Từ 10h20 đến 11h30 sáng nay (17/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại phiên chất vấn
Các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn những nội dung xung quanh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình.
Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ trả lời chất vấn đến 16h50 cùng ngày.
Trước đó chiều 15/11, tại báo cáo gửi đến các ĐBQH làm rõ các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư cũng như việc thực hiện “lời hứa” tại Kỳ họp thứ Hai, Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cam kết: Tiếp tục triển khai, hướng dẫn xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả, nhất là hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính trong xu thế thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social), đô thị thông minh (Smart City)…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
Xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới. Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên internet. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng. Thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành chức năng để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuế, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử.