Trọng dụng nhân tài không có nghĩa phải "lách luật"

Ngô Chuyên| 24/09/2021 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc 61 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên mà trượt đại học. Gốc rễ của vấn đề do đâu? Phải chăng bắt nguồn từ chính Bộ GD-ĐT?

Hai năm nay, Bộ GDĐT đã đổi tên Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích của kỳ thi là lấy điểm xét tốt nghiệp, đồng thời các trường đại học “có thể” sử dụng kết quả đó làm kết quả xét tuyển.

Năm nay, nhiều trường trước đó đã công bố thêm cả phương án tuyển sinh riêng của mình, tuy nhiên do đại dịch covid-19, kỳ thi tuyển sinh riêng của nhiều trường đã phải hủy, toàn bộ số chỉ tiêu thuộc về phương án tuyển sinh riêng được dồn vào phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.

thi-dot-2.jpg
97 em chỉ đăng ký 01 nguyện vọng duy nhất.

Ngay khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, nhìn thấy phổ điểm năm nay khá tươi sáng, nhiều người đánh giá mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng hứa hẹn sẽ nhiều gay cấn và kịch tính.

Quả không sai, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, có những trường lấy trên 30 điểm, đặc biệt năm nay có trường đào tạo ngành sư phạm lấy trên 30 điểm báo hiệu chất lượng, sức hút của các trường sư phạm vẫn lớn, chỉ cần thay đổi cơ chế và chính sách đãi ngộ sẽ xóa bỏ câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Thế nhưng năm nay một nghịch lý đã xảy ra, số thí sinh đạt từ 27 điểm (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm. Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ GDĐT đã cung cấp thông tin với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).

Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 01 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.

Từ đó, cho thấy được rằng cách tư vấn tuyển sinh đang gặp phải rất nhiều vấn đề, tính tự tin của các em quá cao dẫn đến không chừa cho bản thân một con đường lui. Trong cuộc sống, tôi tin gia đình luôn dạy các em ngoài phương án chính, phải chuẩn bị thêm một phương án phụ nếu xảy ra điều xấu nhất. Kể cả các tập đoàn, doanh nghiệp lớn dẫu nhiều dự án họ đã dự tính được 99% cơ hội thắng thế nhưng họ vẫn luôn “phòng thân” một phương án phụ. Chúng ta luôn nói những gì trong tương lai không ai có thể đoán đúng được hết kết quả, bởi vậy phải chuẩn bị mọi phương án, hạn chế rủi ro xấu có thể xảy.

Cánh cửa trường đại học, chỉ là bước khởi đầu cho cả con đường tương lai sau này nếu mới một thử thách đầu đời mà các bạn đã cho là thất bại thì sau này những sóng gió lớn hơn sẽ như thế nào.

Quay trở lại với việc dư luận xôn xao việc thí sinh gần đạt điểm tuyệt đối trượt đại học, Bộ GDĐT đã chủ động làm việc với các trường đại học lớn để tuyển sinh bổ sung những thí sinh có điểm từ 27 trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên). Tôi cho rằng, phương án này nhân văn, mang tính trọng dụng nhân tài.

Nhưng liệu Bộ đã nhìn một cách tổng quan chưa? Liệu trong số các thí sinh đó, Bộ có lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của các em chưa? Rồi Bộ có nghĩ đến lâu dài, năm sau và những năm sau nữa nếu có trường hợp tương tự xảy ra tiếp thì sao? Chúng ta đồng ý với suy nghĩ, không để thí sinh có điểm cao, có năng lực thực sự bị thiệt thòi, nhưng không có nghĩa là làm mọi cách “lách luật” để sửa sai hộ thí sinh.

Ví dụ Học viện chính trị Công an Nhân dân năm nay có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ lấy 50. Điều đó cho thấy, không chỉ năm nay mà năm nào, các trường trong lĩnh vực quân đội, công an điểm chuẩn đều cao, tỷ lệ chọi khốc liệt không chỉ thí sinh, mà rất nhiều phụ huynh, thầy cô cũng biết rõ điều đó. Tại sao, các em chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng? Tại sao các em không đăng ký thêm một vài nguyện vọng nữa làm phương án dự phòng?

Quy chế tuyển sinh do Bộ đưa ra, đề án tuyển sinh của các trường đại học cũng phải thông qua Bộ GDĐT phê duyệt. Vậy khi Bộ làm việc với các trường lớn để tuyển sinh bổ sung liệu lúc này Bộ có tuân thủ đúng “luật chơi” đã đưa ra trước đó chưa?

Chúng ta cần lắng nghe ý kiến của các trường nữa, nhân tài thì bất kỳ quốc gia nào cũng cần chứ không riêng gì các trường đại học, nhưng đảm bảo công bằng với các thí sinh khác cũng như tuân thủ các quy định đưa ra trước đó cũng rất cần.

Và nhân tài thì càng phải tuân thủ đúng “luật chơi”, biết chấp nhận thất bại, không thể sai lầm của mình mà người khác đi sửa hộ. Nước ta là nước có truyền thống khoa bảng nên càng phải tuân thủ đúng quy chế đã đưa ra. Tại sao Bộ lo đi sữa lỗi sai khi thí sinh chỉ chọn 1 nguyện vọng?

Tôi tin những thí sinh đặt 1 nguyện vọng đã hiểu rõ sự khốc liệt về cạnh tranh tấm vé vào trường lớn như thế nào. Bởi vậy, lúc này chúng ta cần để các em biết được giá trị thật, biết chấp nhận thất bại để trưởng thành.

Không đâu xa, nhớ lại câu chuyện của mùa tuyển sinh năm ngoái, khi dư luận ồn ào trước việc Ngô Minh Hiếu– chàng trai cõng bạn 10 năm đến trường trượt ĐH Y Hà Nội, nhiều ý kiến đưa ra mong ĐH Y Hà Nội xem xét đặc cách cho Hiếu vì tấm lòng cao cả mà em đã làm với bạn của mình trong 10 năm qua.

Trước những ồn ào đó, Hiếu đã lên tiếng: Dù nhà trường có đặc cách em cũng sẽ không nhận, em hài lòng với kết quả của mình và nhập học nguyện vọng 2 ở ĐH Y Thái Bình.

Hay năm nay, chúng ta biết thủ khoa khối B của tỉnh Nghệ An là một thí sinh tự do, có thành tích học tập 12 năm vô cùng xuất sắc. Năm ngoái em trượt ĐH Y với số điểm rất cao, nguyện vọng 2 em đậu vào trường top ở Hà Nội, nhưng em vẫn chấp nhận ôn thi lại một năm để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ của mình.

Không chỉ tôi và rất nhiều người có suy nghĩ, Bộ làm như vậy vô hình chung phá vỡ “luật chơi”, vô hình chung tiếp tay cho những lỗi sai không đáng có của thí sinh. Liệu lần này, Bộ sửa sai giúp các em, những lần sau nữa các em sai ai sẽ sửa giúp đây? Chúng ta nên công bằng, nên tuân thủ mọi quy định. Đừng vì một lý do nào đó mà tự phá vỡ quy định do chính mình đặt ra, cần nhìn thẳng vào mọi vấn đề.

Tôi tin những em đã đạt từ 27 điểm thì không khó khăn gì khi ôn thi lại một năm, bởi các em đã có nền móng vững chắc, cũng như có sự từng trải ở đấu trường năm nay. Đây là bài học để các em biết được để có sự thành công thì phải có sự trả giá và biết chấp nhận thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng dụng nhân tài không có nghĩa phải "lách luật"