Trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng giảm

Lan Trần| 27/10/2016 10:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, hiện tượng trục lợi Bảo hiểm y tế (BHYT) đã giảm.

Trao đổi tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2016, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 9/2016, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,5 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10,7 triệu người; BHXH tự nguyện là 194 nghìn người và BHYT là 74,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,8% dân số.

Trong 9 tháng năm 2016, toàn ngành thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 178,8 nghìn tỷ đồng, đạt 76,1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Số nợ ước tính đến 30/9/2016 là 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,98% so với kế hoạch giao thu (cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ nợ so với kế hoạch giao thu là 6,03%); trong đó nợ BHXH 8.981,9 tỷ đồng, nợ BHTN 480,5 tỷ đồng, nợ BHYT 3.592,8 tỷ đồng (ngân sách các địa phương chưa chuyển 2.156,2 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ BHYT).

Cũng trong 9 tháng năm 2016, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cho 104,7 triệu lượt người, tăng 10,7 triệu lượt người (11,4%) so với cùng kỳ năm 2015.

Trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng giảm

BHXH cho biết hiện tượng trục lợi BHYT đã giảm. Ảnh: VTV

Tại Hội nghi, trước câu hỏi của báo chí về vấn đề vấn đề trục lợi BHYT trong thời qua, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH cho biết: “Hiện nay tình hình kiểm soát trục lợi BHYT đang được tốt hơn. Những  biểu hiện trục lợi ở cả y tế công lập và ngoài công lập đã được khắc phục triệt để”.

Thực tế, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại 38 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, có 6 tỉnh có số bội chi trên 200 tỷ gồm Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi là do sự gia tăng cơ học về  số người tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó là việc áp dụng giá bảo hiểm y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc. Ngoài ra cơ chế thông tuyến đã được triển khai cũng dẫn đến việc tăng đối với chi phí y tế.

Cơ quan BHXH cũng thừa nhận còn còn có nguyên nhân khác như sử dụng nhiều dịch vụ y tế mới, sử dụng thuốc bất hợp lý…

Trước tình trạng trên, BHXH Việt nam đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc trục lợi BHYT. Đó là đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí, gắn trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu; triệu tập họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX.

Nhờ công tác kiểm tra quyết liệt, hiện nay hiện tượng thu gom bệnh nhân như trước đây đã không còn. Vấn đề chỉ định thuốc, dịch vụ y tế tại các bệnh viện đã được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, đặc biệt sau khi các bệnh viện phải kết nối và cập nhật kết quả khám chữa bệnh hàng ngày với cổng thông tin giám định BHYT. Đến nay, đã có 99% BHXH các tỉnh, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh kết nối thành công vào cổng thông tin giám định BHYT điện tử, 94 % đã liên thông và 50% liên thông hàng ngày.

Trong thời gian tới, BHXH tiếp tục tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa việc trục lợi BHYT như tăng cường kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB; đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu tại tất cả các cơ sở KCB hàng ngày… và sẽ kiên quyết từ chối các chi phí sai quy định, chi phí không hợp lý, chi phí do chủ quan gây vượt quỹ, vượt trần đa tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng giảm