Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 ra Tuyên bố chung trong đó bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên vùng biển ở khu vực châu Á, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.
Sau hai ngày nhóm họp tại Nhật Bản, ngày 27/5, các nhà lãnh đạo G7 đã ra Tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á.
Hội nghị G7 ra Tuyên bố chung quan ngại vấn đề Biển Đông
“Chúng tôi quan ngại về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những cơ chế duy trì hòa bình cũng như xử lý các tranh chấp”, AFP trích nội dung bản Tuyên bố chung .
Các nhà lãnh đạo G7 khẳng định, tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không; mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông không tiến hành những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng leo thang, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc nhằm thúc đẩy, củng cố các tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, theo AFP, Tuyên bố không hề đề cập đích danh quốc gia cụ thể nào.
Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh sau khi ra tuyên bố chung của hội nghị. Ảnh: AFP
Ngoài vấn đề căng thẳng gia tăng trên vùng biển trong khu vực châu Á, bản Tuyên bố chung 32 trang còn đề cập các cam kết của 7 nền kinh tế lớn G7 nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng toàn cầu vững mạnh.
Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị G7 mở rộng năm nay diễn ra trong hai ngày 26 - 27/5. Các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề toàn cầu như tình hình kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, người tị nạn, các tuyên bố chủ quyền tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông và việc Anh rời EU. 70.000 nhân viên an ninh được triển khai ở 3.500 điểm khắp Nhật Bản, riêng tỉnh Mie có 23.000 Cảnh sát, nhằm siết chặt an ninh trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tới Nhật Bản tham dự Hội nghị G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. |
Tuyên bố cũng yêu cầu Triều Tiên phải chấp hành đầy đủ nghị quyết của HĐBALHQ; chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, chương trình phát triển tên lửa, cũng như các hành động gây hấn khác.
Trong Tuyên bố chung, lãnh đạo các nước G7 tiếp tục lên án Nga trong quyết định sáp nhập bán đảo Crimea; khẳng định các biện pháp trừng phạt vẫn có hiệu lực chừng nào Nga chưa thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk. Mặc dù trước đó, Nhật Bản đã có ý kéo Nga về với G7, song Moscow đã tỏ thái độ không mấy mặn mà, thậm chí phớt lờ.
Tuyên bố chung còn đe dọa “tăng cường những biện pháp hạn chế” nhằm buộc Nga phải trả giá hơn nữa, song cũng có thể rút lại nếu Moscow thực hiện đầy đủ các thỏa thuận trước đó và tôn trọng chủ quyền của Ukraine.
Bên cạnh đó, đề cập cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), G7 khẳng định, Anh rời khỏi châu Âu sẽ là “nguy cơ nghiêm trọng đối với tăng trưởng toàn cầu”.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Mặc dù vậy, ngay sau đó, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích gay gắt nội dung bản Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 42.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố “vô cùng không hài lòng” về Tuyên bố chung của Hội nghị G7.
Theo bà Hoa, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này “đã thổi phồng vấn đề Biển Đông, cũng như nói quá về tình hình căng thẳng”. Điều này “không có lợi đối với sự ổn định ở Biển Đông, cũng như không đi đúng với lập trường của G7 là nền tảng để thảo luận về tình hình kinh tế của những nước phát triển”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Một trong các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 26/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng cảnh báo các thành viên G7 phải duy trì “vị trí khách quan và công bằng, thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc ý kiến riêng của khối”.
Theo Ngoại trưởng Vương, lãnh đạo các nước G7 có thể quyết định chủ đề thảo luận, nhưng không nên làm bất cứ điều gì “ảnh hưởng tiêu cực làm căng thẳng khu vực”.
Tháng trước, Bắc Kinh cũng vô cùng tức giận khi tại Hội nghị Ngoại trưởng G7, các nước thành viên đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ “mọi hành động đơn phương mang tính đe dọa, cưỡng ép hoặc gây hấn” có thể làm thay đổi hiện trạng và làm căng thẳng khu vực gia tăng.
Đáng lưu ý, tờ China Daily ngày 27/5 tiết lộ, Trung Quốc đang đặt mục tiêu biến một số đảo nhân tạo xây phi pháp ở Biển Đông thành các khu nghỉ mát theo phong cách Maldives.