ngã xuống và tử vong, cần được xem xét, giải quyết.
Trong thông báo, CQĐT căn cứ đoạn băng ghi hình trên camera lắp đặt ở phía trước Ngân hàng công thương. Tuy nhiên, vào thời điểm 23 giờ đêm và ở vị trí cách xa nơi anh Nam ngã chừng 50m nên hình ảnh đó không rõ. Cho nên, gia đình nạn nhân khẳng định hình ảnh đó không thể sử dụng để đi đến kết luận rằng không việc có thành viên nào trong tổ Cảnh sát đặc nhiệm dùng công cụ hỗ trợ đánh vào đầu anh Nam.
Ngoài ra, lời xác nhận ban đầu của chị Bùi Khánh Linh thể hiện việc nhìn thấy xe của cảnh sát và xe anh Nam xe ke vào nhau, “công an vụt”… cũng cần được đối chất từ đó làm rõ có khách quan, chính xác.
Gia đình nạn nhân còn cho rằng vụ việc liên quan đến cảnh sát đặc nhiệm nên nếu để CQĐT giải quyết sẽ không thể khách quan.